Doanh nhân Việt kiều hiến kế để hàng Việt 'sống khỏe' ở nước ngoài
Ông Henry Huỳnh
Ông Henry Huỳnh, Chủ doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam vào Australia, mỗi năm ông nhập khẩu hàng chục triệu USD thủy sản của Việt Nam. Hiện công ty của ông Henry Huỳnh khá uy tín ở thị trường Australia với mặt hàng thủy sản, đặc biệt là sản phẩm tôm và cá basa của Việt Nam.
Sản phẩm của Việt Nam đang dần được “trả lại tên”
Sau nhiều năm nhập khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là tôm và cá basa, ông Henry Huỳnh chia sẻ, nếu so sánh về chất lượng cùng mặt hàng này của các nước khác thì chất lượng của Việt Nam tốt hơn hẳn.
“Con tôm của Việt Nam ăn cũng ngọt và chắc thịt hơn các loại tôm khác. Còn mặt hàng cá basa cũng là một lợi thế mà chỉ ở Việt Nam mới có. Đối tác của công ty tôi chủ yếu là các siêu thị, doanh nghiệp thủy sản của Australia, họ rất chuộng những sản phẩm này”- ông Henry Huỳnh nói.
Ông Hoàng Huy Khánh, chủ siêu thị Đà Lạt và Á Châu, chuyên đưa các loại hàng hóa của Việt Nam và Á châu vào thị trường Australia cho biết, trước kia, ông tiếp cận hàng hóa của Việt Nam nhưng lại nhập khẩu từ Thái Lan. Bởi người Thái họ nhập thô sản phẩm của Việt Nam và gia công, đóng gói và bao bì mang thương hiệu Thái Lan. Cho tới năm 1993, với chính sách mở cửa của Việt Nam thì một số sản phẩm của Việt Nam bắt đầu thâm nhập và thay thế cho nguồn hàng của Thái Lan ở thị trường Australia.
Hiện nay, trong hệ thống siêu thị Đà Lạt và Á Châu, thực phẩm của Việt Nam đang dần thay thế nguồn thực phẩm của Thái Lan và được người tiêu dùng ở Australia khá ưa chuộng.
Là chủ một chuỗi nhà hàng tại thành phố Melbourne, ông Lâm Hồng Huy cũng cho rằng, trước đây, những sản phẩm thô của Việt Nam như mắm, tiêu… được nhập qua Thái Lan. Sau khi chế biến, đóng gói thì lại được mang nhãn hiệu của Thái, Đài Loan (Trung Quốc) hoặc của Singapore. Vì thế để tránh được khi xuất khẩu ra nước ngoài phải mang nhãn hiệu nước khác thì ngay từ trong nước phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Việt Nam hiện có nhiều sản phẩn thô có chất lượng rất tốt, không thua kém hàng hóa nước ngoài, cần làm thế nào để hàng hóa của Việt Nam được mang đúng thương hiệu Việt Nam và xâm nhập tốt ở thị trường nước ngoài.
"Hiện nay Việt Nam cũng có nhiều sản phẩm sản xuất ở trong nước và đạt tới tiêu chuẩn không thua Thái Lan hay các nước khác, ví dụ như nước mắm, tiêu, hành, ớt, tỏi, mì… của Masan, hoặc là một số sản phẩm của Cholimex rất đạt tiêu chuẩn để xuất ra nước ngoài. Chính tôi cũng đã chủ động nhập tất cả các mặt hàng đó và mang đúng nhãn hiệu sản xuất từ Việt Nam một cách rất rõ ràng. Bây giờ đây thị trường nói chung không những ở Australia, Mỹ hoặc Âu Châu, thực phẩm Việt Nam đang dần dần lấn sân so với thực phẩm của Thái Lan”- ông Huy cho biết.
Ông Hoàng Duy Khánh
Doanh nhân Việt kiều: "Kênh" phân phối hàng Việt
Ông Henry Huỳnh cho rằng, về lĩnh vực thực phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam nên vươn dài tay, mở rộng thị trường quốc tế thay vì chỉ quan tâm tới thị trường nội địa. Nếu có sự kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước một cách chặt chẽ hơn nữa thì việc chiếm lĩnh và phát triển thị trường nước ngoài sẽ rất thuận lợi.
“Những người Việt ở nước ngoài am hiểu thị trường ở đây, họ thông hiểu luật pháp và tập tính tiêu dùng của người bản địa nên họ sẽ hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường nước ngoài. Đây cũng là những yếu tố khá cơ bản quyết định việc mở rộng ra thị trường nước ngoài thành công hay thất bại”- ông Henry Huỳnh nói.
Là một doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, Công ty sắt thép Chính Đại, nhà máy ở Hưng Yên cũng đang tìm hiểu, mở rộng thị trường sang Australia. Ông Đồng Văn Bột, Tổng Giám đốc Công ty sắt thép Chính Đại cũng cho rằng, với các doanh nhân Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài, thì việc tiếp cận, được sự hỗ trợ của các Hiệp hội, Doanh nghiệp, doanh nhân Việt kiều ở nước sở tại là một may mắn rất lớn. Sự hợp tác ấy giúp cho các công ty Việt Nam hiểu biết về thị trường, về nhu cầu và đặc tính của người dân. Đồng thời, các doanh nhân, Hiệp hội cũng giúp các doanh nghiệp trong nước nắm bắt tốt hơn luật pháp của nước sở tại, những quy định về thể chế của thị trường mà công ty quan tâm.
“Có được mối quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài cũng có lợi thế là bổ sung kinh nghiệm cho nhau ở nhiều lĩnh vực. Tôi cho rằng, đó là những yếu tố rất quan trọng tạo sự thành công trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tôi cũng mong muốn Hội doanh nhân gốc Việt có sự gắn kết, giúp đỡ những doanh nghiệp như chúng tôi để có thể vượt qua được những khó khăn thử thách trong việc tìm kiếm thị trường và thành công ở thị trường Australia”- ông Bột chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Toản, công ty kế toán hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng hóa vào Australia cho biết, trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp ở Melbourne, trong đó có rất nhiều các doanh nghiệp gốc Việt đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này cho thấy hàng hóa Việt Nam rất có tiềm năng để tiếp cận thị trường Australia. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của người Việt đã đưa hàng hóa của Việt Nam sang đây.
Để thâm nhập ra thị trường nước ngoài một cách hiệu quả, các doanh nghiệp của Việt Nam nên tìm hiểu một số vấn đề về thủ tục cũng như những luật cơ bản của nước sở tại. “Ví dụ như chúng ta muốn xuất một số mặt hàng về thực phẩm thì chúng ta nên tìm hiểu về luật thực phẩm của Australia, vì đây là nước rất khắt khe trong việc kiểm soát về thực phẩm trên thế giới. Khi đã am hiểu về vấn đề đó thì đưa hàng hóa sang Australia rất dễ”- ông Nguyễn Toản tư vấn.
Trong quá trình hội nhập, không riêng gì thị trường Australia, các thị trường khác cũng luôn tồn tại sự cạnh tranh. Để đặt chân vào thị trường mới, phải chấp nhận luật chơi. Muốn biết được luật chơi thì các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu về luật pháp, thị hiếu và những quy định của thị trường.
“Tôi cho rằng đó là những thử thách rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này thì phải có cả quá trình, đặc biệt là sự gắn kết giữa các doanh nhân trong nước và nước ngoài. Điều quan trọng nhất là chúng ta gắn kết được với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, từ thực tiễn kinh doanh là những điều quyết định đến sự thành công”- ông Bột chia sẻ.
Theo VOV