Các tổ chức quốc tế đánh giá cao việc giảm tai nạn thương tích trẻ em ở Việt Nam
Ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Vận động Chính sách Y tế toàn cầu (GHAI) đã tổ chức Hội thảo thực hiện Quyết định số 1248/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích giảm
Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, TNTT trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 465.302 trẻ em bị tử vong do TNTT, mỗi ngày có 1.275 trẻ em bị tử vong. Mỗi năm thế giới cũng có hàng chục triệu trẻ em khác bị chấn thương phải điều trị tại bệnh viện và thường để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe, tâm lý, thậm chí là khuyết tật suốt đời.
Tại Việt Nam, công tác phòng, chống TNTT trẻ em luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương. Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước, gia đình bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống TNTT trẻ em.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2016-2020. Qua 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: Tỷ suất mắc TNTT trẻ em giảm từ 1.001/100.000 trẻ em (năm 2016) xuống còn 600/100.000 trẻ em (năm 2020); tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích đã giảm từ 19,7/100.000 trẻ em (năm 2016) xuống còn 17/100.000 trẻ em (năm 2020); số trẻ em bị tử vong do đuối nước giảm trung bình 100 trẻ em mỗi năm...
Đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam – bà Annie Chu. |
Ghi nhận những kết quả đã đạt được của Việt Nam, bà Annie Chu, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, Chương trình Quốc gia Phòng chống TNTT Trẻ em 2021-2030 là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp hiệu quả hơn nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em trong thập kỷ tới.
Giám đốc Chương trình Quỹ từ thiện Bloomberg - bà Kelly Larson bày tỏ kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dẫn dắt các nước thực hiện các chương trình phòng chống đuối nước trẻ em. Bà Kelly Larson cũng đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc nhân rộng mô hình Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em.
9 nhóm giải pháp giảm thiểu tai nạn thương tích
Nhìn nhận những kết quả đáng khích lệ ban đầu với việc giảm trung bình 100 trường hợp trẻ em đuối nước mỗi năm, tuy nhiên các đại biểu cũng nhấn mạnh, đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 6-15 tuổi.
Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam. |
“Trong 3 năm qua, chúng tôi đã đào tạo bơi an toàn cho hơn 14.000 trẻ em và giảng dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho hơn 30.200 em. Chúng tôi hy vọng sẽ được tiếp tục đồng hành cùng Bộ LĐTBXH để lan tỏa những kinh nghiệm triển khai chương trình trên toàn quốc, góp phần đảm bảo an toàn và sống còn của trẻ em” – bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam chia sẻ.
Theo bà Vũ Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), để xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em, Chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2021-2030 hướng tới 3 mục tiêu: Giảm tỷ lệ TNTT và tử vong do TNTT của trẻ em; Truyền thông về phòng, chống TNTT trẻ em cho các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em; Đào tạo, tập huấn về phòng, chống TNTT trẻ em cho cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà: Công tác phòng, chống TNTT trẻ em luôn được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, của các cấp, các ngành, địa phương... |
Cùng với đó là 9 nhóm giải pháp thực hiện. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT trẻ em cho các cấp, các ngành và toàn thể xã hội; Hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống TNTT trẻ em; Nâng cao năng lực về phòng, chống TNTT trẻ em cho đội ngũ làm công tác trẻ em của các cấp, các ngành, đoàn thể; Hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống TNTT trẻ em...
Để thúc đẩy việc triển khai có hiệu quả Chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2021-2030, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị, các Bộ, ngành, đoàn thể và các tổ chức chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp với thực tiễn để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.