Cha mẹ Việt chi hàng trăm triệu cho con đi trại hè
Áp lực học hè vì phụ huynh sợ con kém cỏi Nghỉ hè, phụ huynh nháo nhào tìm chỗ học hè bán trú cho con Nở rộ trào lưu đầu tư cho con xuất ngoại học hè |
Khóa học kéo dài 2 tuần về kỹ năng lãnh đạo, robot và thiên văn học tại hai đại học nổi tiếng thế giới ở Boston (bang Massachusetts, Mỹ) diễn ra vào tháng 6/2018, với chi phí 4.600 đôla, chưa bao gồm vé máy bay.
Con trai chị - Hoàng Anh, 17 tuổi đang học trường Tạ Quang Bửu - ước mơ đi du học tự túc về ngành kỹ thuật. Cậu bé cho biết sau khóa học ngắn trên, cậu đã định hình rõ chuyên ngành và trường muốn đi học, cũng như quyết tâm theo đuổi nó. Hè năm nay Hoàng Anh đang tham gia chương trình tình nguyện một tháng tại Pháp, bằng học bổng tự giành được.
Học sinh Việt Nam trong một trại hè năm 2018 ở sân đại học Harvard (Mỹ). Ảnh: Ngọc Thúy.
|
Chuẩn bị tham dự trại hè tại Israel vào đầu tháng 7 này, Khánh Linh, 14 tuổi, học sinh một trường chuyên ở Quận 1 (TP HCM) đang vô cùng háo hức.
Linh từng đi du học hè về tiếng Anh tại Singapore, nhưng đây lần đầu cô bé tham dự trại hè công nghệ với học sinh đến từ 35 quốc gia tại đất nước Do Thái. Nơi học của cô bé nằm tách biệt trên núi với phòng thí nghiệm, sân thể thao, hồ bơi và bãi cỏ tuyệt đẹp...Chị Nguyễn Ngọc Phương Trinh, đại diện đơn vị tổ chức cho biết, Khánh Linh đã theo học chương trình STEM (chương trình giảng dạy thực tế về khoa học, công nghệ, toán...) và có nền tảng tiếng Anh tốt, cô bé cũng từng đạt giải cao về lập trình robot. Chi phí cho chuyến đi của Khánh Linh khoảng 150 triệu đồng.
Có con gái 3 năm tham gia trại hè quốc tế, lần lượt ở Singapore, Australia và năm nay là Anh, chi phí mỗi lần từ 80 đến 130 triệu đồng, chị Lê Thu Mai (Hà Đông, Hà Nội) cho biết điều chị kỳ vọng nhất không phải là con học hỏi được quá nhiều, mà coi đây như một quãng thời gian niên thiếu con được nghỉ ngơi, có thời gian học hỏi, trải nghiệm, xây dựng tự tin, qua đó bé sẽ tự đánh giá được nhu cầu du học thực sự sau này.
"Nếu lớn lên con có đi du học, thì khi đó phải dành toàn thời gian cho việc học. Vì thế, đi trại hè bây giờ con sẽ hưởng thụ, vừa vui chơi, vừa làm quen dần với nền văn hóa, con người các nước, mở mang đầu óc", chị nói.
Những chuyến du học mini là "tiền trạm" cho trẻ hướng đến du học sau này. Theo chị Nguyễn Ngọc Thúy - đại diện một đơn vị du học có cơ sở tại Hà Nội và TP HCM – càng ngày "độ chịu chơi" của cha mẹ Việt càng lớn. Một ông bố đi xe Cub cũ, quần áo bạc phếch, bán tạp hoá ở Sài Gòn, hai năm liền cho con đi trại hè Mỹ theo đơn vị của chị.
Một phụ huynh khác, có con gái mới học hết lớp 3, đã xin tham gia trại hè Mỹ (vốn bình thường chỉ có trẻ từ lớp 7 trở lên). Trước đó cô bé này đã có kinh nghiệm hai năm đi trại hè Đông Nam Á.
"Nhiều bậc phụ huynh dù tổng thu nhập hàng tháng chỉ 25 -30 triệu đồng vẫn đầu tư cho con kỳ nghỉ hè gần trăm triệu. Tiếp nhận hồ sơ, tôi không nghĩ có những gia đình dồn hết cho con đến thế", chị Nguyễn Phương Hảo, ở Hà Nội, có kinh nghiệm 5 năm dẫn đoàn trại hè quốc tế, cho biết thêm.
Học sinh Việt Nam đọc sách tại Thư viện quốc gia Singapore trong trại hè tháng 6/2019. Ảnh: Phương Hảo. |
Không dừng lại ở các trại hè thông thường..., không ít phụ huynh đầu tư cho con tham gia các trại hè về chuyên ngành kỹ thuật.
"Con tôi đã học được về phần cứng, cháu muốn thông qua trại hè học thêm về phần mềm", chị Ngọc Lan (Đống Đa, Hà Nội) nói về khoá lập trình ứng dụng trên điện thoại mà con chị tham gia năm 2018 tại Đại học North Carolina (Mỹ) vào năm lớp 11.
Nhật Minh, con chị Lan cho biết, bên cạnh kiến thức thu được trong 2 tuần, cậu còn hiểu biết về văn hóa, cách học tập của học sinh Mỹ. Động lực sau chuyến đi đã giúp cậu cố gắng vượt bậc trong năm cuối cấp - từ một học sinh không quá nổi bật đã nhận được học bổng từ 8 đại học Mỹ, trong đó có những mức học bổng lên đến 95%. Con đường đến với ngành Khoa học máy tính của Nhật Minh đã rộng mở.
Trại hè đã xuất hiện ở Việt Nam cách đây 40 năm, đó là trại hè Thanh Đa, trực thuộc Liên đoàn Lao động TP HCM. Song theo chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thuỵ Diễm Quyên, trại hè mới thực sự phổ biến khoảng 10 năm trở đây. "Ở thời điểm hiện tại phải nói là bùng nổ trại hè", bà Quyên nói.
Khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7, các trường tiểu học, trung học, trường quốc tế, trung tâm tiếng Anh, trung tâm tư vấn du học... lại tấp nập tổ chức những khóa học hè. "Một trường rất nổi tiếng ở TP HCM năm ngoái thu hút trên 1.000 lượt tham dự trại hè, nhưng năm nay chỉ còn 350 lượt. Số học sinh đã phân tán sang các trại hè khác, đặc biệt các trại hè quốc tế", bà Quyên cho biết.
Một trại hè của các em nhỏ Việt đang diễn ra tại Singapore. Ảnh: Phương Hảo. |
Với 4 năm kinh nghiệm tổ chức cho học sinh đi trại hè quốc tế, chị Nguyễn Ngọc Thúy nhận ra 2 thực tế nổi cộm:
Thứ nhất, nhiều bậc phụ huynh kỳ vọng sau một khóa đi trại hè, con sẽ giỏi được tiếng Anh, song đây là điều không thể. Cái con tăng được chỉ là sự tự tin, thoát được vỏ bọc sợ nói tiếng Anh, mạnh dạn giao tiếp, biết thêm về đất nước mới, còn kiến thức về một ngôn ngữ không thể học thật nhanh trong vòng vài tuần.
"Ngay cả khi tham dự các trại hè quân đội, các con được rèn về nếp sống, song nếu khi về nhà cha mẹ không đốc thúc, cùng làm gương cho con thì chỉ sau một thời gian ngắn những nếp sống tốt được học sẽ bị mất", chị Ngọc nói. Vì vậy, sau khi con đi trại hè về, cha mẹ nên nhân lúc con đang hào hứng, có động lực muốn đi du học sau này để thúc đẩy các con tiếp tục nâng cao tiếng Anh, giữ gìn các thói quen tốt, văn minh mới học được.
Thứ 2, nhiều đoàn đi đông học sinh, song không chu đáo nên không đảm bảo chương trình trại hè tốt. "Tôi từng biết có đoàn 70 học sinh Việt, di chuyển bằng hai xe, mỗi khi đến đâu là chiếm cứ cả một siêu thị, khu vui ăn uống đến đó. Sự giao lưu với người khác không có, gần như các em cũng không thể hòa nhập môi trường, cuộc sống của nước đến", chị nói. Theo kinh nghiệm của chị, nên chọn đoàn không quá 20 học sinh để đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất.
Chuyên gia giáo dục Tô Thuỵ Diễm Quyên cho biết thêm, các trại hè quốc tế bùng nổ và cũng có "giá trên trời". "Nhiều trường hợp học sinh đi trại hè mà không khác gì một chuyến du lịch với chi phí đắt gấp 3 lần thông thường", bà bày tỏ.
Để tránh được những rủi ro, trước tiên các bậc phụ huynh phải trao đổi với con em mình để tìm ra trẻ thực sự muốn gì, từ đó tìm kiếm trại hè phù hợp, cuối cùng mới tính đến giá cả. "Đôi khi không cần tham gia trại hè, mà thời gian đó để phụ bố mẹ, làm tình nguyện viên hay tham gia các dự án cộng đồng cũng rất tốt cho trẻ", bà Quyên nói thêm.
* Tên một số nhân vật đã thay đổi
Xem thêm:
Sai lầm dạy con của nhiều cha mẹ Nhật trong mắt tiến sĩ giáo dục Agnes Chan thẳng thắn cho rằng cha mẹ Nhật Bản hãy để con mình mắc thất bại thay vì suốt ngày bao bọc chúng. |
2 kiểu cha mẹ bất tài nhưng ép con phải giỏi Bị mẹ mắng là ngốc, đứa con đáp lại có 3 loài chim ngốc, trong đó tệ nhất là loài không bay nổi nên đẻ ... |
Vì sao cha mẹ nên chấm dứt cù lét con? Tiếng cười phản xạ khi bị cù lét khiến bố mẹ ảo tưởng rằng đứa trẻ thích thú, trong khi thực sự thì không, thậm ... |