Các "ông lớn" cũng không quản được heo "nhà mình"
Việc kiểm soát chăn nuôi ở các tỉnh gần như không xuể nên tình trạng dùng chất cấm vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa người dân mua thịt tại một ngôi chợ ở Hà Nam.
Doanh nghiệp “phủi” trách nhiệm
Cách đây không lâu, ngày 5/6, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng quốc tế (gọi tắt là ANCO) xuất 37 con heo cho một thương lái tên Diễm, đến ngày 9/6 có giấy phép kiểm dịch cho lô heo này vào TP.HCM. Tuy nhiên, khi Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện lô heo này có nhiễm chất cấm thì tên chủ hàng lại là bà Trần Thị Mến.
Bị phát hiện lô heo có dư lượng chất cấm Salbutamol vượt mức cho phép, đại diện doanh nghiệp (DN) này quanh co rằng, không chủ trương dùng chất cấm cho heo. Hơn nữa, tên người thương lái bị phát hiện heo có dư lượng chất cấm tại lò mổ không trùng khớp với tên thương lái trong chứng từ xuất bán của ANCO nên khi cơ quan chức năng đến làm việc, đơn vị này “phủi” hoàn toàn trách nhiệm.
Cụ thể, mỗi tháng ANCO xuất bán khoảng 14.000 con heo cho thương lái. Khi bán hàng, công ty có cung cấp cho phía thương lái phiếu giao hàng, ghi các thông tin về số lượng, trọng lượng, số seri giấy tiêm phòng… Sau đó, phía thương lái sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục kiểm dịch khác với cơ quan thú y.
Tuy nhiên, đại diện Đoàn thanh tra Bộ NNPTNT cho rằng, cơ quan chức năng đã từng phát hiện trường hợp heo của Công ty ANCO có dư lượng Salbutamol vượt mức cho phép nhưng DN này không có phương án phòng ngừa việc thương lái đưa chất cấm vào heo sau khi xuất bán. Không chỉ vậy, DN giao phiếu tiêm phòng vaccine và giấy xuất bán cho thương lái nhưng không có biện pháp theo dõi hay kiểm soát, dẫn tới tình trạng thương lái chuyển heo ra ngoài, cho ăn chất cấm tăng trọng rồi mới xuất bán nhưng vẫn có đầy đủ các giấy phép về kiểm dịch.
Ông Trần Văn Quang – Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho rằng, là một DN có tiếng với số trại heo gia công khá lớn khu vực Đông Nam Bộ, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng không tiêu thụ hết số heo gia công mà bán một phần qua thương lái. Mới đây, khi xảy ra việc heo của C.P có dư lượng chất cấm thì Đoàn thanh tra Bộ NNPTNT chỉ ra rằng, giữa C.P và hộ nuôi đã không có ràng buộc gì về dư lượng chất cấm trong heo.
“C.P cho rằng họ kiểm tra heo trước 15 ngày rồi mới cho xuất chuồng nhưng đây chỉ là lời hứa của C.P với cơ quan chức năng sau khi sự việc xảy ra. Còn trước đó, DN này cũng không hề kiểm tra, kiểm soát gì hết trong việc xuất bán heo, dẫn tới tình trạng có khả năng là thương lái đã gom heo về rồi cho ăn chất cấm để thúc tăng trọng” - ông Quang phân tích.
Quản không xuể
Cũng theo ông Quang, dù là vấn đề được dư luận rất quan tâm do ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và cả thế hệ giống nòi sau này, tuy nhiên, trong quy trình kiểm dịch hiện nay, cơ quan thú y không kiểm tra dư lượng các chất cấm.
Cụ thể, trong quy trình kiểm dịch thú y thì động vật vận chuyển với số lượng lớn ra khỏi tỉnh phải được kiểm dịch 1 lần ở nơi xuất phát. Hồ sơ kiểm dịch gồm giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh nhưng không hề có nội dung là kiểm tra dư lượng chất cấm.
“Trong khi đó, trên lâm sàng thì cán bộ thú y rất khó nhìn bằng mắt để đưa ra khẳng định là heo có dư lượng chất cấm hay không? Hơn nữa, khi cán bộ thú y làm việc thì phải tuân theo các quy định của ngành, quy định của pháp luật, không thể chỉ dựa theo cảm quan” - ông Quang phân tích.
Ngoài ra, việc kiểm soát các trang trại, quản lý tình hình chăn nuôi tại địa phương hiện tại cũng gặp nhiều bất cập, chính quyền gần như “quản không xuể”, dẫn tới tình trạng dư lượng chất cấm trong heo luôn diễn biến phức tạp.
Theo đó, Quyết định 48 của UBND tỉnh Đồng Nai quy định, để được cấp sổ chăn nuôi, các hộ, trang trại chăn nuôi phải khai báo thông tin với chính quyền địa phương. Việc quản lý chăn nuôi cũng do đội ngũ cán bộ địa phương nắm. “Riêng địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có hơn 3.000 trang trại, vì thế lực lượng cán bộ thú y không thể kiểm soát hết được. Do đó, việc quản lý phải phụ thuộc vào cán bộ địa phương. Ngoài ra, việc quản lý chăn nuôi cũng bất cập ở chỗ nông dân đăng ký một đằng nhưng làm một nẻo, khiến ngành chức năng bó tay” - ông Quang phân trần.
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, ngay tại địa phương, cơ quan chức năng cũng khó kiểm soát hết được các trang trại chăn nuôi. Thậm chí cả số lượng trang trại chăn nuôi, tổng đàn… giữa nông dân hợp tác gia công với doanh nghiệp nước ngoài cũng không rõ ràng.
Mới đây, để thắt chặt kiểm soát và có thể truy xuất nguồn gốc, TP.HCM yêu cầu các lô heo xuất bán vào thành phố phải đóng dấu mộc. Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, ông Trần Văn Quang, quy trình kiểm dịch thú y phải tuân theo các văn bản pháp luật nên rất khó để các tỉnh phải theo quy định này của TP.HCM.
Bơm trực tiếp chất cấm vào heo
Theo tiết lộ của Thanh tra Bộ NNPTNT, việc điều tra và bắt các đối tượng cung cấp, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm do lợi nhuận của việc làm ăn phi pháp này quá lớn. Vì thế, để phát hiện được đòi hỏi, phải có sự vào cuộc của các cơ quan liên ngành, nhất là lực lượng công an. Đặc biệt, sau một số vụ bị phát hiện đã sử dụng chất cấm trộn lẫn với thức ăn chăn nuôi, các đối tượng đã chuyển sang phương thức tinh vi hơn là xé nhỏ các gói thuốc chứa chất cấm ra thành những bịch 5kg, 7kg rồi sau đó mới bán cho những đối tượng cần sử dụng.
Cũng theo tiết lộ của một thanh tra, tất cả các chất cấm trên đều được nhập về từ Trung Quốc dưới dạng từng gói nhỏ. Tinh vi hơn cả, các đối tượng thường đi mua, thu gom heo ở các trại chăn nuôi, sau đó thuê các khu đất ở xa để dựng lên các trại nhằm “gột” heo tại đây và trong quá trình này, chúng sẽ sử dụng chất cấm để “nuôi” heo. Đây chính là giai đoạn heo “tăng trọng” nhanh nhất. Ông này cho biết, đợt vừa rồi qua kiểm tra, đối chiếu hóa đơn xuất chuồng tại một cơ sở chăn nuôi lúc chủ trại bán heo chỉ có 80kg. Song chỉ sau khi nuôi được 1 tháng, cũng là lô heo đó, hóa đơn mới xuất ra, heo đã tăng lên tới 130kg (tức tăng tới 50kg trong khoảng thời gian chỉ hơn 1 tháng).
Vụ việc nghiêm trọng như vậy, song theo ông này, các lực lượng địa phương tại chỗ thường không phát hiện được và cũng không có báo cáo gì, chỉ đến khi lực lượng thanh tra chuyên ngành phát hiện mới biết. “Thủ đoạn sử dụng chất cấm ngày càng tinh vi, đe dọa trực tiếp sức khỏe đến từng người tiêu dùng, đến giống nòi. Do đó, nếu các lực lượng chức năng và các cơ quan chuyên ngành không cùng phối hợp vào cuộc sẽ không thể xử lý tận gốc được”- ông này nói.
Ông này cũng cho rằng, Chính phủ nên có chỉ đạo trực tiếp vấn đề này mới mong tình hình có sự thay đổi, bởi việc sử dụng chất cấm đem lại lợi nhuận quá lớn đã làm nhiều người mờ mắt, cố tình vi phạm.
Theo Dân Việt