Buổi sáng ở chợ phiên Ma Lé
Cách thị trấn Đồng Văn khoảng 10km, bên cạnh một dãy nhà được xây dựng từ lâu để đồng bào bày bán hàng hóa, không gian của chợ phiên Ma Lé chủ yếu ở một khoảng đất trống đất đá lởm chởm ven đường. Từ Đồng Văn, chúng tôi di chuyển lên Ma Lé từ rất sớm, khi trời còn bao phủ một màn sương mù đặc quánh.
Mọi người ai cũng háo hức giục nhau đi chợ sớm để được chứng kiến toàn bộ không gian văn hóa chợ phiên vùng cao mà không phải lần nào cũng gặp vì chợ chỉ họp duy nhất một buổi/tuần. Và đương nhiên những đường đèo vắt vẻo từ ngọn núi này sang dãy núi khác luôn là “đặc sản” được du khách thích thú chiêm ngưỡng.
Người dân mua bán tại chợ phiên Ma Lé (Ảnh: Phạm Thị Ngoan). |
Chợ phiên Ma Lé mỗi tuần họp một lần vào sáng thứ Bảy. Từ sớm tinh mơ cho đến khi mặt trời đứng bóng, chợ mới tàn. Chợ phiên lúc gần 7 giờ sáng nhưng không khí đã rất ồn ào, náo nhiệt.
Cảnh tượng người bán, kẻ mua xôn xao, những bản nhạc Mông được phát qua loa máy hòa lẫn với những tiếng trao đổi của đồng bào, dân tộc, dù không hiểu tiếng của đồng bào nhưng nơi đó đang diễn ra một cuộc ngã giá rất thật thà.
Và đã từ lâu, phiên chợ đã trở thành điểm hẹn, là nỗi khắc khoải, mong chờ của bao nam thanh nữ tú, họ đến để gặp gỡ, tìm hiểu và trao duyên, đã có không ít người nên vợ thành chồng qua những phiên chợ như thế. Với đủ các sắc màu khác nhau trong không gian chợ phiên ấy, đó là các màu rực rỡ trên trang phục của người Mông, Dao, Tày, Giáy, Nùng, Lô Lô... Đàn ông đi chợ thường mặc quần áo đen, chị em thì xúng xính trong trang phục sắc màu rực rỡ, leng keng vòng bạc. Họ đến từ các ngả núi xuống chợ, những chú ngựa thồ trên lưng gắn chiếc gùi mang theo sản phẩm là những nông sản, người dắt lợn, dắt chó, người gùi củi, gùi rau..., tất cả tấp nập trong không khí rộn ràng đông vui.
Ai đã một lần ghé thăm chợ phiên Ma Lé đều rất cảm động khi biết rằng, nhiều người nhà xa phải đi bộ từ 3-4 giờ sáng, vượt nhiều ngọn núi để xuống cho kịp phiên chợ. Mặc dù phải đi bộ một quãng đường dài, nhưng khuôn mặt ai cũng lộ vẻ hân hoan, háo hức. Phía cuối góc chợ kia, lũ trẻ con với đôi má nứt nẻ đang quây quần nên bếp lửa hồng rực, nồi nước dùng sôi ùng ục, bốc hơi béo ngậy. Các chảo mỡ rán bánh kêu xèo xèo trước ánh mắt các cô bé, cậu bé vùng cao. Còn cánh thanh niên thì túm tụm bên hàng tải nhạc chuông và khoe nhau những chiếc điện thoại đời mới... Đương nhiên, ở một góc chợ không thể thiếu những bếp chảo thắng cố đang bốc khói nghi ngút, mùi thơm ngậy, sẵn sàng phục vụ thực khách. Tất cả hòa hợp tạo lên vẻ đẹp đặc sắc của phiên chợ vùng cao.
Hàng hóa được bày bán, trao đổi ở chợ cũng rất phong phú, đa dạng, từ các nông sản, trang phục (vải lanh, thổ cẩm), đồ dùng sinh hoạt, đồ chơi trẻ em, đến các loại mỹ phẩm, đồ dùng công nghệ như điện thoại...
Không giống chợ miền xuôi chỉ mua bán qua loa và chóng vánh, đồng bào dân tộc thiểu số đến chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa thông thường, mà còn để gặp nhau, giao lưu trò chuyện, phụ nữ thì khoe sắc trong những bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ, nam giới thì khoe tài trong tiếng sáo, tiếng khèn gọi bạn tình.... và hơn tất cả, mọi người không quên ăn một tô thắng cố nóng hổi, nghi ngút khói và uống chén rượu ngô mềm môi thơm lừng. Cũng như nhiều chợ phiên khác ở vùng cao, có lẽ nổi tiếng, hấp dẫn người xem nhất ở Ma Lé vẫn là các mặt hàng vải thổ cẩm của đồng bào Mông, Dao, Lô Lô... Những sắc màu bắt mắt ấy được xem như bản sắc trong văn hóa chợ ở đây.
Vào chợ phiên, nhiều gia đình cả nhà đi chợ. Các bà mẹ, người vợ đi chợ để mua sắm; các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn; trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ; thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn tình. Từng tốp nam nữ quây quần bên bàn gỗ đơn sơ, trò chuyện hàn huyên.
Khi men rượu đã đủ làm người ta chếnh choáng thì cũng là lúc khu chợ nhỏ bé vui và hay nhất, các nam nhi nơi rẻo cao bắt đầu gửi tâm tình trong tiếng sáo, tiếng khèn réo rắt làm ngây ngất bao tâm hồn các thiếu nữ miền sơn cước, chén rượu ngô cũng đủ để làm cho đôi má thiếu nữ thêm ửng hồng...
Đã quá giờ Ngọ, chợ phiên thưa vắng dần. Chảo thắng cố cũng đã cạn, vò rượu ngô đã hết, những mặt hàng thiết yếu đã được bà con mua bán xong. Tiếng nói cười, chào hỏi cũng im ắng dần và những đường đèo hun hút khuất dần bóng dáng người Mông, Lô Lô, Giáy, Dao... Đồng bào dắt ngựa chở lỉnh kỉnh đồ đạc theo những con đường núi chênh vênh trở về nhà.
Phiên chợ Ma Lé đơn giản và bình dị như chính cuộc sống của những bà con dân tộc vùng cao nơi địa đầu tổ quốc này. Trong vài năm trở lại, khi cực bắc Lũng Cú trở thành điểm đến được yêu thích của giới trẻ, chợ phiên Ma Lé được nhiều người biết đến hơn và trở thành điểm dừng chân thú vị trên hành trình khám phá. |
Sản vật vô giá ở miền Trung: Tất cả là của Bà! |
Những nghề chỉ ở vùng giáp biên mới có |
Ghé Lạng Sơn mà không thưởng thức vịt quay, phở chua, khâu nhục thì như chưa từng đến |