"Chính phủ hành động, Tổ tư vấn cũng phải hành động"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế. (Ảnh: VGP)
Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Diễn ra vào thời điểm cuối năm, cuộc làm việc nhằm nhìn lại kết quả hoạt động năm 2017 và định hướng năm 2018 của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng bày tỏ mong muốn được nghe góp ý về các biện pháp điều hành, làm sao không chỉ tăng trưởng về lượng mà cả về chất, nhất là về phương châm năm 2018 như “hành động, liêm chính, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”.
Thủ tướng nói rõ, Chính phủ hành động thì Tổ tư vấn cũng phải là "Tổ tư vấn hành động" và đề nghị trao đổi cách thức làm việc trong tổ chất lượng hơn, kịp thời hơn.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn cho biết, từ khi thành lập cách đây 5 tháng, Tổ tư vấn nói chung và từng thành viên đã nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình và mong muốn có đóng góp tư vấn cho Thủ tướng về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành nền kinh tế.
Thời gian qua, Tổ đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo với các chuyên gia, các nhà khoa học để tham vấn ý kiến; trao đổi, chia sẻ thông tin về nhận định, dự báo tình hình với một số tổ chức tài chính quốc tế (như WB, IMF, JICA), chuyên gia nước ngoài; đồng thời tổ chức nghiên cứu chuyên đề với sự phối hợp hỗ trợ cùa Tổng cục Thống kê và một số chuyên gia kinh tế, qua đó đã tính toán, định lượng được một số tiêu chí làm cơ sở quan trọng để rút ra những nhận định, đánh giá có tính thuyết phục; điển hình là các tiêu chí đánh giá sự chuyển động tích cực về chất lượng tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 (đổi mới mô hình tăng trưởng, đóng góp của năng suất lao động vào tăng trưởng kinh tế).
Các báo cáo của Tổ trong thời gian qua tập trung vào một số nội dung chủ yếu như cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế; một số giải pháp xoá bỏ rào cản, tháo gỡ nút thắt thúc đẩy tăng trưởng; quan điểm điều hành chính sách vĩ mô trong tương quan giữa bảo đảm ổn định vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế; một số giải pháp cụ thể ứng dụng công nghệ trong thời đại kinh tế số; một số giải pháp mang tính chiến lược phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; một số giải pháp phát triển thị trường tài chính, trong đó có giải pháp cơ cấu lại ngân hàng và phát triển thị trường chứng khoán.
Tổ đã làm việc với một số bộ, ngành để trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm chính sách và thực hiện khảo sát, làm việc với một số địa phương để nắm bắt tình hình thực tế thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tìm hiểu môi trường kinh doanh tại địa phương, qua đó đánh giá cơ chế, chính sánh nào đã đi vào cuộc sống và cơ chế chính sách nào chưa đi vào cuộc sống.
Các thành viên của Tổ tư vấn đều đánh giá năm 2017 là năm cải cách bận rộn và khá thành công. 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng, mà theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đạt mức mà ông không hề nghĩ tới. TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, quyết tâm của Người đứng đầu Chính phủ có yếu tố quyết định đối với kết quả này.
“Tăng trưởng ngoài dự tính, quan trọng là lý giải nó như thế nào”, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nói. “Thành công này đến từ khu vực tư nhân, kể cả trong nước và nước ngoài. Bài học lớn nhất là vai trò then chốt của kinh tế tư nhân”.
TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, chủ trương, chính sách nhiều, vấn đề là làm và để làm được thì cần có động lực. Do đó, Chính phủ cần có thông điệp mạnh mẽ thúc đẩy động lực của các địa phương, nơi trực tiếp thực hiện các chủ trương, chính sách. Đây là cách tạo sinh khí, tạo động lực tăng trưởng mới.
Sinh sống và giảng dạy tại nước ngoài, GS.TS. Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương (Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, Cộng hòa Pháp) cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt kiều quan tâm đầu tư về Việt Nam.
TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có cùng ý kiến, cho rằng tâm lý đầu tư, niềm tin từ phía nước ngoài rất tốt điều đó, giúp thị trường vốn tăng trưởng mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, ông cảnh báo tăng trưởng nhưng phải bền vững, tránh tăng quá nóng, nhiều rủi ro.
PGS.TS. Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) nêu tình trạng cuối năm thường các cơ quan báo cáo tổng kết, họp hành rất nhiều và cho biết, ở các nước OECD, không có hệ thống báo cáo cuối năm như ở ta. Họ dùng hệ thống quản lý hiệu suất, các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao ngay đầu năm và được nhập vào hệ thống phần mềm, sẽ tự động cập nhật, cho kết quả ngay mà không cần chờ báo cáo. Ông mong muốn nên ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý công vụ.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Tổ tư vấn góp ý nội dung dự thảo Nghị quyết 01 về các biện pháp chỉ đạo, điều hành năm 2018 và một số vấn đề khác của nền kinh tế. Các ý kiến cho rằng, thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco vừa qua là thành công và đặt vấn đề là làm sao sử dụng đồng tiền thu về có hiệu quả, minh bạch. Có ý kiến kiến nghị, Chính phủ cần có biện pháp quản lý đối với tiền ảo Bitcoin với nhiều nguy cơ “bong bóng”.
Nhất trí với các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc đánh giá năm 2017 đạt kết quả tương đối toàn diện, Thủ tướng bày tỏ trăn trở về những khó khăn, tồn tại, bất cập và thử thách trước mắt còn lớn như khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các biến đổi khó lường của thế giới, kinh tế vĩ mô còn nhiều vấn đề đặt ra…
Đánh giá cao sự cố gắng, nhiệt huyết của Tổ tư vấn, Thủ tướng đề nghị không chỉ tư vấn về kinh tế vĩ mô mà cả các lĩnh vực khác của sự phát triển kinh tế-xã hội bởi có nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế. Tháo gỡ một chính sách nào đó cho phát triển là điều rất quan trọng và vừa qua, “chúng ta đã làm điều đó thực sự”.
“Nếu không có biện pháp, giải pháp quyết liệt thì chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình mà nhiều nhà nghiên cứu đề cập”, Thủ tướng nói. “Cần làm gì để cả 3 khu vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đóng góp cho tăng trưởng”.
Thủ tướng đề nghị theo dõi sát diễn biến kinh tế - xã hội một cách chủ động, nhạy bén để kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, tư vấn cho Thủ tướng để có giải pháp tháo gỡ, không để tình trạng kéo dài, phức tạp thêm, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng dẫn ví dụ như vấn đề trạm BOT Cai Lậy, một vấn đề nóng của xã hội hay một số vấn đề cổ phần hóa mà xã hội quan tâm…
Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng tư vấn. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn tiếp tục dành thêm thời gian, tâm huyết, nâng cao hơn nữa chất lượng tư vấn, lưu ý tính kịp thời, thực tiễn, khả thi trong điều kiện hoàn cảnh thể chế, kinh tế-xã hội của nước ta và “quý vị phải hiểu Thủ tướng Việt Nam đang cần gì trong thời điểm cụ thể đó”.
Cần làm tốt vai trò tư vấn, phản biện, đánh giá chính sách. Chủ động theo dõi, tham gia ý kiến về dự thảo chính sách để quyết định của Thủ tướng được đưa ra đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình.
Trước tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hiện nay của bộ máy, Thủ tướng mong muốn Tổ tư vấn hiến kế về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở, để các bộ phận đều vào cuộc, chuyển động mạnh mẽ hơn.
“Công cụ gì, thể chế nào, chế tài gì phù hợp để cả hệ thống chúng ta, một bộ máy hành chính, hiệu lực, hiệu quả thực sự, có vai trò kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân. Anh nào né tránh, đùn đẩy, không dám quyết đoán thì đứng sang một bên để anh khác làm, chứ không phải lời nói và hành động của anh không đi liền với nhau”.
Tổ tư vấn cần bám sát kế hoạch hoạt động của Thủ tướng, góp một kênh để tham mưu kịp thời hơn.
Tổ cần có sự phân công, điều phối công việc một cách nhịp nhàng hơn, ăn ý hơn giữa các thành viên. Có hình thức duy trì sinh hoạt qua mạng, trực tuyến cho phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.
Cần đổi mới cách thức tổ chức công việc để phát huy vai trò, thế mạnh của từng thành viên, kể cả việc tổng hợp báo cáo của các thành viên gửi Thủ tướng cũng phải công phu, khoa học, tôn trọng sự khác biệt. Báo cáo cần ngắn gọn, nêu được ý kiến đồng thuận và ý kiến khác nhau. Mỗi thành viên có thể gửi ý kiến trực tiếp cho Thủ tướng.
Đồng ý về một số chuyên đề sâu trong năm 2018 của Tổ tư vấn, Thủ tướng nêu rõ, kết quả của mỗi chuyên đề sẽ là sản phẩm quan trọng, là văn bản chỉ đạo của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách liên quan do Tổ đề xuất.
Theo VGP