Bộ tộc kỳ lạ: Con gái được mẹ “bật đèn xanh”, thoải mái qua đêm cùng bạn trai
Hãy thử tưởng tượng về một nơi con người ta không ràng buộc nhau bằng tờ giấy hôn thú, một nơi mà phụ nữ là những người làm chủ gia đình, nuôi dạy con cái không cần sự trợ giúp của đàn ông, và được tự do lựa chọn bất cứ người nào mà họ thích.
Hãy tưởng tượng một nơi không có sự ghen tuông hay đánh ghen, chiến tranh, hay các nhà tù.
Có lẽ bạn sẽ nghĩ đây là một thế giới không có thực. Nhưng bạn đã nhầm.
Những điều mô tả trên đây hoàn toàn tới từ một bộ tộc thiểu số của Trung Quốc mang tên Ma Thoa với những quan niệm về tình yêu, tình dục vô cùng thú vị.
Quan hệ xong là ai về nhà nấy…
Sinh sống chủ yếu quanh vùng hồ Lô Cô, nằm ở ranh giới giữa tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên của Trung Quốc và Tây Tạng, thuộc vùng Đông Nam dãy Himalaya, với dân cư là 40.000 người, Ma Thoa là một trong những xã hội cuối cùng trên thế giới còn theo chế độ mẫu hệ.
Ma Thoa là bộ tộc theo chế độ mẫu hệ. (Ảnh: Internet)
Họ không có khái niệm về hôn nhân như xã hội hiện đại chúng ta thường hay gọi, nghĩa là nam và nữ tổ chức lễ cưới, về sống với nhau, được chính quyền cũng như cộng đồng công nhận.
Thay vào đó, khi phụ nữ và đàn ông Ma Thoa thích nhau và có quan hệ chăn gối, họ sẽ gọi đây là "zouhun", có nghĩa là "tẩu hôn", hay "hôn nhân tự do", trong đó nam và nữ sẽ gặp nhau và quan hệ ở nhà cô gái, sau đó chàng trai lại về nhà mình để sống với… mẹ.
Theo Eileen Walsh, một nhà nhân chủng tới từ Đại học Sydney, Australia đã có dịp tới vùng đất của người Ma Thoa vào đầu những năm 90, khác với những nơi khác ở Trung Quốc, bộ tộc Ma Thoa không quan trọng chuyện trinh tiết phụ nữ và không đổ lỗi cũng như chê cười việc người phụ nữ có quan hệ tình dục với đàn ông.
Với quan niệm như vậy, không hề có chuyện phụ nữ hay trẻ con bị bỏ rơi, và vì không có hôn nhân, nên cũng không có ly dị, không có những người phụ nữ đáng thương phải sống trong tủi nhục, câm nín ở gia đình nhà chồng, cũng như không có khái niệm quả phụ.
Con gái được phép mời bạn trai ở lại qua đêm
Trong mỗi gia đình đều có một người phụ nữ lớn tuổi nhất làm chủ gia đình. Bà sẽ là người quyết định mọi chuyện. Tuy nhiên, trong chuyện yêu đương và quan hệ của con gái, bà sẽ cho cô gái toàn quyền quyết định mà không hề can thiệp hay ép buộc.
Trong nhiều nền văn hóa khác, yêu đương, giới tính và tình dục là chủ đề cấm kỵ và con gái chưa chồng bị cấm quan hệ với đàn ông. Ở bộ tộc Ma Thoa lại khác, nếu thích một người con trai nào đó, cô gái có thể mời về nhà và qua đêm với anh ta vì hành động này được mẹ cô gái cho phép.
Ở bộ tộc thiểu số Ma Thoa, con gái có thể thoải mái mời người bạn trai mình thích ngủ lại qua đêm. (Ảnh: Internet)
Đó có thể là tình một đêm, cũng có thể là một mối quan hệ lâu dài mà không hề bị xã hội đánh giá. Bất kỳ đứa trẻ nào được sinh ra sau những cuộc tình ấy cũng sẽ được gia đình cô gái nuôi dưỡng. Không ai hỏi cha của đứa trẻ là ai và cũng không hề có khái niệm "con ngoài giá thú".
Trong khi đó, người đàn ông dù muốn hay không đều không được nuôi con mình, mà phải trở về nhà mẹ đẻ để sống và chăm sóc những đứa cháu do chị em gái anh ta sinh ra.
Bà La Cier, một phụ nữ Ma Thoa cho biết: "Chúng tôi tự đẻ con, tự nuôi con, chị em phụ nữ chúng tôi quản lý gia đình. Không cần phải nhờ đàn ông giúp. Phụ nữ đáng tin hơn đàn ông".
Điểm đến của các khách du lịch quốc tế
Hình ảnh về một bộ tộc Ma Thoa hiện lên như một "Nữ nhi quốc" với nhiều truyền thống thú vị, cộng với phong cảnh tự nhiên đẹp mê hồn của vùng hồ Lô Cô đã thu hút hàng triệu khách du lịch quốc tế tới đây mỗi năm.
Cảnh đẹp mê hồn của vùng hồ Lô Cô, nơi sinh sống của bộ tộc Ma Thoa, cũng là một điểm đến du lịch nổi tiếng ở Vân Nam, Trung Quốc.
Hầu hết họ đều tới thăm một ngôi làng mang tên Lạc Thủy, nằm ngay bên hồ Lô Cô. Du khách sẽ được tiếp đón với những nghi thức truyền thống cũng như giao lưu với dân làng.
Du lịch đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của vùng hồ Lô Cô, khiến nhiều gia đình nơi đây nhanh chóng thoát nghèo. Ước tính khoảng 80% các gia đình ở đây đều tham gia vào ngành du lịch, với thu thập hàng năm lên tới một tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích về mặt kinh tế, nhiều người đang lo ngại văn hóa truyền thống của người Ma Thoa sẽ dần mai một bởi sự du nhập của nhiều nền văn hóa khác.
Tổng hợp từ báo nước ngoài
Thanh Hương