Cảnh báo tình trạng lừa đảo lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Hiện nay, chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã có sự thay đổi, nhiều nước đã mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với việc chuẩn bị mở cửa trở lại, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cảnh báo, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc đối tượng môi giới lừa đảo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Lao động EPS nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ảnh: KV. |
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết đối tượng lừa đảo thường lợi dụng nhu cầu của người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt nhưng không phải trải qua các khâu tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề. Có những hình thức, thủ đoạn rất tinh vi mà phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng mới phát hiện được.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo thường lập thành công ty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội facebook, zalo…Bên cạnh đó, họ cũng có cả website quảng bá về hoạt động của doanh nghiệp và hình ảnh tuyển chọn, đào tạo người lao động và nơi người lao động làm việc ở nước ngoài. nhằm đánh lừa người lao động.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Gia Liêm khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp. Hiện nay, Bộ thường xuyên trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động để có những chỉ đạo và hướng dẫn phù hợp.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2021 vừa qua, công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19 do nhiều quốc gia đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội và không tiếp nhận lao động. Cả năm chỉ đưa được khoảng 45.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định. |