Chính phủ đề nghị hoãn tăng lương, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế |
Chính phủ Việt Nam tặng 20.000 khẩu trang y tế giúp Belarus chống COVID-19 |
Sáng 20/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp 9, ngày 20/5. |
Tình hình trong nước, quốc tế biến động chưa từng có
Theo Thủ tướng, những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hầu hết ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội (KTXH) ngưng trệ.
Tuy nhiên, chúng ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động KTXH và bảo đảm đời sống của nhân dân.
Việt Nam đến nay cơ bản kiểm soát được dịch. Tổng số trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận là 324 ca, trong đó 263 ca đã được chữa khỏi và chưa có trường hợp tử vong. Liên tục trong hơn một tháng qua, chưa có trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng (các ca nhiễm gần đây đều là người Việt Nam nhập cảnh); trong khi nhiều quốc gia phát triển, có nền y tế hiện đại vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Theo người đứng đầu Chính phủ, những thắng lợi đầy ý nghĩa trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là kết tinh của tinh thần yêu nước, niềm tin và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong thời gian tới, Chính phủ nhận định đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, tiếp tục lây lan với tốc độ cao. “Dù đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta không được chủ quan, lơ là, phải luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại”, Thủ tướng lưu ý.
Ông đề nghị các cấp, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ các nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, tiếp tục thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh. Cùng với đó, đẩy nhanh việc nghiên cứu, phát triển vaccine phòng dịch, các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị xây dựng Chiến lược phòng chống dịch bệnh, bảo đảm hiệu quả y tế và bền vững về kinh tế, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển KTXH, vừa phòng chống dịch.
Đề xuất các chính sách đặc thù trong tình hình mới
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét loạt cơ chế đặc thù trong tình hình mới.
Theo Thủ tướng, so với cuối năm 2019 tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều do tác động bởi Covid-19. Do đó, ông đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ 1/7/2020 để "cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách".
Trước đó, theo nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 vào cuối năm 2019, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng một tháng từ 1/7. Mức này tăng khoảng 110.000 đồng so với năm 2018 (tương đương 7%).
Về tăng trưởng kinh tế, ông nhìn nhận, mục tiêu tăng GDP 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được. Vì thế Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thu - chi ngân sách, bội chi, nợ công... Các chỉ tiêu cụ thể sẽ được cơ quan này báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Cùng với việc thực hiện nhanh, hiệu quả, kịp thời các cơ chế, chính sách đã được ban hành, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.
Trước hết, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.
Thứ hai, cho chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn).
Thứ ba, miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Thứ tư, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Thứ năm, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra hoạt động xuất khẩu gạo từ đầu năm 2020 Thanh tra Chính phủ vừa ra quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước ... |
Bổ nhiệm lãnh đạo mới Bộ Tài chính, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Bộ Tài chính và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vừa đồng loạt triển khai công tác cán bộ, theo đó công ... |
Hà Nội: Tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ chỉ đạt 5,34% vì dịch COVID-19 Theo kịch bản xấu nhất, nếu dịch COVID-19 kéo dài đến hết năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của TP. Hà Nội chỉ ... |