Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ ra nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM
Theo Bộ TNMT, liên tục trong nhiều ngày, chất lượng không khí ở cả hai thành phố lớn như: Hà Nội và TP.HCM đều ở mức thấp, trong đó có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội ở mức kém, ở TP.HCM cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hoá gây cản trở tầm nhìn.
Đặc biệt, xét về nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội, có nhiều thời điểm vượt ngưỡng cho phép và tại TP.HCM thì nồng độ bụi PM2.5 cũng có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, hiện tượng ô nhiễm không khí chỉ mang tính cục bộ tại một số khu vực, một số thời điểm nhất định. Bụi PM2.5 và chỉ số AQI ở mức xấu hơn trong thời gian đêm và sáng sớm. Thời gian còn lại trong ngày khi có thay đổi về điều kiện thời tiết, các thông số này sẽ giảm đi.
Hiện tượng sương mù quang hóa là hiện tượng ô nhiễm không khí có tính chất lặp đi, lặp lại và thường gặp trong thời gian này do đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có, báo cáo nêu rõ. |
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại TP. Hà Nội và TP.HCM
Bộ TNMT cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại 2 thành phố lớn này. Theo đó, Bộ TNMT cũng nhận định phần lớn là do các đô thị chịu nhiều ảnh hưởng từ các nguồn thải, bao gồm các nguồn tại chỗ như: hoạt động dân sinh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải... và cả những nguồn từ xa vận chuyển đến.
Đồng thời, ngoài nguyên nhân sơ bộ như thời gian này là thời điểm giao mùa, thời điểm thu hoạch lúa nên hoạt động đốt rơm rạ ở khu vực ngoại thành còn có rất nhiều các nguyên nhân khác gây ra tình trạng ô nhiễm không khí...
Tại Hà Nội
Qua theo dõi và phân tích số liệu quan trắc trong nhiều năm, Bộ TNMT thấy xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc của Việt Nam (trong đó có TP. Hà Nội) phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết và khí hậu.
Theo báo cáo Chính phủ của Bộ TNMT, qua theo dõi diễn biến từ năm 2010 đến nay cho thấy, nồng độ bụi PM10 và PM2.5 có xu hướng giảm. Đối chiếu với kết quả quan trắc từ trạm của Đại sứ quán Mỹ trong giai đoạn từ 2016 - 2018 cũng cho thấy xu hướng tương ứng đối với nồng độ PM2.5. So sánh nồng độ bụi PM2.5 trung bình tháng qua các năm từ 2013–2019 cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trung bình tháng năm 2019 có xu hướng giảm qua các năm; riêng tháng 9, nồng độ bụi tăng mạnh so với các tháng trước đó và so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018. |
Theo đánh giá sơ bộ, nguyên nhân PM2.5 tăng cao bởi đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.
Đặc biệt, vào thời điểm sáng sớm là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn.
Không chỉ thế, vào những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành Hà Nội cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.
Bên cạnh đó, lượng mưa trong tháng 9 năm 2019 cũng thấp, liên tiếp trong nhiều ngày (từ 21-30/9/2019), toàn bộ khu vực thành phố Hà Nội không có mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong thời gian này.
Bộ TNMT khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài trong những ngày nồng độ bụi PM2.5 tăng cao. |
Tại TP. HCM
Tại thành phố này, đây cũng là thời điểm giao mùa (cuối mùa mưa, đầu mùa khô), điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt làm giảm khả năng hòa trộn và phát tán các chất ô nhiễm trong không khí, cũng như làm xuất hiện tượng sương mù quang hóa. Chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu.
Theo báo cáo của Sở TNMT của TP.HCM, hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra trên địa bàn thành phố mang tính chu kỳ vào khoảng 6–7 ngày trong khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm. Năm nay, hiện tượng này đã xảy ra trong thời gian từ ngày 18-22/9/2019.
Tổng hợp kết quả quan trắc của Sở TNMT và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cho thấy, từ ngày 01-23/9/2019 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí, tuy nhiên nồng độ bụi PM2.5 phần lớn vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.
Ngoài những nguyên nhân trên, Bộ TNMT cũng chỉ ra một số tác nhân nguy hại gây ô nhiễm không khí khác, trong đó có thể kể đến:
- Quá trình đô thị hóa và hoạt động kinh tế - xã hội đang diễn ra rất mạnh mẽ ở các đô thị nước ta, trong khi đó hệ thống hạ tầng kỹ thuật môi trường chưa được quan tâm đầu tư xây dựng tương xứng với yêu cầu của quá trình phát triển.
- Số lượng, hoạt động các phương tiện tham gia giao thông quá lớn nhưng chưa kiểm soát được khí thải từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy cá nhân.
- Hoạt động xây dựng tại các khu đô thị như xây dựng đường giao thông, các khu chung cư, khu đô thị mới, sửa chữa nhà, xây dựng công ích (lát vỉa hè, cải tạo sửa chữa đường ống điện nước…).
- Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, đốt chất thải sinh hoạt, sản phẩm phụ nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định tại các khu vực ven đô gây hiện tượng khói mù, thói quen sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt của người dân vùng ven đô.
- Các nguồn thải vận chuyển từ xa đến (ô nhiễm xuyên biên giới) như khói bụi do cháy rừng từ các quốc gia lân cận, bụi mịn do đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp nặng theo gió mùa đông bắc vận chuyển về.