Chiêm ngưỡng “Câu chuyện 16 chiếc bàn cà phê”
Triển lãm gồm 16 chiếc bàn sơn mài, đại diện cho “16 chữ vàng” được nhắc đến trong quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc. Những tác phẩm này do nghệ sĩ thị giác năng động Nguyễn Thế Sơn – nhiếp ảnh gia, học giả tiếng Trung thực hiện.
“16 chữ vàng” này có sự khác biệt, không phải “Láng giếng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” như trước. Thời gian gần đây, nó được thay đổi thành “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan” (tạm dịch: “Sông núi liền nhau, cùng chung lý tưởng, hòa nhập văn hóa, có chung định mệnh”).
Đó cũng chính là những chữ mà Nguyễn Thế Sơn dùng để làm 16 chiếc bàn sơn mài với chữ nạm bằng “vàng” và viết theo lối mô phỏng bằng bút lông theo chữ Hán. Mỗi chữ được khắc lên mặt bàn, đặt trên nền của tập hợp ảnh trong lịch sử, khắc hoạ các câu chuyện và khía cạnh khác nhau giữa 2 nước Việt – Trung nhưng lại có nhiều nét tương đồng.
Tham gia triển lãm, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng những chiếc bàn cà phê vốn chỉ là vật dụng quen thuộc như một phần của cuộc sống. Nhưng nó lại thể hiện mối liên hệ tư tưởng và lịch sử. Đó cũng là ranh giới giữa được – mất, tiến bộ – suy thoái trong những câu chuyện trong loạt tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn.
“Câu chuyện 16 chiếc bàn cà phê” là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mới từng được giới thiệu tại triển lãm Miền Méo Miệng (Đại học Umea, Bảo tàng nghệ thuật Bildmuseet, Thuỵ Điển) do giám tuyển Trần Lương tuyển chọn. Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày một số tác phẩm gần đây của Thế Sơn như: “Nhà mặt phố” và “Nhà tây biến hình”. Người xem sẽ thấy ở đó, một Hà Nội không hề bị đứt đoạn với quá khứ, mà tự nó sáng tạo trong những thay đổi từ thời đại hướng tới tương lai.
Triển lãm bắt đầu diễn ra ngày 15/1 và mở cửa thứ hai đến thứ bảy hàng tuần từ 10 – 18 giờ hàng ngày.
Minh Châu