Các quỹ mua nhiều nhất VPB, HVN, VIB trong tháng 10/2024
Thống kê của Fiingroup trong tháng 10/2024, hiệu suất âm ở hầu hết các quỹ cổ phiếu và là mức thấp nhất trong 6 tháng qua giữa bối cảnh thị trường chung kém tích cực với VN-Index giảm 1,8%. Tuy nhiên, quỹ Cổ phiếu Tăng trưởng VCBF đi ngược lại số đông với hiệu suất dương (+0,3% so với tháng trước) nhờ tỷ trọng phân bổ nhiều vào nhóm ngành Hàng hóa và dịch vụ Công nghiệp (VPT, GMD, và SGN).
Lũy kế từ đầu năm 2024, 39/64 quỹ vẫn duy trì hiệu suất tương đối tích cực |
Tính chung từ đầu năm 2024, phần lớn các quỹ vẫn duy trì hiệu suất tương đối tích cực với 39/64 quỹ có mức tăng trưởng vượt xa VN-Index. Dẫn đầu tiếp tục là Quỹ Cổ phiếu Kinh tế Hiện đại VinaCapital (+31,4%), nối tiếp là Quỹ SSI-SCA (+29,4%) và Quỹ ETF MAFM VNDIAMOND (+28,1%). Điểm chung của 3 quỹ này đó là cùng có FPT và ACB trong top danh mục nắm giữ.
Phần lớn các quỹ cổ phiếu có hiệu suất âm trong tháng 10/2024, ngoại trừ quỹ CP Tăng trưởng VCBF |
Còn các quỹ trái phiếu duy trì hiệu suất ổn định trong tháng 10, có 16/23 quỹ đầu tư trái phiếu đạt hiệu suất tốt hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm. Dẫn đầu là Quỹ Trái phiếu PVcom (PVBF) với hiệu suất đạt +1,5%, mức tăng trưởng tốt nhất trong vòng 6 tháng qua của quỹ này.
Danh mục nắm giữ của quỹ PVBF bao gồm TPDN của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF), CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), Masan (MSN).
Ở chiều ngược lại, quỹ Đầu tư Trái phiếu Bảo Việt (BVBF) ghi nhận hiệu suất âm (-0,8%), thấp nhất kể từ đầu năm 2024 khi nắm giữ chủ yếu trái phiếu của Vietinbank (CTG), Argibank.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, có 19/23 quỹ trái phiếu có mức sinh lợi cao hơn 3,8% (mức lãi suất tiết kiệm 10T2024). Trong đó, Quỹ Đầu tư Trái phiếu TCBF duy trì phong độ khi có hiệu suất cao nhất (12,1%), nối tiếp là Quỹ Trái phiếu Lighthouse (LHBF) với hiệu suất đạt 9,7%.
Danh mục của quỹ Trái phiếu này bao gồm 52% là TPDN, 48% là tiền và tương đương tiền. Trong đó, quỹ nắm giữ trái phiếu của các doanh nghiệp Masan MEATLife, Novaland, VinGroup.
Tổng quan chung, dòng vốn vào TTCK Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư (cổ phiếu và trái phiếu) tiếp tục ở trạng thái dương trong tháng 10/2024, với giá trị vào ròng đạt hơn 361 tỷ đồng. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp dòng vốn vào thị trường ở trạng thái dương, tuy nhiên, quy mô vào ròng trong tháng 10 chỉ tương đương 33% giá trị vào ròng trong tháng 9/2024 (1,1 nghìn tỷ đồng).
Xét theo loại hình quỹ, dòng vốn vào ròng ít đi ở nhóm Chủ động, trong khi duy trì rút ròng ở nhóm Thụ động.
Các quỹ cổ phiếu ghi nhận dòng vốn vào ròng ở nhóm quỹ mở, đạt 714 tỷ đồng trong tháng 10 và rút ròng khỏi các quỹ ETF (-443 tỷ đồng) và quỹ đóng (-978 tỷ đồng). Đối với quỹ mở, dòng vốn phân bổ chủ yếu vào quỹ Đầu tư Cổ phiếu Kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEEF) với 236 tỷ đồng, tăng +86,3% so với tháng trước. Ngược lại, lực rút ròng ở quỹ ETF phần lớn đến từ quỹ Fubon FTSE Vietnam (-291 tỷ đồng); và ở quỹ đóng thì đến từ quỹ VEIL (-609 tỷ đồng).
Những cổ phiếu được các quỹ mua ròng mạnh trong tháng 10/2024 đáng chú ý là VPB, HVN, VIB. Ở chiều ngược lại, HDB, HPG, MBB là các cổ phiếu mà quỹ bán ròng mạnh.
Thống kê từ Fiingroup cũng chỉ ra có 12/19 quỹ mở đầu tư cổ phiếu tăng tỷ trọng tiền mặt trong tháng 10/2024, trong đó tăng mạnh ở nhóm có quy mô tài sản ròng trên 500 tỷ đồng. Ngược lại, các quỹ có quy mô tài sản ròng nhỏ giảm nắm giữ tiền mặt.
Lũy kế 12 tháng gần nhất, nhóm quỹ mở ghi nhận vào ròng hơn 7,8 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm quỹ ETF bị rút ròng gần 30,5 nghìn tỷ đồng và quỹ đóng bị rút 5,1 nghìn tỷ đồng.
Với các quỹ trái phiếu, dòng tiền tiếp tục đổ vào trong tháng 10, đạt 1,7 nghìn tỷ đồng, nhưng thấp hơn -18,5% so với tháng 9/2024. Riêng với quỹ Đầu tư Trái Phiếu Techcom (TCBF), đây là tháng thứ 9 liên tiếp dòng tiền vào quỹ ở trạng thái dương.
Lũy kế 1 năm gần đây, các quỹ trái phiếu ghi nhận hút ròng hơn 12,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, quỹ TCBF chiếm 72% tổng giá trị vào ròng (đạt 9,2 nghìn tỷ đồng). Quỹ trái phiếu thuộc
Techcom Capital này có hiệu suất từ đầu năm vượt xa so với các quỹ trái phiếu khác trên thị trường (ở mức 12,1%).