Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm 3 nước ASEAN: Biển Đông sẽ là trọng tâm nghị sự?
Chính sách “chia để trị” có phá vỡ được phòng tuyến trên Biển Đông? Đầu tháng 7/2021 Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thông tin về căng thẳng liên quan diễn biến xung quanh mỏ khí Kasawari giữa Trung Quốc và Malaysia. |
Mỹ cáo buộc Trung Quốc cưỡng ép, đe dọa các nước ven biển Đông Nam Á Ngày 14/7, tại Hội nghị trực tuyến với ngoại trưởng các nước Asean, ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh Mỹ bác bỏ 'các yêu sách hàng hải phi pháp' của Trung Quốc ở Biển Đông. |
Siêu cường coi trọng ASEAN
Từ đầu năm đến nay, Mỹ đã kích hoạt liên minh trong khối G7 và NATO để đối phó với ảnh hưởng được cho là tiêu cực của Trung Quốc đối với lợi ích của các siêu cường quốc tế, trước hết là Mỹ và Đồng minh.
Vì vậy, Trung Quốc chắc chắn có lý do để lo lắng về một nỗ lực khác do Mỹ dẫn đầu nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc tiếp sau Hội nghị G7 và NATO. Đó là vai trò của các nước ASEAN mà cả Trung Quốc và Mỹ đều hết sức coi trọng trong cuộc đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc này tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Biển Đông, được coi là đột phá khẩu, xuất phát từ chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp để Trung Quốc vươn lên tranh giành vị thế siêu cường mà Mỹ đang trị vì;
Trong khi Mỹ, với vai trò đang là siêu cường số 1 quốc tế, không chấp nhận để Trung Quốc tiếp tục tự tung tự tác, tiếp tục gây sức ép, bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các nước trong khu vực, trong đó có cả lợi ích của Mỹ và các nước có liên quan khác ngoài khu vực,về quyền tự do hàng hải, hàng không qua Biển Đông, kể cả quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên ở phạm vi biển khơi và vùng đáy biển nằm ngoài khu vực thuộc quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông theo quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin |
Để thực hiện những mục tiêu chiến lược của mình trong Biển Đông, Trung Quốc đánh giá rằng ASEAN, trong đó Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… là rào cản chủ yếu đối với yêu sách biển đầy tham vọng của mình trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai. Trong khi Mỹ, không thể không coi trọng vai trò của các nước ASEAN, dù là đồng minh và đối tác truyền thống hay đối tác toàn diện mới được thiết lập, trong quá trình triển khai chiến lược ngăn chặn và đẩy lùi ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc trong phạm vi khu vực và quốc tế.
Ông Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết: "Để có một chiến lược châu Á hiệu quả, một cách tiếp cận Ấn Độ - Thái Bình Dương hiệu quả, bạn phải làm nhiều hơn nữa ở Đông Nam Á".
Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, ông Austin đã đến châu Âu hai lần để sửa chữa mối quan hệ với các đồng minh ở đó. Ông cũng đã đến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ và lần này, ông đến Đông Nam Á để thăm 3 nước Việt Nam, Philippines và Singapore bắt đầu từ ngày 23/7/2021.
Như vậy, có thể thấy rằng, những thông tin đã được tiết lộ về mục đích của chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, theo chúng tôi, thực chất đây là một bước tiến mới, được chính quyền Tổng thống Joe Biden hoạch định, nhằm tiếp tục củng cố và tăng cường sức mạnh đoàn kết nhằm ngăn cản những tác động tiêu cực của Trung Quốc, đẩy lùi chiến lược bành trướng của Trung Quốc đang được triển khai ngày càng quyết liệt, không chỉ ở khu vực châu Á-TBD, mà cả trên phạm vi thế giới.
Châu Á cần cả hai và chỉ muốn Mỹ - Trung sáng suốt?
Ngày 04/06/2020, Thủ tướng Lý Hiển Long đã phát đi một thông điệp quan trọng khi ông đánh giá về thực lực hai cường quốc với một nhận định khá chính xác rằng bên cạnh các thúc đẩy nội bộ (ở Hoa Kỳ và Trung Quốc), các vấn đề thương mại, địa - chính trị, đại dịch Covid-19 "đã làm cho cạnh tranh Mỹ - Trung xấu đi". Tuy thế, ông nhắc đến nhiều vai trò trung lập của ASSEAN, muốn hoà hiếu với cả hai "người khổng lồ" và bày tỏ mong ước: "Ta chỉ có thể hy vọng sự nghiêm trọng của tình hình sẽ giúp người ta tập trung đầu óc và cho phép những lời tư vấn sáng suốt hơn (wiser counsel) thắng thế."
Phải chăng đây cũng là đánh giá và xem trọng vai trò, vị thế của cả hai siêu cường Mỹ, Trung đối với cộng đồng khu vực mà nội hàm của nó chính là mong ước cả hai cường quốc này sẽ phải nêu cao nghĩa vụ tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong khu vực, dựa trên cơ sở thượng tôn pháp luật và đối xử bình đẳng với tất cả các nước, bất kể các nước này đang theo chế độ chính trị nào.
Chiến hạm Australia, Mỹ và Nhật Bản diễn tập tại biển Philippines, ngày 21/7/2020. Ảnh: US Navy |
Đồng thời, phải chăng đây cũng là thông điệp về cách ứng xử linh hoạt, khôn khéo của các nước nhỏ, yếu trong khu vực cần theo đuổi để không bị lôi cuốn vào vòng xoáy của cuôc đối đầu chiến lược Mỹ - Trung, nếu không muốn để các quyền và lợi ích của mình bị các siêu cường mua bán, đổi chác ngay trên lưng và không để biến mình thành những tên lính tiên phong trong cuộc đối đầu chiến lược diễn ra dưới bất kỳ hình thức nào, nhằm phuc vụ cho lợi ích của các siêu cường, như đã từng xẩy ra trong quá khứ…
Người ta cho rằng thế giới sẽ phải biết cách thích nghi với những bất định và rối loạn có thể tiếp tục xảy đến trong thời gian tới, khi đối đầu chiến lược Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng. Thiết nghĩ đây cũng là cách Việt Nam đang ứng xử trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc theo phương châm: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Trong bối cảnh căng thẳng và phức tạp đang diễn ra trong Biển Đông, Việt Nam vẫn thực hiện phương châm 4 chữ: “kiên quyết, kiên trì”; nghĩa là “kiên quyết” đấu tranh không khoan nhượng trước mọi hành vi vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong khu vực Biển Đông. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Tuy nhiên, về mặt sách lược Việt Nam linh hoạt, mềm mỏng và “kiên trì” áp dụng nhiều phương án đấu tranh thích hợp, không mắc mưu, không để cho đối phương kiếm cớ gây ra xung đột, chiến tranh. Vì mục tiêu của Việt Nam không phải chỉ có trách nhiệm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông mà còn có nghĩa vụ góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Quán triệt phương châm chiến lược đó, khi trả lời về ý nghĩa của chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 28-29/7 theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; và "Chuyến thăm tiếp tục góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân và quân đội hai nước, triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước và góp phần vào khuôn khổ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ".
Trước chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, hầu hết các học giả đều dự đoán đến mục đích cụ thể của chuyến công cán quan trọng này: Đến Philippines nhằm chứng minh rằng Washington sẽ đứng về quan hệ đối tác an ninh với Manila, vạch ra lằn ranh đỏ để Trung Quốc không vượt qua ở Biển Đông. Đến Việt Nam để ủng hộ lập trường của Việt Nam tại Biển Đông, thể hiện cam kết xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn mà không gắn với thúc đẩy các giá trị chính trị và xã hội của Mỹ. Đến Singapore, với tư cách là đối tác thân thiết lâu đời của Singapore, Mỹ muốn thể hiện cam kết toàn diện của Mỹ với Singapore và ASEAN; nhấn mạnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Biden. |
Mỹ tiếp tục bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc với Biển Đông Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên và Biển Đông được xem là tượng trưng cho sự cạnh tranh ảnh hưởng rộng lớn hơn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. |
Việt Nam lên tiếng nhân dịp kỷ niệm 5 năm Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông ra Phán quyết Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra bình luận của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 5 năm Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông ra Phán quyết cuối cùng. |