Hướng dẫn chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo đầy đủ nhất
Ý nghĩa lễ cúng ông Công ông Táo
Hướng dẫn chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo đầy đủ nhất |
Theo GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc ta không phải là một hủ tục mê tín dị đoan.
Đó là một tín ngưỡng văn hóa dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Ông táo (Táo quân hay Thổ Công) là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, ông là vị thần quyết định sự may, rủi, phúc họa của cả gia chủ, bên cạnh đó ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần Bếp" chuyên cai quản việc bếp núc.
Ông Táo về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Vào ngày này, sau khi cúng lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao...thả. Bởi ngụ ý "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng", cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo
Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Nhiều người chỉ cúng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) để tượng trưng.
- Cá chép: Tượng trưng cho phương tiện di chuyển của ông Công, ông Táo. Bạn có thể sử dụng cá chép giấy hoặc cá chép thật đều được. Thường ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép sống thả trong chậu nước ngụ ý "cá chép hóa rồng" nhưng tại Nam Bộ thường dùng cá chép giấy nhiều hơn.
- Tiền vàng.
- 1 chiếc áo
- 1 đôi hia bằng giấy
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
Bên cạnh mũ áo, cá chép, tiền vàng, khi chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo, bạn còn cần làm mâm cỗ mặn. Mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp không cần quá cầu kỳ nhưng phải đảm bảo sự chỉn chu, trang trọng nhằm thể hiện tấm lòng của gia chủ. Một mâm cỗ mặn cúng ông Táo thường bao gồm những đồ sau:
1 đĩa gạo
1 đĩa muối
Thịt lợn luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng
1 bát canh mọc hoặc canh măng
1 đĩa xào thập cẩm
1 đĩa giò
1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng
1 đĩa chè kho
1 đĩa hoa quả
1 ấm trà sen
3 chén rượu
1 quả bưởi
1 quả cau, lá trầu
1 lọ hoa đào nhỏ
1 lọ hoa cúc
Ngày nay, trên thực tế, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo đã được đơn giản đi rất nhiều, không bắt buộc phải có đủ các món như mâm cỗ truyền thống.
Thời gian cúng ông Công ông Táo
Lễ cúng ông Táo nên trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Gia đình có thể lựa chọn cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp. Nơi làm lễ cúng ông Táo có thể là ban thờ gia tiên.
Quan trọng nhất là các gia đình nên thực hiện nghi lễ với sự thành tâm, phù hợp với điều kiện từng gia đình, không nên phô trương, cúng lễ rình rang, lãng phí.
Những điều kiêng kỵ trong lễ cúng ông Công ông Táo
Tuyệt đối kiêng kỵ không cúng lễ ở dưới bếp
Không nên cúng lễ sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp (âm lịch)
Khi cúng lễ, không nên cầu xin quá nhiều
Không thả cá vàng từ trên cao