Cách soạn cỗ cúng ông Công ông Táo đúng và đầy đủ nhất năm 2021
Chuẩn bị lễ vật cúng ông Công ông Táo đúng và đầy đủ
Cách soạn cỗ cúng ông Công ông Táo đúng và đầy đủ nhất năm 2021
|
Trước khi sắp mâm cỗ cúng ông Táo, gia chủ cần chuẩn bị đầy đủ các lễ vật cúng Táo quân gồm có: Ba chiếc mũ Táo quân, hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Cả ba mũ đều được trang trí lóng lánh và sặc sỡ.
Ở nhiều nơi người ta chỉ sử dụng một chiếc mũ có cánh chuồn để tượng trưng kèm theo áo và đôi hia giấy. Màu sắc áo mũ của ông Công ông Táo thay đổi theo ngũ hành.
Cụ thể, các năm hành kim, mộc, thủy, hỏa thổ dùng các màu lần lượt là vàng, trắng, xanh, đỏ, đen. Những đồ mũ, áo, hia… bằng giấy này sẽ được đốt đi sau lễ cúng Táo quân cùng với bài vị cũ, sau đó, bài vị mới được lập.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần cầu kỳ nhưng lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc nhà mình.
Một mâm cỗ mặn cúng ông Táo đầy đủ thường bao gồm:
1 đĩa gạo
1 đĩa muối
5 lạng thịt vai luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng
1 con cá chép rán hoặc cá chép sống
1 bát canh mọc hoặc canh măng
1 đĩa xào thập cẩm
1 đĩa giò
1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng
1 đĩa chè kho
1 đĩa hoa quả
1 ấm trà sen
3 chén rượu
1 quả bưởi
1 quả cau, lá trầu
1 lọ hoa đào nhỏ
1 lọ hoa cúc
1 tập giấy tiền, vàng mã
Ngày nay, trên thực tế, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo đã được đơn giản đi rất nhiều, không bắt buộc phải có đủ các món như mâm cỗ truyền thống.
Sự khác nhau về đồ cúng ở ba miền Bắc Trung Nam
Ở miền bắc, ngày 23 tháng chạp sẽ không thể thiếu những con cá chép sống thả trong chậu nước xuất phát từ tích "cá chép hóa rồng" để đưa ông Táo về chầu trời.
Người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ.
Ở miền Nam thì đơn giản hơn, người ta chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy mà thôi.
Cúng ông Công ông Táo vào giờ nào?
Theo GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam, thời điểm đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo là vào chiều 23 tháng Chạp.
Ông cho rằng quan niệm phải cúng trước 12h trưa 23 tháng Chạp chưa phải là cách ứng xử phù hợp với tín ngưỡng. Bởi theo tín ngưỡng dân gian, thời điểm chiều tối là lúc các Táo cưỡi cá chép lên trời. Lúc hóa mũ áo, tiền vàng nhất thiết phải vào lúc nhập nhẹm tối, giao thoa giữa ngày và đêm.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà (Công ty kiến trúc phong thủy Song Hà), các gia đình nên cúng ông Công ông Táo trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Khi hành lễ, người dân sẽ đọc văn khấn, khi hương cháy 2/3 thì đưa vàng mã ra hóa, đổ 3 chén rượu vào tro.
Tuy có quan điểm khác nhau về thời điểm đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo, nhưng các chuyên gia đều cho rằng nên cúng trước hoặc trong ngày 23 tháng Chạp. Không nên thực hiện nghi thức cúng ông Công, ông Táo sau ngày này.