Cà Mau kiên quyết xử lý nghiêm tàu đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài
Tàu cá CM 06051 TS do ông Trương Lâm Vũ, sinh năm 1993, ngụ Khóm 7, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, làm chủ, hành nghề câu mực, xuất bến qua cửa Sông Đốc vào ngày 30/11/2023, đảm bảo thủ tục, giấy tờ và còn thời hạn theo quy định. Khi ra biển hoạt động, ông Vũ giao cho ông Trịnh Văn Suốt (thuyền viên trên tàu) làm thuyền trưởng (nhưng ông Suốt không có văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng) rồi ông Vũ quay vào bờ. Trên tàu cá có tất cả 6 thuyền viên.
Khi hoạt động đánh bắt trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với Thái Lan; do hoạt động khai thác kém hiệu quả, vào ngày 15/12/2023, ông Trịnh Văn Suốt gọi điện đường dài cho ông Trương Lâm Vũ và ông Trương Hoàng Nhứt (cha của Vũ) hỏi ý kiến về việc sẽ đưa tàu cá sang vùng biển Thái Lan để khai thác trộm hải sản và được sự cho phép của ông Vũ, ông Nhứt.
Chủ tàu cá vi phạm ký biên bản thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Báo Cà Mau |
Ngày 16/12/2023, tàu cá CM 06051 TS bị lực lượng Hải quân vùng 2, Hải quân Hoàng gia Thái Lan kiểm tra, bắt giữ, chờ ngày ra tòa xét xử.
Qua làm việc với các cơ quan chức năng, ông Trương Lâm Vũ, Trương Hoàng Nhứt đều thừa nhận là người trực tiếp quản lý, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động của tàu cá CM 06051 TS và đã có hành vi đưa tàu cá CM 06051 TS sang vùng biển Thái Lan khai thác thuỷ sản trái phép; sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m khai thác thuỷ sản tại vùng khơi là vi phạm pháp luật.
Ngày 6/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trương Lâm Vũ với 2 hành vi: khai thác thuỷ sản tại vùng biển quốc gia khác mà không có giấy phép (quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 20 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ) và hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m khai thác thuỷ sản tại vùng khơi (quy định tại Khoản 3, Điều 21, Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ). Tổng mức xử phạt hành chính hai hành vi trên là 917,5 triệu đồng.
Trước đó, ngày 21/2, Chi cục Thuỷ sản có quyết định thu hồi 7 Giấy phép khai thác thuỷ sản do đơn vị cấp cho các tàu này. Tất cả 7 tàu bị thu hồi Giấy phép nêu trên đều có địa chỉ ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, có chiều dài từ 19-21 m, trong đó có đến 6 tàu hành nghề lưới kéo, còn lại 1 phương tiện hành nghề lưới chụp. Cà Mau đồng thời có thông tin đến tỉnh Kiên Giang chỉ đạo cơ quan chuyên môn thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản đối với 3 tàu cá KG- 90215-TS, KG-90819-TS và KG-90939-TS. Các tàu cá bị thu hồi giấy phép trên được cho là liên quan đến việc 1 tàu cá Cà Mau bị lực lượng chức năng phát hiện đang lưu giữ 10 thiết bị giám sát hành trình (VMS) vào tháng 3/2023.
Tính đến hết tháng 11/2023, tỉnh Cà Mau có hơn 4.000 tàu cá đang hoạt động khai thác hải sản trên biển, trong đó có hơn 1.500 tàu hoạt động đánh bắt xa bờ.
Chỉ tính riêng địa bàn Ðồn Biên phòng Sông Ðốc quản lý (gồm 4 xã, 1 thị trấn của huyện Trần Văn Thời), số phương tiện hoạt động đánh bắt thuỷ sản đã trên 2 ngàn phương tiện, tập trung nhiều nhất tại cửa biển Sông Ðốc.
Trong những ngày qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Cà Mau chỉ đạo các đồn, Hải đội Biên phòng phối hợp chính quyền địa phương đồng loạt ra quân tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho Nhân dân, ngư dân trong việc tuân thủ, chấp hành các thủ tục hành chính, quy chế, quy định hoạt động trong khu vực biên giới biển và phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thời gian tới, Bộ Chỉ huy tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức mở các lớp tuyên truyền tập trung tại hội trường UBND các xã, thị trấn, đồn biên phòng hoặc trực tiếp đến từng hộ gia đình. Ðẩy mạnh tuyên truyền theo các chuyên đề, chuyên sâu về thực hiện các thủ tục hành chính quy định đối với người, phương tiện khi ra vào, hoạt động trong khu vực biên giới biển.
Về phòng, chống khai thác IUU, lồng ghép với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, toạ đàm; đồng thời phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, cán bộ làm công tác vận động quần chúng, đảng viên đồn biên phòng tham gia cấp uỷ địa phương, HÐND các cấp, sinh hoạt chi bộ ấp, khóm và phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới biển để tuyên truyền, vận động Nhân dân, ngư dân, các chủ cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuỷ sản tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.