Campuchia không cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Nguồn: Reuters |
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng phủ nhận việc nước này cho phép Trung Quốc đóng quân tại một căn cứ hải quân Ream ở vịnh Thái Lan theo một thỏa thuận bí mật đã được ký giữa hai quốc gia.
Thông tin về thỏa thuận bí mật trên được Wall Street Journal (WSJ) đăng tải hôm 21/7, theo nguồn tin từ các quan chức Mỹ và đồng minh quen thuộc với vấn đề này.
Theo đó, thỏa thuận này, được ký vào mùa xuân năm nay nhưng không được công bố, cho phép Trung Quốc sử dụng độc quyền một phần của căn cứ hải quân Ream ở vịnh Thái Lan.
Theo WSJ, thỏa thuận như vậy sẽ giúp Trung Quốc tái khẳng định các yêu sách lãnh thổ và lợi ích kinh tế trên biển, thách thức các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á. Các quan chức Trung Quốc và Campuchia phủ nhận một thỏa thuận như vậy tồn tại.
Đây là tin tức tồi tệ nhất từ trước đến nay chống lại Campuchia, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói với trang tin tức Fresh News hôm 22/7.
Không có điều gì như vậy có thể xảy ra vì việc đặt căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ là đi ngược lại Hiến pháp Campuchia, ông khẳng định.
Reuters trích tuyên bố người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat rằng bản báo cáo là “bịa đặt” và “vô căn cứ”.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng cho biết, “theo tôi hiểu, phía Campuchia đã bác bỏ điều này.”
Nhưng ông từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên liệu Trung Quốc cũng phủ nhận điều này không.
“Trung Quốc và Campuchia có mối quan hệ láng giếng thân thiện và truyền thống”, ông Cảnh Sảng nói với cuộc họp báo. “Chúng tôi đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Sự hợp tác của chúng tôi là cởi mở, minh bạch, và dựa trên cơ sở cùng có lợi và bình đẳng. Tôi hy vọng các bên liên quan không tự diễn giải quá mức.”
Hồi đầu tháng này, trong một lá thư gửi Campuchia, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ám chỉ Trung Quốc có thể đang cố gắng giành được chỗ đứng quân sự ở Campuchia khi đặt câu hỏi tại sao Campuchia từ chối lời đề nghị cải tạo căn cứ hải quân của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Campuchia không đồng ý một thỏa thuận như vậy, nói rằng trong hiến pháp của Campuchia, quốc gia này cam kết với người dân sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập.
“Chúng tôi lo ngại bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia cho phép sự hiện diện của lực lượng quân sự nước ngoài trong lãnh thổ đất nước này sẽ đe dọa sự gắn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc phối hợp phát triển khu vực, và làm xáo trộn hòa bình và ổn định tại Đông Nam Á,” Reuters trích dẫn lời tuyên bố.
Công trường xây dựng tại khu nghỉ dưỡng Dara Sakor. Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg |
Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD hỗ trợ phát triển và cho vay vào Campuchia thông qua các khuôn khổ hợp tác song phương và Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Sáng kiến này nhằm củng cố một mạng lưới liên kết trên bộ và trên biển với khu vực Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi.
Sáng kiến đã thu hút một loạt các liên doanh thương mại Trung Quốc ở Campuchia, bao gồm các sòng bạc và đặc khu kinh tế.
Cách đây vài ngày, hãng tin Bloomberg đã dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, quy mô và tầm vóc của dự án Dara Sakor tại tỉnh Koh Kong khiến nhiều chuyên gia Mỹ lo ngại khu nghỉ dưỡng này có thể trở thành một phần trong kế hoạch triển khai các khí tài quân sự tại Campuchia của Trung Quốc.
Được biết, Dara Sakor là dự án có vốn đầu tư lên tới 3,8 tỷ USD và trải rộng 20% bờ biển của Campuchia. Với thời hạn cho thuê 99 năm và được kiểm soát bởi một công ty Trung Quốc, dự án Dara Sakor dự kiến sẽ xây dựng một sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, khu công nghiệp, cùng với khu nghỉ dưỡng sang trọng có cả các trạm điện, nhà máy xử lý nước và cơ sở y tế.
Campuchia cũng đã phủ nhận báo cáo vào tháng 11 năm ngoái cho rằng Bắc Kinh đã vận động hành lang kể từ năm 2017 để nước này cho phép một căn cứ hải quân chứa các tàu khu trục và các tàu khác của Hải quân Quân Giải phóng nhân dân (GPND) Trung Quốc./.
Xem thêm
100 sinh viên Campuchia được nhận đỡ đầu qua Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia TPHCM Thời gian qua, hoạt động ngoại giao nhân dân của các chi hội thuộc Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TPHCM có nhiều phát ... |
Ngành cao-su Việt Nam tạo việc làm cho hơn 15.000 người lao động Campuchia Theo đánh giá của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam (VRG) tại Campuchia trong thời gian qua đã ... |
Việt Nam tặng trang thiết bị trị giá 23 tỷ đồng cho đại học Campuchia Ngày 25/6, tại tỉnh Prey Veng, Campuchia, diễn ra lễ bàn giao trang thiết bị kỹ thuật, quà tặng của Nhà nước Việt Nam dành ... |