Chia tay “bà đầm thép” Nancy Pelosi
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã chính thức thông báo quyết định từ chức lãnh đạo đảng Dân chủ, sau khi đảng Cộng hòa có đủ số ghế cần thiết để giành lại quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này. Bà Nancy Pelosi tuyên bố, “đã đến lúc để một thế hệ mới dẫn dắt đảng Dân chủ” và khẳng định sẽ không có ý định tái tranh cử vị trí lãnh đạo đảng này trong khóa Quốc hội tiếp theo.
Với tuyên trên, bà Nancy Pelosi sẽ rút khỏi vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ vào tháng 1/2023 khi toàn thể Hạ viện Mỹ khóa mới sẽ bầu tân Chủ tịch, vị trí quyền lực quan trọng thứ ba tại nước Mỹ sau Tổng thống và Phó Tổng thống. Chủ tịch Hạ viện khóa tới chắc chắn sẽ do người của đảng Cộng hòa nắm giữ bởi đảng này đã giành được ít nhất 218 ghế để giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này của nước Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ thông báo rút lui khỏi vị trí lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Hạ viện ngày 17/11 (Ảnh: Reuters).EUTERS |
Quyết định rút lui không chạy đua tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện của bà Nancy Pelosi xem ra không phải là điều bất ngờ. Bởi không chỉ do đảng Dân chủ để mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Cộng hòa, từ vị trí phe đa số trở thành phe thiếu số tại cơ quan này, cũng đồng nghĩa với việc ai lãnh đạo đảng Dân chủ sắp tại chỉ là lãnh đạo phe thiếu số tại Hạ viện chứ không phải lãnh đạo phe đa số như trước.
Trước cuộc bầu cử giữa kỳ, với những thực tế không mấy sáng sủa và những chỉ dấu bất lợi dự báo có thể thất bại nặng, hàng chục thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện đã tỏ ra lo ngại rằng nếu họ mất đa số tại Hạ viện sẽ có áp lực lớn buộc bà Nancy Pelosi phải ra đi. Tuy nhiên, cũng có nhiều thành viên đảng Dân chủ không mong muốn bà Nancy Pelosi tiếp tục nắm giữ vị trí quyền lực lãnh đạo đảng.
Song việc đảng Cộng hòa chỉ chiếm được đa số không như kỳ vọng, nên đảng Dân chủ dù thất bại trước đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Hạ viện cũng không đến nỗi quá thất vọng, nhất là khi họ vẫn tiếp tục nắm giữ quyền kiểm soát Thượng viện. Thế nên, việc mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay những người Cộng hòa có lẽ không phải nguyên nhân quyết định khiến bà Nancy Pelosi rút khỏi vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ.
Bà Nancy Pelosi đã gặp phải cú sốc cực mạnh ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ, cú sốc mà đích thân bà đã rơi nước mắt nói rằng “rất sợ hãi”. Đó là việc ông Paul Pelosi, 82 tuổi, là chồng bà bị một kẻ tấn công dùng búa đánh tới nứt hộp sọ vào ngày 28/10/2022 ngay tại nhà riêng.
Trong không khí căng thẳng bao trùm chính trường Mỹ trước bầu cử giữa kỳ, vụ tấn công tàn bạo nhằm vào chồng đương kim Chủ tịch Hạ viện đã làm dấy lên những lo ngại mới về các mối đe dọa bạo lực chính trị, đồng thời phần nào cho thấy tính dễ bị tổn thương của các nghị sĩ và gia đình của họ trong môi trường chính trị Mỹ hiện nay. Bản thân bà Nancy Pelosi trong phát biểu sau khi tái đắc cử Hạ nghị sĩ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua cũng cho biết, cuộc tấn công vào chồng bà sẽ ảnh hưởng đến quyết định về tương lai chính trị của bản thân.
Cho dù nguyên nhân gì là chính yếu khiến bà Nancy Pelosi rút khỏi cương vị lãnh đạo đảng Dân chủ thì cũng còn quá quan trọng. Với 35 năm “chinh chiến” trên chính trường nước Mỹ, trong đó nhiều năm giữ cương vị lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện, bà Nacy Pelosi đã để lại những dấu ấn đậm nét với cả chính sách đối nội và đối ngoại của siêu quốc hàng đầu thế giới này.
Không chỉ nhiều năm nắm giữ vị trí quyền lực quan trọng thứ ba của nước Mỹ sau Tổng thống và Phó Tổng thống, bà Nancy Pelosi với sự mạnh mẽ và quyết đoán của mình, được nhắc tới các biệt danh như “bà đầm thép”, “quý bà thép”, “bông hồng thép”, “người phụ nữ quyền lực nhất nước Mỹ”. Bà Nancy Pelosi, năm nay 82 tuổi, là vị Chủ tịch Hạ viện nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ, và bà đã nắm giữ cương vị này trong hai nhiệm kỳ không liên tục từ 2007-2011 và từ 2019 đến nay.
Có điều khá ngạc nhiên là “người phụ nữ quyền lực nhất nước Mỹ” lại tham gia chính trường khá muộn. Năm 1987, bà Nancy Pelosi lúc đó 47 tuổi mới lần đầu đại diện cho đảng Dân chủ tại bang California đông dân và giàu bậc nhất nước Mỹ tranh cử, đồng thời đắc cử vào Hạ viện. Với sự nhạy bén về chính trị, sự nghiệp chính trị của bà đã thăng tiến nhanh chóng, sớm đứng vào đội ngũ những nhân vật có ảnh hưởng, lãnh đạo trong đảng Dân chủ.
Bà Nancy Pelosi nổi tiếng với phong cách lãnh đạo mạnh mẽ, quyết liệt. Cuối năm 2020, sau khi kết quả bầu cử Tổng thống cho thấy ông Donald Trump đã thua nhưng chưa thừa nhận thất bại trước ông Joe Biden, bà mạnh mẽ tuyên bố, “đã lên kế hoạch kéo ông ấy ra khỏi nơi đó (tức Nhà trắng)”. Bà cũng có lần xé nát bài phát biểu liên bang trên cương vị Tổng thống của ông Donald Trump để thể hiện phản ứng mạnh mẽ.
Bà Nancy Pelosi còn được biết tới với biệt danh “nữ hoàng gây quỹ” của đảng Dân chủ. Ngay trong lần đầu tiên tranh cử Hạ viện, bà đã huy động được hơn 1 triệu USD chỉ trong 7 tuần, vượt qua tất cả các đối thủ của mình. Theo thống kê, từ năm 2002 đến năm 2021, bà Nancy Pelosi đã quyên góp được hơn 1 tỷ USD cho Đảng Dân chủ, một con số này mà không ai trong đảng có thể sánh được.
Bà Nacy Pelosi từng gây ra cơn “sóng gió” trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc khi tới thăm Đài Loan hồi tháng 8/2022. Với chuyến thăm gây tranh cãi này, bà Nancy Pelosi trở thành quan chức cao cấp nhất của Mỹ thăm Đài Loan trong vòng 25 năm qua, và làm dấy lên một làn sóng các quan điểm trái chiều, trong đó có những phản ứng, chỉ trích kịch liệt từ phía Trung Quốc.
Trong tuyên bố đưa ra sau khi bà Nancy Pelosi tuyên bố rút lui, Tổng thống Joe Biden ca ngợi bà trên cương vị Chủ tịch Hạ viện đã có những ảnh hưởng sâu sắc và tích cực. Ông chủ Nhà trắng khẳng định, bà là “chủ tịch Hạ viện có tầm ảnh hưởng nhất lịch sử Mỹ”.
Tuy rời khỏi vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ nhưng bà Nancy Pelosi vẫn tiếp tục là Hạ nghị sĩ đại diện cho bang California tại Hạ viện Mỹ và theo giới quan sát, bà vẫn duy trì tầm ảnh hưởng lớn tới thế hệ lãnh đạo kế tiếp của đảng Dân chủ.
Bên lề G20: Mỹ - Trung nói với nhau điều gì Hãng tin AFP dẫn thông báo ngày 10/11/2020, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Indonesia, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Câu hỏi lớn nhất cho dư luận quốc tế: tại cuộc gặp này, Mỹ - Trung sẽ đề cập đến những vấn đề gì? |
“Lằn ranh đỏ” Mỹ-Trung Cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc được trông đợi sẽ giúp làm giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu này khi mà thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt bất ổn từ xung đột ở Ukraine cho tới khủng hoảng năng lượng và lương thực. |