Các cấp Hội đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu cho 5.444 trẻ mồ côi
Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ thăm, tặng quà trẻ mồ côi cha, mẹ, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
Hưởng ứng Phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19" và chung tay cùng với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do Covid-19, ngày 17/10/2021, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu" chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc.
Mục tiêu của Chương trình là vận động, kết nối các cá nhân, đơn vị, tổ chức hỗ trợ đỡ đầu trẻ em mồi côi do Covid-19, trong đó chú trọng vận động, kết nối phụ nữ tại địa bàn trẻ mồ côi sinh sống nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ hàng ngày với tinh thần tự nguyện.
Sau gần 6 tháng triển khai, Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã được hầu hết Hội LHPN tỉnh/thành phố, đơn vị trực thuộc hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi tới các ngành, các cấp. Sự vào cuộc kịp thời, nhanh chóng và đầy quyết tâm của Hội LHPN các cấp với nhiều cách làm cụ thể, thiết thực, dựa trên thực tiễn của từng địa phương đã bước đầu mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời.
Lan tỏa từ Trung ương tới địa phương
Thực hiện hướng dẫn của TƯ Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN các tỉnh/thành và đơn vị trực thuộc đã tập trung triển khai việc khảo sát, đánh giá thực trạng, nắm nhu cầu, xác minh hoàn cảnh thực tế và cập nhật danh sách, thông tin của trẻ mồ côi; đồng thời, tìm kiếm, vận động và kết nối "Mẹ đỡ đầu" với các con.
Công tác chăm sóc, đỡ đầu trẻ em mồ côi được triển khai từ Trung ương, Mạng lưới BCH TƯ Hội, Hội LHPN các tỉnh, thành Hội, cán bộ, hội viên trên địa bàn cả nước. Kế quả đến ngày 21/4/2022, theo báo cáo 30 tỉnh/thành, các cấp Hội đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu cho 5.444 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 1.653 trẻ mồ côi do Covid-19 và 3.791 trẻ mồ côi do các nguyên nhân khác.
Trong đó, tại cấp Trung ương đã vận động, kết nối, chăm sóc, đỡ đầu trẻ em mồ côi thông qua mạng lưới nữ lãnh đạo là Ủy viên Ban chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam khối bộ/ngành: đã phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức Lễ hưởng ứng Chương trình, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều đơn vị, tổ chức cam kết nhận hỗ trợ, đỡ đầu trẻ em mồ côi do Covid-19.
Từ sự vào cuộc của các thành viên mạng lưới, các ban TƯ Hội đã huy động nhận đỡ đầu 216 trẻ với các mức hỗ trợ khác nhau, tổng giá trị hỗ trợ dự kiến khoảng 15 tỷ đồng. Ngoài hỗ trợ bằng tiền mặt, nhiều đơn vị/cá nhân đã cam kết sẽ đồng hành cùng Hội hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các con và người chăm sóc, nuôi dưỡng các con.
Nhiều cách làm sáng tạo, tiêu biểu ở cấp tỉnh/thành Hội
Ngay sau khi phát động Chương trình, đã có nhiều tỉnh/thành Hội hưởng ứng sớm, kết nối, vận động được nhiều tập thể, cá nhân nhận làm "Mẹ đỡ đầu". Tiêu biểu như:
- Tỉnh Đồng Tháp: đã có 113 tổ/nhóm mẹ/CLB tự nguyện thành lập đỡ đầu cho 141 trẻ mồ côi do Covid-19 và 228 trẻ mồ côi do nguyên nhân khác. Việc phân công luân phiên của các mẹ trong tổ/nhóm/CLB để đảm bảo các con luôn được chăm sóc chu đáo, luôn có hơi ấm, tình yêu thương của người mẹ.
- Hội LHPN TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ ký kết với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bảo trợ cho 682 trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19 đến năm 18 tuổi, với tổng kinh phí dự kiến hơn 100 tỷ đồng; Vận động Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên nhận đỡ đầu cho 15 trẻ em mồ côi do Covid-19 đến khi các con đủ 18 tuổi.
- Hội LHPN tỉnh Bình Dương đã vận động 38 nữ doanh nhân thuộc Hội nữ doanh nhân tỉnh hỗ trợ cho 105 trẻ mồ côi do dịch Covid-19 (từ 1 đến 16 tuổi) với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, ước tính trên 1,2 tỉ đồng. Dự kiến sau 1 năm thực hiện Chương trình, hai đơn vị sẽ có đánh giá kết quả cũng như nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của trẻ và người nuôi dưỡng/giám hộ đế điều chỉnh phù hợp.
- Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa thành lập nhóm "Mẹ đỡ đầu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi" (với Ban quản lý từ 3-5 người để điều phối, phân công nhiệm vụ trong nhóm), xây dựng các mô hình "Nuôi lợn nhựa", "Tổ tiết kiệm, tín dụng",... nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ cho trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu. Đặc biệt, mô hình "Biến rác thành tiền" được thực hiện tại 100% cơ sở Hội đã thu được tổng số tiền gần 580 triệu hỗ trợ cho 822 trẻ mồ côi.
- Tại Cần Thơ, Hội Phụ nữ Công an thành phố đã phối hợp tham mưu nhận bảo trợ chi phí học tập, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể đến năm 18 tuổi cho 11 trẻ có cha, mẹ mất vì Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Với phương châm "Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có Mẹ đỡ đầu", Chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lan toả sâu rộng, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức và các cá nhân đồng hành cùng với tổ chức Hội.