Campuchia muốn hợp tác với Việt Nam trong nông nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm
Tại hội thảo tiềm năng hợp tác Việt Nam - Campuchia trong bối cảnh mới của ASEAN. Nguồn: Bá Nam/VOH |
Ngày 22/11, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ cùng Câu lạc bộ doanh nhân Tiền Giang tại TP.HCM và Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia phối hợp tổ chức Hội thảo tiềm năng hợp tác Việt Nam - Campuchia trong bối cảnh mới của ASEAN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội đầu tư, sản xuất, nhân rộng mô hình.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp hai nước, còn nhiều cơ hội cho sự hợp tác và đóng góp trong việc phát triển kinh tế của hai quốc gia. Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam với thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến thực phẩm có thể cung cấp nông sản thực phẩm và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phía Campuchia. Đây cũng là những lĩnh vực mà Campuchia mong muốn có sự hợp tác, đầu tư lâu dài.
Có nhiều ngành nghề kinh doanh cụ thể mà doanh nghiệp Việt có thể tìm đối tác, bàn bạc và triển khai sớm ở Campuchia như đầu tư nuôi chim yến, công nghiệp cơ khí, năng lượng tái tạo…. Đặc biệt, những phân khúc thị trường đầu tư ở Campuchia rất thích hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam về quy mô vốn cũng như quản trị doanh nghiệp.
Ông Oknha Leng Rithy - Cố vấn cấp cao của Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia cũng nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và tình hình Campuchia đang trong giai đoạn ổn định là cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Campuchia. Thêm vào đó, giá thuê đất ở Campuchia đang ở mức thấp, thủ tục đầu tư nhanh gọn, người dân biên giới thân thiện…là những điều kiện để sớm triển khai các dự án hợp tác.
Theo ông Sok Dareth, Tổng Lãnh Sự Vương Quốc Campuchia tại TP.HCM, kim ngạch thương mại hai nước năm 2019 dự báo đạt 5 tỷ USD (năm 2018 chỉ đạt 4,7 tỷ USD) và tiếp tục đạt nhiều hơn trong thời gian tới. Đầu tư của Việt Nam vào Campuchia tiếp tục tăng trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, hạ tầng. Tính đến tháng 9/2019, có hơn 200 dự án Việt Nam đầu tư vào Campuchia với tổng vốn đầu tư ước đạt gần 3 tỷ USD.
Ngoài ra, Hiệp định song phương hai nước về xúc tiến và bảo hộ đầu tư Campuchia - Việt Nam đã ký kết, thống nhất thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vục công nghiệp - nông nghiệp tại dọc biên giới hai nước.
Ông cũng khẳng định, Campuchia kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia.
Kinh tế Campuchia tăng trưởng ổn định ở mức cao, bình quân 7%/năm trong những năm gần đây, trở thành nuớc xuất khẩu gạo, có sự đóng góp đáng kể của doanh nghiệp hai nước. Thay mặt Chính phủ Hoàng gia Campuchia, ông Sok Dareth chào mừng các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Việt Nam, đã lựa chọn và mong muốn lựa chọn Campuchia, là một thị trường đầy tiềm năng, để bắt đầu đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh của mình.
Ông kêu gọi các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia để tìm hiểu và nghiên cứu thêm về tiềm năng to lớn cũng như cơ hội đầu tư tại đây. Đồng thời có thể quyết định đặt vốn đầu tư hoặc kết hợp đầu tư chung với các nhà đầu tư của Campuchia, nhằm tranh thủ lợi ích tối đa từ mối quan hệ hợp tác song phương.
Theo Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, có diện tích vùng nguyên liệu lớn, nhưng Campuchia còn sản xuất theo kiểu truyền thống. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng nhà máy để thu mua nguyên liệu nước này nhằm chế biến sâu hướng tới xuất khẩu; đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, Campuchia thu hút lượng khách du lịch nước ngoài rất lớn rất phù hợp với phát triển nông nghiệp du lịch. Đồng thời, Campuchia đang nghiên cứu đề ra cơ chế đặc biệt để tăng cường tạo điều kiện thuận lợi thương mại, logistic (hậu cần) như dự án đường cao tốc kết nối hai thành phố năng động Thủ đô Phnom Penh và TP.HCM giao nhau tại cửa khẩu Mộc Bài, nhằm chuẩn bị đáp ứng việc vận chuyển qua lại biên giới ngày tăng lên và hướng tới xây dựng mô hình chợ đầu mối biên giới hai nước./.