Chính quyền TP Sầm Sơn sẽ làm gì để xử lý bãi rác "khổng lồ" gần bãi biển
Bãi rác công suất nhỏ dẫn đến quá tải
Nằm cạnh sông Đơ, cách bãi biển hơn 1 km, bãi rác Sầm Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép xây dựng, sử dụng vào năm 1996 với tổng diện tích 2,7 ha, công suất 25 tấn/ngày đêm.
Do sử dụng đã lâu, bãi rác này bị quá tải, dẫn đến ảnh hưởng môi trường nên năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đưa vào danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bãi rác Sầm Sơn đã quá tải gây ô nhiễm nghiêm trọng cần được di dời. Ảnh: Thảo Ngân |
Năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp kinh phí thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp bãi rác Sầm Sơn đạt công suất tiếp nhận rác lên 90 tấn/ngày đêm, với mục đích xử lý ô nhiễm rác thải tồn lưu.
Dự án được hoàn thành vào năm 2016 nhưng đến giai đoạn 2015-2017, do lượng khách du lịch đến Sầm Sơn ngày càng đông và thành phố tiếp nhận 6 xã của huyện Quảng Xương sáp nhập, nên lượng rác tập trung tại bãi rác này tiếp tục tăng đột biến.
Đến nay, trung bình bãi rác Sầm Sơn phải tiếp nhận khoảng 135-150 tấn/ngày đêm. Do đó, bãi rác này đang bị quá tải. Trong khi đó, TP Sầm Sơn chưa có chỗ đổ, xử lý rác thải mới nên bãi rác vẫn tiếp tục hoạt động.
Hiện, người dân quanh khu vực bãi rác Sầm Sơn đang phải chịu mùi rác bốc lên hôi thối; đặc biệt vào những ngày trời mưa, rác thải bốc mùi hơn, làm cho nhiều người dân không thể ngủ được vào ban đêm. Trong khi đó, hồ chứa nước thải của bãi rác này cũng đã bị quá tải, gây ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Nước thải từ bãi rác bốc mùi hôi thối khiến cư dân tại TP Sầm Sơn bức xúc. Ảnh: Thảo Ngân |
Chịu ảnh hưởng khi sống gần bãi rác, bà Nguyễn Thị Thủy, phố Trung Sơn, phường Trung Sơn, cho biết: Cứ vào sáng sớm, chiều muộn, bãi rác lại bốc mùi hôi thối, nhiều khi bà đi qua bãi rác, ruồi bay theo, bám vào người.
Gia đình bà và các hộ dân sống quanh khu vực bãi rác mong các cấp có thẩm quyền sẽ chuyển bãi rác đi xa, để đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch.
Sử dụng biện pháp tạm thời trong thời gian chờ xây dựng bãi rác mới
Hiện, tổng khối lượng rác tại bãi rác Sầm Sơn vào khoảng 532.000 tấn, TP Sầm Sơn đã giao cho Công ty Cổ phần môi trường đô thị và du lịch Sầm Sơn tiếp nhận, xử lý rác thải. Để hạn chế ô nhiễm môi trường, lực lượng công nhân đã sử dụng chế phẩm sinh học, máy móc vào xử lý rác.
Ông Cao Thiện Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phẩn môi trường đô thị và du lịch Sầm Sơn cho hay, khó khăn của Công ty hiện nay là diện tích chứa rác của bãi rác này đã quá tải, nên rác chất cao quá mức cho phép.
Để hạn chế ô nhiễm môi trường, lực lượng công nhân đã sử dụng chế phẩm sinh học, máy móc vào xử lý rác. Ảnh: Thảo Ngân |
Trong khi vị trí tập kết rác để xử lý đang khó khăn, nếu tiếp tục đổ rác lâu dài sẽ ảnh hưởng đến phương tiện xử lý môi trường khu vực. Thời gian tới, mong các cấp sớm di rời bãi rác này để Công ty có thể thực hiện các quy trình xử lý rác thải theo tiêu chuẩn của Bộ TN&MT.
Để khắc phục tình trạng quá tải của bãi rác, mỗi năm TP Sầm Sơn chi 9 tỷ đồng thực hiện việc thu gom, xử lý rác trên địa bàn. Hiện, tỉnh đã đồng ý cho UBND TP Sầm Sơn kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở xã Quảng Minh có diện tích khoảng 14 ha, quy mô công suất giai đoạn 1 là 200 tấn rác/ngày đêm, giai đoạn 2 khoảng 500 tấn rác/ngày đêm.
Theo bà Nguyễn Thị Yến, Phó phòng TN&MT TP Sầm Sơn, UBND TP Sầm Sơn đang thực hiện việc tuyển chọn, tìm các nhà đầu tư đủ năng lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở xã Quảng Minh.
Nếu nhà máy xử lý rác thải ở xã Quảng Minh chưa đi vào hoạt động, TP Sầm Sơn sẽ thực hiện phương án thuê các đơn vị vận chuyển rác đến nhà máy xử lý rác thải thuộc các khu lân cận, để chống quá tải rác thải trên địa bàn.