Cán bộ, công chức cần nâng cao năng lực để vận hành Chính phủ điện tử
Sự phát triển mạnh mẽ của chính phủ điện tử làm thay đổi cách thức quản lý của nhà nước đối với xã hội. Ảnh minh hoạ |
Chính phủ điện tử (CPĐT) là ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ của chính phủ, trao đổi thông tin, giao dịch truyền thông, tích hợp các hệ thống độc lập khác nhau giữa chính phủ với công dân (G2C), chính phủ với doanh nghiệp (G2B), chính phủ với chính phủ (G2G), chính phủ với nhân viên (G2E) cũng như các quy trình nội bộ và các tương tác khác trong khuôn khổ hoạt động của Chính phủ1. Thông qua CPĐT, các dịch vụ của chính phủ được cung cấp cho người dân một cách thuận tiện, hiệu quả và minh bạch, công dân được phát huy tốt hơn vai trò của mình trong việc giám sát hoạt động của Chính phủ và hoạt động quản lý trong nội bộ cơ quan nhà nước cũng được thực hiện hiệu quả hơn.
Từ năm 2000, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa2. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng, văn bản quản lý của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng CPĐT. Hành lang pháp lý trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng CPĐT đã dần được thiết lập. Một số cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng thông tin như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đang được xây dựng và đã có những cấu phần đi vào vận hành.
Các cơ quan nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân, như: đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội… Ở thời điểm tháng 7/2021, dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 của nước ta đã đạt 37,43%3. Một số bộ, ngành, địa phương cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4, như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tỉnh Bến Tre… Trong Báo cáo khảo sát CPĐT năm 2020 của Liên hiệp quốc, Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia thành viên, tăng 2 bậc so với năm 2018. Như vậy, Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn từ năm 2014 (vị trí 99) đến nay.
Trên thế giới, xu hướng dịch chuyển từ CPĐT sang chính phủ số (CPS) của các quốc gia đã được thể hiện rất rõ trong những năm gần đây. Trong Báo cáo khảo sát CPĐT (EGDI) năm 2020, Liên hiệp quốc đã sử dụng thuật ngữ “Chính phủ số” ngay ở phần tên gọi của Báo cáo – “Khảo sát chính phủ số năm 2020: Chính phủ số trong thập kỷ hành động cho phát triển bền vững”. Tại Việt Nam, ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới CPS giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030. Đây là Chiến lược có ý nghĩa tạo bước ngoặt quan trọng của công cuộc chuyển đổi số nói chung và phát triển CPS nói riêng của Việt Nam, khẳng định hướng đi rõ ràng của Việt Nam trong những năm tới.
Phát triển Chính phủ điện tử cần đồng bộ |
Để có thể chuyển đổi sang CPS, chiến lược CPĐT hướng tới CPS đã đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết:
Một là, cần bảo đảm số lượng CBCC hợp lý
Nếu như chính phủ truyền thống cần nhiều công chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, giấy tờ và sau đó chuyển lên quản lý cấp cao hơn thì trong CPĐT, người dân và doanh nghiệp sẽ tương tác trực tiếp với người có thẩm quyền quyết định. Với sự gia tăng nhanh chóng các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, khối lượng công việc của công chức có thể được cắt giảm đáng kể trong khi tốc độ xử lý công việc lại được tăng lên. Điều này vừa tạo điều kiện, vừa gây sức ép lên cơ quan nhà nước trong việc thu hẹp quy mô nhân sự.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh tinh giản biên chế, các cơ quan nhà nước cũng cần chú trọng việc tuyển dụng nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin để đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu công chức phù hợp.
Hai là, CBCC cần nâng cao năng lực để thích nghi, vận hành CPĐT
Về thái độ. CBCC cần có thái độ tích cực, chủ động nhìn nhận CPĐT, CPS là một xu hướng phát triểntất yếu và sẽ trực tiếp ảnh hưởng toàn diện lên các lĩnh vực trong quản lý nhà nước. Thái độ chủ động sẽ giúp CBCC sẵn sàng tiếp nhận, ứng phó với những tác động sâu sắc của cách mạng công nghiệp 4.0, của CPĐT, từ đó hình thành ý thức công vụ của từng CBCC gắn với mục tiêu phát triển của đơn vị, địa phương hay quốc gia. Thái độ chủ động, tích cực cũng giúp CBCC kiên trì, quyết tâm vượt qua những khó khăn mà nhiệm vụ mới đặt ra.
Đây là tiền đề, động lực quan trọng để phát huy tài năng, tâm huyết, khát vọng cống hiến, làm việc của CBCC vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ CBCC Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Về kiến thức. CBCC cần có kiến thức cơ bản về CPĐT, CPS, các yếu tố cấu thành, cách thức vận hành của Những kiến thức này không chỉ dừng lại ở kiến thức chung mà phải cụ thể vào trong từng lĩnh vực, địa phương mình công tác. Bên cạnh đó, các công chức ở các vị trí công việc mang tính chất chuyên gia cần làm chủ các kiến thức liên quan tới vị trí của mình như: thiết kế, quản trị hệ thống mạng, quản lý cổng thông tin điện tử, bảo đảm an ninh mạng…
Về kỹ năng. Tùy vị trí công việc đảm nhiệm khác nhau mà CBCC cần đáp ứng được các kỹ năng, như: kỹ năng tin học cơ bản, kỹ năng vận hành, quản lý dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng tham gia, điều hành họp trực tuyến, chữ ký số… Bản chất việc quản lý nhà nước là ra các quyết định quản lý, do vậy, CBCC cần có kỹ năng khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống thông tin, dữ liệu mà CPĐT mang lại để phục vụ có hiệu quả cho việc ra quyết định quản lý nhà nước cũng như quản trị nội bộ trong tổ chức mình.
Trong ba yếu tố trên, có thể nói sự thay đổi về thái độ cần được quan tâm hàng đầu, vì nếu có thái độ đúng sẽ giúp CBCC có thể nâng cao kiến thức và kỹ năng dễ dàng hơn.
Ba là, nâng cao ý thức kỷ luật, đạo đức công vụ của CBCC
CPĐT cho phép minh bạch hóa nền hành chính quốc gia, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, cơ quan báo chí trong việc giám sát cơ quan nhà nước được phát huy tốt hơn bao giờ hết. Người dân có thể biết rõ thủ tục của mình đang được giải quyết ở công đoạn nào, đang gặp vướng mắc ở vấn đề gì. Với việc truy cập, kiểm tra các dữ liệu điện tử, người đứng đầu các cơ quan công quyền có thể dễ dàng kiểm tra được tiến độ xử lý công việc của nhân viên, nhanh chóng nắm bắt được những thông tin phản hồi từ người dân, doanh nghiệp về các vấn đề như nhũng nhiễu, gây khó khăn hay trì trệ trong xử lý hồ sơ, thủ tục từ đó kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp.Với các lý do trên, rõ ràng CPĐT đang đặt ra yêu cầu CBCC phải nâng cao đạo đức công vụ để phục vụ người dân tốt hơn trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, CPĐT cũng thay đổi cách thức giám sát, quản lý nhân sự khiến CBCC buộc phải nâng cao ý thức kỷ luật trong thực thi công vụ. Chẳng hạn, việc chấm công, giám sát việc chấp hành kỷ luật tại công sở được thiết bị điện tử hỗ trợ nối mạng về máy chủ để phục vụ quản lý nhân sự. Công dân cũng dễ dàng đánh giá mức độ hài lòng, chấm điểm CBCC thông qua các thiết bị và phần mềm hỗ trợ. Hệ thống thông tin trong tổ chức cũng có thểchia sẻ một cách rộng rãi và nhanh chóng tình hình chấp hành kỷ luật của các CBCC, của từng phòng, ban… thúc đẩy việc chấp hành kỷ luật, nội quy, quy chế trở nên nghiêm túc
Ngày nay, phát triển CPĐT hướng tới CPS là xu thế tất yếu. Để đáp ứng xu hướng phát triển của CPĐT, yêu cầu về nguồn nhân lực trong cơ quan nhà nước luôn là vấn đề trọng tâm cần quan tâm của bất cứ quốc giavnào. Những yêu cầu về số lượng, về năng lực, về ý thức kỷ luật và đạo đức công vụ đặt ra đối với CBCC cần được nhìn nhận đúng đắn và có giải pháp phù hợp để có thể phát triển CPĐT của Việt Nam.
Các chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam thuộc nhóm quốc gia ở mức cao Xếp hạng chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của LHQ năm 2020 tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 23/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. |
5 nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Tài chính Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung vào 6 nội dung: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. |
5 giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp Nhà nước Lãnh đạo Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương quán triệt các đơn vị trong khối phải triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chuyển đổi số. |