Chắp cánh ước mơ, gây dựng tương lai cho học sinh nghèo vùng biên giới
Nuôi dưỡng ước mơ cho những “mầm xanh” biên cương Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” và “Nâng bước em tới trường” đã và đang tiếp sức, nuôi dưỡng ước mơ cho những “mầm xanh” là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nơi biên cương Tổ quốc. |
Trao học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số và vùng biển đảo tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà Ngày 24/5, tại thành phố Tuy Hòa, Quỹ học bổng Vừ A Dính, Câu lạc bộ 'Vì Hoàng Sa-Trường Sa thân yêu' phối hợp với Tỉnh Đoàn Phú Yên, các đơn vị tài trợ tổ chức trao học bổng năm học 2021-2022 cho học sinh dân tộc thiểu số và vùng biển đảo của tỉnh Phú Yên. |
Chắp cánh những ước mơ
Sau 5 năm về sống dưới mái nhà mang tên Đồn Biên phòng Mường Lạn, cô bé Sậm Thị Dở, người dân tộc Mông gầy gò, ốm yếu ngày nào giờ đã phổng phao, mạnh khỏe, nhanh nhẹn, tháo vát. Cô bé là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em, mồ côi bố từ khi mới 2 tuổi. Một mình mẹ của Dở tần tảo nuôi 8 người con nên rất vất vả. Cái đói, cái nghèo bủa vây khiến cho cuộc sống của gia đình em luôn thiếu ăn, thiếu mặc. Con đường đến trường của anh chị em Dở vì thế cũng gian nan, vất vả vô cùng.
Nỗi lo sợ của cô bé đã được những người lính Đồn Biên phòng Mường Lạn xóa bỏ. Sau khi thảo luận đi đến thống nhất, năm 2016, chỉ huy đơn vị đã tới nhà đặt vấn đề với mẹ của Dở nhận đón em về nuôi dưỡng. Cô bé 8 tuổi được bố trí ở cùng với những anh chị học trò mà đồn đã nhận nuôi dưỡng trước đó để có thể hòa nhập nhanh hơn. Dở tâm sự: “Những ngày đầu, con hay khóc vì nhớ nhà. Các anh chị và các chú, các bác đã động viên, giúp đỡ con rất nhiều”.
Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn dành tình thương cho con nuôi như con của mình. Ảnh: Báo Biên phòng |
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cô bé đã thích nghi được với cuộc sống của bộ đội. Dở dậy sớm theo kẻng của đơn vị, biết tự giặt quần áo, quét dọn nhà cửa, chăm sóc vườn rau..
Đồn Biên phòng Mường Lạn đã thực sự trở thành mái ấm gia đình đối với Dở. Cô bé tâm sự: “Các anh chị cũng giúp đỡ con học tập, giảng cho con những chỗ con chưa hiểu. Bài tập nào khó hơn, các anh chị không giúp được, các bác sẽ giảng giúp con. Ở nhà con chỉ có cơm trắng và rau thôi, còn ở đây, con được ăn cơm với thịt, được các chú, các bác mua cho rất nhiều áo ấm. Các bác còn tặng cho con rất nhiều đồ dùng. Con rất vui vì giờ đây, con có rất nhiều bố nuôi” - cô bé chia sẻ.
Đến nay, Đồn Biên phòng Mường Lạn đã thực sự trở thành mái nhà thân thương của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, giúp các em thực hiện ước mơ đang theo đuổi. Trung tá Vì Văn Chương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lạn cho biết: “Từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đã và đang nuôi dưỡng 5 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và đỡ đầu 1 học sinh người Lào. Trong đó, cháu Giàng Đậu Tủa đã học hết lớp 12.
Năm 2021, cháu thi đỗ ngành Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cháu Giàng Bả Hợ đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Hiện còn cháu Dở đang học lớp 8 vẫn sinh sống trong đơn vị. Còn hai anh em cháu Thào Tra Pó (lớp 12) và Thào Thị Dâu (lớp 10) đang học ngoài huyện Sốp Cộp. Hằng tháng, chúng tôi đều chu cấp sinh hoạt phí cho các cháu”.
Có một điều khá đặc biệt, chị Vàng Thị Pạ Dê, mẹ cháu Dâu và Pó lại chính là học viên lớp xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Mường Lạn mở khóa đầu tiên vào năm 2015. Có lẽ vì thế mà chị Vàng Thị Pạ Dê luôn dành tình cảm yêu quý đặc biệt mỗi khi nhắc đến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn.
Không để giấc mơ dang dở
Trong những năm qua, BĐBP Nghệ An đã triển khai hiệu quả Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động.
Từ nhỏ, em Xeo Thị Hoa, người dân tộc Khơ Mú, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, học sinh lớp 10, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An đã phải chịu cảnh mồ côi bố. Một thời gian sau khi bố qua đời, mẹ em cũng đi lấy chồng khác, Hoa cùng 3 người em phải sống nương tựa vào bà ngoại đã cao tuổi. Những ngày không đi học, Hoa lên rẫy phụ bà trồng ngô, trồng sắn. Đã có lúc em nghĩ đến chuyện bỏ học ở nhà đi làm để đỡ đần cho bà ngoại. Hiểu rõ hoàn cảnh của cô học trò nghèo, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Keng Đu đã thống nhất nhận đỡ đầu Hoa theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”.
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn dạy con nuôi học bài. Ảnh: Báo Biên phòng |
Hoa chia sẻ: “Các chú BĐBP không chỉ quan tâm đến việc học của em, mà còn giúp bà sửa lại nhà ở, thu hoạch mùa màng. Những năm qua, em luôn nỗ lực cố gắng học tập, 3 năm liền đạt học sinh giỏi toàn diện. Nhờ sự định hướng của các chú BĐBP và để phù hợp với điều kiện gia đình, em đã đăng ký học Hệ bổ túc của Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. Ở đây, em vừa được học chữ và nghề dệt may với mong muốn là sớm tự lập, lo cho bản thân, đỡ đần cho bà ngoại chăm các em nhỏ”.
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, thực hiện chủ trương của cấp trên và căn cứ vào tình hình thực tế địa bàn, các đơn vị của BĐBP Nghệ An đã và đang nhận đỡ đầu 96 em học sinh theo Chương trình "Nâng bước em tới trường" và 17 em học sinh theo Chương trình "Con nuôi đồn Biên phòng". Không chỉ trích ngày lương, phụ cấp để hỗ trợ, cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng còn là người trực tiếp chăm lo, chỉ bảo cho các em trong sinh hoạt, học tập. Các đơn vị còn thường xuyên cử tổ công tác hỗ trợ gia đình những học sinh được đỡ đầu phát triển kinh tế, sản xuất, cải thiện cuộc sống. Từ đó, tạo điều kiện để các em yên tâm vươn lên học tập, rèn luyện tốt.
Trao sinh kế cho phụ nữ nghèo vùng biên Hội phụ nữ cùng những người lính biên phòng phối hợp tổ chức các hoạt động đầy ý nghĩa nhằm hỗ trợ các chị em phụ nữ, các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới. |
Điện Biên: Khánh thành công trình Trường học tại xã nghèo biên giới Ngày 19/5, tại xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ (Điên Biên) Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty điện lực miền Bắc và UBND huyện Nậm Pồ đã cắt băng khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Trường phổ thông DTBT Tiểu học - THCS Vàng Đán |