Cặp đôi Đức-Việt 30 năm viết chuyện tình tuổi 17
Cú đá nên duyên
Ở tuổi mười bảy, chị My Nga sang Đức theo học nghề sửa chữa động cơ máy móc nông nghiệp tại một nhà máy ở thành phố Halle. Ở đây, chị đã gặp “một nửa" của mình, anh Tilo, là một học viên cũ của xưởng, cũng bằng tuổi.
Hồn nhiên, hoạt bát và có phần nghịch ngợm, cô gái Việt Nam nhỏ bé “mới đến đã lấy búa đập ầm ầm lên đe” trong khi anh Tilo đang thay mặt mọi người phát biểu và giới thiệu về các vật dụng trong xưởng.
Tan học, trên đường ra ga về chỗ ở, nhận ra cậu bạn ban nãy trong nhà máy, Nga rảo bước nhanh hơn, đá một cái vào gót chân làm Tilo loạng choạng, rồi cố tình xin lỗi với ánh mắt ngây thơ...vô số tội.
Tình yêu của My Nga và Tilo đã kéo dài hơn 30 năm. Ảnh: NVCC |
Thấy Tilo chỉ mỉm cười “Không sao” rồi đi tiếp, cô nàng lại tiếp tục đi theo sau, "tặng" anh thêm một cú đá mạnh hơn. Lần này Tilo chủ động đi chậm lại, bắt chuyện với cô gái Việt Nam mới quen mà anh vô cùng ấn tượng vì cá tính đặc biệt. Anh bắt đầu âm thầm theo đuổi Nga từ đó.
Sau giờ thực tập trên xưởng, Nga trở về ký túc xá tranh thủ làm bài tập và học từ mới. Hôm nào Tilo cũng đi tàu 50 km, cả đi lẫn về để được ở bên chị tại ký túc, giúp chị học khi cần.
"Ngày ấy buổi tối ký túc xá chỗ anh ở khoá cửa hết, anh về muộn nên bạn anh luôn phải mở sẵn cửa sổ nhà tắm ở tầng một để Tilo có thể trèo vào", chị kể.
Sự kiên trì, chân thành của cậu bạn Tây khiến trái tim cô gái 17 tuổi dần rung động. Noel năm 1988, Tilo đã đưa bạn gái về nhà giới thiệu ba mẹ. Cô gái Việt xinh xắn lập tức nhận được sự yêu mến từ gia đình bạn trai bởi sự nhanh nhẹn, hòa đồng.
Lửa thử vàng, khoảng cách thử tình yêu
Cuối năm 1989, nước Đức thống nhất. Chị Nga kết thúc khóa học, chuẩn bị về nước. Cặp đôi đứng trước thử thách xa cách.
"Ngày ấy tôi nói, tôi nhớ nhà và sẽ trở về Việt Nam, chờ lời nói từ Tilo rằng anh không để tôi đi đâu hết, không thể sống thiếu tôi. Nhưng anh không làm thế", chị Nga kể.
Không phải Tilo không đủ yêu Nga để giữ chị lại bằng mọi giá, mà bởi với tính cách chân thật, anh tin là người yêu mình thực sự rất nhớ quê hương, nên không muốn chị phải chịu cảnh lìa xa gia đình. Anh không nói gì, dù trong lòng rất buồn. Tiễn chị lên tàu về ký túc xá, anh lặng lẽ khóc nức nở nhìn theo bóng người yêu xa dần, nhưng chị đã không ngoảnh lại. Chị chỉ nghĩ tình yêu của anh không đủ lớn, và họ kết thúc ở đây.
Nhưng khi trở lại trường, nỗi nhớ anh quá lớn, Nga khóc hết nước mắt, đau đớn phát ốm. Chị lại bắt tàu về nhà Tilo, nói rằng chị không thể sống thiếu anh. Anh ôm chị vào lòng và thì thầm mắng cô bạn gái ngốc nghếch.
Thế nhưng, lúc bấy giờ, đôi bạn trẻ vẫn chưa thể đi tới cái kết mà họ hằng mong ước vì: Nếu cưới và ở lại Đức, chị Nga sẽ phải trả lại tiền đào tạo cho nhà nước, khi ấy là 20.000 Mark (khoảng 265 triệu đồng bây giờ), món tiền quá lớn. Mẹ Tilo khi đó đã gợi ý chị hãy về nước trước, rồi gia đình bên này làm giấy mời đón sang, chỉ vài tháng là xong.
Nhưng vì nhiều lý do, mọi chuyện đã không diễn ra thuận buồm theo kế hoạch. Từ vài tháng, quãng thời gian nhân lên thành 2 năm, và lại càng khó khăn với Nga hơn khi chị phát hiện mình mang bầu.
Hoang mang, lo lắng, không hiểu tương lai sẽ tới đâu, chị báo tin cho Tilo và bố mẹ anh. Nhưng khi đó làm giấy tờ sang Đức rất khó khăn, tìm cách liên lạc với nhau còn khó. Trong 2 năm chị chỉ nhận được vỏn vẹn 4 lá thư của gia đình anh. 9 tháng mang bầu là chuỗi ngày đầy nước mắt, khóc vì cô đơn, lo sợ về tương lai vô định.
"Ai cũng nói rồi Tilo sẽ chẳng đón tôi sang đâu. Tây mà, họ chỉ yêu thế thôi, còn không xác định. Có khi bên kia nó có đứa khác rồi.”
Nhưng không hiểu sao, chị vẫn luôn tin tưởng rằng tình yêu của họ vẫn tồn tại, và sẽ có ngày gặp lại...
Trái ngọt yêu thương
Tháng 5/1991, “quả ngọt” của tình yêu, cậu con trai Daniel của Nga và Tilo chào đời. Tilo gửi tiền và quà về Việt Nam.
Hơn một năm sau, tháng 9/1992, chị bắt đầu có điều kiện liên lạc với anh qua điện thoại. Chủ nhật là ngày chị mong chờ nhất. Cứ 3 giờ chiều, (tức 9h sáng Đức), chị lại bế con sang trực điện thoại, tâm sự cho thỏa những nhớ mong, thỉnh thoảng lại đưa máy cho anh nghe tiếng bi bô của cậu con trai bé bỏng mà anh chưa từng gặp mặt.
Sau nhiều tháng năm đợi chờ, cả gia đình cuối cùng đã được đoàn tụ vào cuối tháng 12/1992. Tilo và Nga tổ chức đám cưới vào giữa tháng 5/1993, khi cậu con trai Daniel được một tuổi rưỡi. Ngày hôm ấy, cả hai đã nắm chặt tay nhau không rời.
Gia đình hạnh phúc của chị Nga - anh Tilo. Ảnh: NVCC. |
"Em đến với anh xa người thân, gia đình, bè bạn, anh sẽ cố gắng bù đắp tất cả cho em. Anh muốn chúng mình không chỉ là vợ chồng mà luôn là bạn nữa", Tilo nói với vợ.
Sau thời gian dài xa cách, Tilo luôn cố gắng bù đắp tình cảm cho vợ con. Tan làm là anh dành hết thời gian cho gia đình nhỏ, cùng vợ chăm con, dọn dẹp nhà cửa. Ngày chị sinh bé thứ hai năm 1996, người chồng Tây quyết tâm vào phòng sinh để vợ không phải vượt cạn một mình, song sau đó chính anh lại ngất xỉu vì lo lắng. Nhưng vừa tỉnh, Tilo lại nằng nặc xin y tá vào lại phòng bên vợ con.
Hiện tại, đôi vợ chồng Việt – Đức đang sống hạnh phúc bên hai con trai đều đã ngoài 20 tuổi. Tilo đang là đốc công tại một chi nhánh khai thác vật liệu thô cho một tập đoàn lớn, còn chị Nga ở nhà lo việc nội trợ. Vài năm một lần, cả nhà lại về Việt Nam thăm gia đình bên ngoại, lần gần đây nhất là tháng 8/2018.
Cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những lúc "bát đĩa xô nhau". Đã có lần, chị bày tỏ ý định rời nhà lên thành phố để làm việc. Khi đó, anh không hề ngăn cản, chỉ nói: "Nếu vợ không hạnh phúc nữa thì đi đi, khi mệt mỏi hãy trở về. Chồng sẽ chờ vợ mãi mãi"
Chỉ cần nghe câu nói đó, là bao ấm ức trong lòng chị Nga đều tan biến, bởi chị biết, sẽ khó có thể tìm được ai yêu và trân trọng chị như người đàn ông đã bên mình hơn 30 năm qua.
Người mẫu Ngọc Quyên gây sốc với thông tin đã ly hôn chồng Việt kiều Hôn nhân của Ngọc Quyên và ông xã làm bác sĩ tan vỡ vì lý do bất đồng quan điểm sống. |
Lương ngàn đô, có người yêu Việt kiều, em chồng bỗng quay lưng lại phụ công sức của vợ chồng tôi Tôi không ngờ cô em chồng ngoan ngoãn ngày xưa nịnh nọt tôi từng ly từng tý để tôi lo cho ăn học, giờ lại ... |
Doanh nhân Việt kiều hiến kế để hàng Việt 'sống khỏe' ở nước ngoài Trong hệ thống siêu thị Đà Lạt và Á Châu ở Australia, thực phẩm Việt Nam đang dần thay thế thực phẩm Thái Lan và ... |