Bộ TN&MT phải xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân đối với sự cố môi trường miền Trung
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết Bộ TN&MT là đơn vị thứ 13 được Tổ công tác kiểm tra. Với số nhiệm vụ được giao rất lớn, Bộ đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện, nhưng cần phải quyết tâm cao hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng.
Từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ 596 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 501 nhiệm vụ, còn lại 92 nhiệm vụ chưa hoàn thành (85 nhiệm vụ trong hạn và 7 nhiệm vụ quá hạn), đồng thời có 2 đề án được rút ra khỏi chương trình, 1 đề án được Thủ tướng giao lại Bộ Công Thương.
Qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TN&MT giải trình, làm rõ về 7 nhiệm vụ quá hạn, đồng thời giải trình, làm rõ thêm 7 vấn đề lớn khác.
Bộ trưởng VPCP Mai Tiến Dũng làm việc với Bộ TN&MT. (Ảnh: VGP)
Thứ nhất, sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung là sự cố rất đáng tiếc, gây thiệt hại vô cùng lớn. Trong các ngày 15-16/12, Tổ công tác đã kiểm tra Hà Tĩnh, Quảng Bình, 2 trong 4 địa phương chịu thiệt hại nặng nhất. Hai địa phương đã tiêu hủy toàn bộ số hải sản nhiễm độc, nhưng vẫn còn khoảng 3.700 tấn hải sản tồn kho tuy không nhiễm độc nhưng bảo quản đã lâu, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên một phần đã bị xuống cấp.
“Tổ công tác kiểm tra, thấy rất thương tâm, nhiều kho bảo quản không đủ -20 độ C, cá bầm dập, phân hủy, rất đáng tiếc. Thủ tướng đã giao Bộ TN&MT kiểm tra, xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc cấp phép xả thải, đánh giá tác động môi trường dự án… Việc này đã làm đến đâu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
Vấn đề thứ hai là công tác dự báo, cảnh báo. Vấn đề này rất được quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ… diễn biến rất phức tạp trong thời gian qua. Riêng đợt mưa lũ hiện nay ở miền Trung đã làm hơn 100 người chết và mất tích.
Vấn đề thứ ba là công tác quản lý nhà nước về môi trường. Chúng ta đã đặt vấn đề phát triển bền vững lên hàng đầu, không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, không đánh đối bất cứ thứ gì lấy môi trường. Tuy nhiên, gần đây có nhiều hiện tượng như cá chết ở nhiều nơi, ô nhiễm tại các làng nghề, cụm công nghiệp, vấn đề xả thải tại các dự án…
“Thủ tướng cho rằng đây là việc cần làm lâu dài, nhưng trong các vấn đề trên phải có thái độ rất sớm của cơ quan quản lý. Quá trình cấp phép đúng quy trình nhưng quan trọng là hiệu quả của quy trình đó thế nào, cần xem xét nghiêm túc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng.
Vấn đề thứ tư, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ hết sức quan tâm tới vấn đề chính sách đất đai, quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là vấn đề tích tụ ruộng đất. Chúng ta không thể tiến hành công nghiệp hóa, không thể có nông nghiệp công nghệ cao nếu diện tích đất đai nhỏ lẻ, manh mún. Bộ cần sớm đề xuất cơ chế, chính sách cho vấn đề này. Cùng với đó, lưu ý các vấn đề mà báo chí đã phản ánh như sổ đỏ in nhiều nhưng lại nằm trong tủ của cán bộ địa chính địa phương, người dân đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải có chi phí không chính thức…
Thứ năm, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản được thực hiện khá tốt nhưng ở nơi này, nơi khác vẫn chưa công khai, minh bạch trong việc đánh giá trữ lượng các mỏ khoáng sản quý, sản xuất, chế biến, gây thất thoát ngân sách.
Thứ sáu, vừa qua Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông, gây sụt lở, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Báo chí đưa vấn đề này rất nhiều, nhưng việc quản lý vẫn chưa tốt.
Vấn đề cuối cùng là xây dựng đội ngũ cán bộ, làm sao để có đội ngũ cán bộ tốt không chỉ ở Bộ mà còn cả ở cơ sở. Các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài phần lớn liên quan tới đất đai, do đó về mặt chuyên môn, thì cán bộ địa chính ở cơ sở là rất quan trọng. Cùng với đó là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ TN&MT phản ánh các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ để Tổ công tác tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Hải Đăng (t/h)