Cách bày mâm ngũ quả Tết Trung Thu 2023 đơn giản, ấn tượng
Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết Trung Thu
Nguồn gốc ngày Tết Trung Thu
Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trên mâm cỗ Trung Thu |
Trung thu, là giữa mùa thu. Tết Trung thu như tên gọi là ngày giữa mùa thu, tức là vào rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch. Tết Trung thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng 8.
Theo tích xưa, Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chám mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung thu.
Ngày Tết này sau đó du nhập vào Việt Nam. Trong ngày Tết Trung thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả... Giờ vào dịp Trung thu, các địa điểm dân phố hoặc TTTM lớn đều có tổ chức trang trí và các hoạt động riêng cho trẻ em lại là nơi được nhiều vị phụ huynh lựa chọn đưa các bé đến cùng vui chơi, chụp ảnh.
Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả.
Ý nghĩa ngày Tết Trung Thu
Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hện giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.
Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên.
Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ...
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Cách bày mâm ngũ quả Tết Trung Thu
Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trên mâm cỗ |
Trong ngày tết Đoàn viên, ngoài bánh trung thu, mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trên mâm cỗ.
Theo truyền thống, mâm ngũ quả Trung thu tượng trưng cho 5 yếu tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Điều này tương ứng với 5 loại quả các màu sắc đa dạng, mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng.
Thông thường, cách bày mâm ngũ quả Trung thu đơn giản, tùy theo vùng miền, hoàn cảnh gia đình. Từ đó, mâm ngũ quả ở 3 miền Bắc, Trung, Nam sẽ có những loại quả đặc trưng.
Cách bày mâm ngũ quả tết Trung thu ở miền Bắc
Ở miền Bắc, mâm ngũ quả tết Trung thu bao gồm các loại quả như: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt.
Trong đó, nải chuối được đặt ở giữa, các loại quả còn lại được đặt ở bên trên.
Nhiều gia đình có thể thay quả bưởi bằng quả phật thủ.
Cách bày mâm ngũ quả tết Trung thu ở miền Trung
Đối với người miền Trung, cách bày mâm ngũ quả không nhất thiết phải đủ 5 loại trái cây. Đa số chuẩn bị mâm ngũ quả Trung thu bằng các loại quả: Mãng cầu, chuối, xoài, đu đủ, dừa...
Cách bày mâm ngũ quả tết Trung thu ở miền Nam
Mỗi miền sẽ có một cách trang trí mâm ngũ quả khác nhau |
Cách bày mâm ngũ quả Trung thu của người miền Nam khác biệt hơn so với 2 miền còn lại. Họ không dùng nải chuối để làm loại trái cây chính trong mâm ngũ quả.
Thay vào đó, người miền Nam sử dụng dưa hấu, bưởi da xanh. Hai loại quả này sẽ được đặt ở giữa đĩa, sau đó xếp các loại trái cây khác xung quanh.
Ngày nay, nhiều người chọn cách bày mâm ngũ quả Trung thu sáng tạo, kết hợp các yếu tố truyền thống.
Không chỉ giới hạn các màu sắc xanh, đỏ, vàng, nhiều người lựa chọn các loại quả có màu sắc đa dạng, bày biện trên mâm ngũ quả.
Một số chị em khéo tay thường tỉa hoa quả thành những hình thù ngộ nghĩnh như làm thỏ bằng bưởi, làm cá bằng thanh long, làm chó con từ tép bưởi...
Tuy nhiên, dù được biến tấu phong phú nhưng ý nghĩa của mâm ngũ quả đều hướng đến mong ước bình an, sung túc, ấm no.