Chắt chiu màu xanh nơi điệp trùng sóng gió
“Thầy tại chỗ, thuốc tại vườn”
Chúng tôi gặp Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp, y sĩ Nguyễn Văn Muộn trong chuyến thăm, động viên, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trạm radar 625 thuộc Trung đoàn 551, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân (ở đảo Hòn Đốc, thành phố Hà Tiên, Kiên Giang) nhân dịp đón Xuân Giáp Thìn. Lúc này anh Muộn đang tỉ mẩn chăm sóc những cây thuốc trong vườn thuốc nam của đơn vị.
Anh nói “đã gắn bó với vườn thuốc nam khi nhận nhiệm vụ về công tác tại Trạm radar 625 vào năm 2008. Ngày đó, vườn chưa nhiều cây thuốc như bây giờ. Hiểu giá trị cây thuốc, vừa là phương thuốc chữa bệnh, vừa là nguyên liệu món ăn, lại góp phần hạn chế lạm dụng kháng sinh nên đi đâu, tôi cùng anh em cũng để ý tìm, bổ sung thêm giống cây cho vườn. Phát triển được thêm giống cây nào, anh em đều phấn khởi, ra sức chăm bẵm. Từ tìm kiếm loại đất phù hợp, đến bổ sung dinh dưỡng cho đất, dành dụm nguồn nước để tưới cây...
Thượng úy chuyên nghiệp, y sĩ Nguyễn Văn Muộn,Trạm radar 625 (Trung đoàn 551, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) chăm sóc cây thuốc nam trong vườn. |
Nay khu vườn khoảng vài chục m2 đã phát triển hơn 40 loại cây thuốc, quy hoạch thành 8 nhóm nhiều công dụng khác nhau. Nhóm chữa ho có các cây: lược vàng, gừng, xương sông, chanh. Nhóm cầm máu có bách diệp, cộng sản, ngải cứu, nhọ nồi. Nhóm giải độc gan có cà gai leo, cây chó đẻ, an xoa. Nhóm bổ an thần có đinh lăng, sâm đất, sâm cao, lạc tiên”…
Vườn thuốc Nam của Trạm đã góp phần quan trọng vào việc chăm sóc sức khỏe cho bộ đội. Anh em chiến sĩ khi có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, cảm cúm, bong gân… đều nhớ đến những cây thuốc nam giản dị trong vườn. Theo lời kể của anh Muộn, cách đây ít ngày, Hạ sĩ Dương Thái Tuấn (Trạm radar 625) sơ ý bị đứt tay khi đang sơ chế nguyên liệu nấu ăn. Vết thương sâu, chảy nhiều máu. Anh Muộn vội chạy ra vườn thuốc nam, hái nắm lá cây cộng sản, nhai nhỏ, đắp vào vết thương cho Tuấn. Khoảng 10-15 phút sau, máu ngừng chảy, anh Muộn mới tiến hành các thao tác sơ cứu vết thương tiếp theo.
Vườn cũng cung cấp nguồn thuốc phong phú phục vụ đắc lực cho quân y Trạm khi chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn đơn vị đứng chân. Bà con còn được quân y trạm giới thiệu và giúp đỡ nhân giống cây thuốc nam trong vườn nhà, đảm bảo luôn có sẵn “thuốc tại vườn”.
“Sỏi đá cũng thành cơm”…
Trong số các trạm radar ở tuyến đảo Tây Nam, đường lên Trạm Radar 615 (Trung đoàn 551, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) ở đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) có thể xem là dốc nhất so với các trạm radar khác đóng ở tuyến đảo Tây Nam. Các điểm trạm khác có thể nhờ đến sự trợ giúp của xe máy, ô tô để di chuyển, đảo Hòn Chuối thì không. Nằm trên đỉnh đồi với độ cao 176m so với mực nước biển, để lên Trạm Radar 615 phải leo bộ 365 bậc thang dốc đứng, cheo leo. Việc vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm lên Trạm hiện 100% bằng sức người. Địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều, nên hoạt động tăng gia sản xuất được đơn vị đặc biệt chú trọng.
Chiến sĩ Trạm Radar 615 (đảo Hòn Chuối) tăng gia sản xuất. |
Vườn tăng gia Trạm Radar 615 rộng khoảng hơn 50m2 nhưng cũng được khéo léo trồng nhiều loại cây con. Đến thăm Trạm vào những ngày cuối năm Quý Mão 2023, thấy trong vườn, rau mùng tơi, rau cải, dền, mùi, muống cạn... tốt tươi, xanh mướt. Rìa vườn cây khế chua sai quả. Phía góc vườn có hai chuồng gà, một nuôi gà ta, một nuôi gà ác... Trạm còn gây dựng được đàn vịt, đàn heo để đa dạng món ăn cho cán bộ chiến sĩ.
Hạ sĩ Phan Quốc Đạt, Chiến sĩ Trạm Rađa 615 kể: Hạt giống rau được mang từ đất liền vào, chủ yếu là các loại rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ. Các loại rau được tính toán xen canh, gối vụ khoa học, phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng và đúng mùa vụ từng loại rau để vừa đa dạng loại rau vừa tận dụng tối đa diện tích đất.
Hạ sĩ Lâm Chí Phải, Chiến sĩ Trạm Rađa 615 (đảo Hòn Chuối) chăm sóc cây, con trong Vườn tăng gia của Trạm. |
Ở quê nhà, Hạ sĩ Lâm Chí Phải, Chiến sĩ Trạm Rađa 615 cũng đã quen với công việc làm vườn nhưng trồng trọt, chăn nuôi ở đảo có thêm nhiều thử thách mà anh cùng đồng đội phải thích nghi, vượt qua.
“Đất ở Hòn Chuối chủ yếu là đất đá đỏ cằn cỗi. Anh em chiến sĩ phải chú trọng cải tạo đất, tận dụng phân chuồng, cỏ dại băm nhỏ, đào hố ủ mục trộn đều vào đất. Trải qua nhiều lần cải tạo, mới có diện tích đất màu mỡ, tơi xốp như ngày nay. Để vườn xanh tốt, anh em còn làm hàng rào lưới che chắn quanh vườn hạn chế hơi nước biển làm hại rau xanh, tận dụng nguồn nước thu lại từ sinh hoạt để tưới rau, nhất là vào mùa khô thiếu nước ngọt”, Chí Phải kể.
Nỗ lực của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 615 đã biến “sỏi đá cũng thành cơm”. Từ tăng gia sản xuất giúp bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ đơn vị thêm đa dạng và giàu chất dinh dưỡng.