Bình cứu hỏa hay bom để trong xe?
Thông tư này bắt buộc từ 6/1, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ bốn chỗ ngồi trở lên phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy.
Hàng loạt phản ứng tiêu cực từ mọi phía, làm dấy nên sự nghi ngờ của dư luận về việc ban hành những thông tư một cách tuỳ tiện, không qua nghiên cứu hay chấp nhận của cộng đồng, ở đây là Quốc hội đại diện cho tiếng nói người dân.
Cho đến bây giờ vẫn không có bất kỳ quy cách, chuẩn mực, vị trí để của bình chữa lửa ở trong xe hơi. Ảnh: Một tài xế ôtô mua bình chữa cháy để trang bị trên xe tại một cửa hàng bán phụ tùng ôtô trên đường An Dương Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa ( Tuổi Trẻ )
Nhiều giới phản ứng
Trên phương tiện truyền thông, đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo nói thẳng, ông không ủng hộ chủ trương này, nhất là khi nó lại mang tính ép buộc người dân.
“Có vị đã nói rằng nghiên cứu tham khảo ở nước này, nước kia nên mới áp dụng vào Việt Nam. Vậy tôi đặt câu hỏi: số nước có yêu cầu lắp bình chữa cháy trên xe bốn chỗ là bao nhiêu? Có phải là số đông của thế giới không?”
Cho đến bây giờ không có bất kỳ quy cách, chuẩn mực nào cả, loại bình nào, để ở vị trí nào trong xe…? Cuối cùng, theo ông Bảo: “Thông tư không thể đứng trên luật, một việc có ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu gia đình thì phải đưa ra Quốc hội thảo luận, phải xin ý kiến của nhân dân chứ không thể áp đặt”.
Phản đối của ông Bảo hoàn toàn có lý, bởi không lý nào các nhà sản xuất hàng trăm năm kinh nghiệm, tính toán đến cả cái đèn cảnh báo ở cánh cửa – lại không trang bị sẵn một bình cứu hoả trên xe cả.
Kiểm tra phương tiện phòng cháy chữa cháy trên xe khách. Ảnh: Vnexpress
Đặc biệt, phân tích thêm về mặt kỹ thuật, ông Bùi Danh Liên, chủ tịch hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, nhìn nhận: “Mang bình chữa cháy trong xe loại nhỏ có thể tiềm ẩn thêm nguy cơ cháy nổ”.
Muốn lắp đặt bình chữa cháy thì phải thay đổi thiết kế xe. Mua bình chữa cháy để dưới gầm ghế, khi xe chạy xảy ra rung lắc, va đập có thể dẫn đến nổ bình.
“Với xe dưới chín chỗ ngồi, nơi phát hoả thường xảy ra ở động cơ nằm phía trước xe. Khi đã cháy thì rất khó dập tắt vì động cơ và bình xăng được thiết kế kín. Đã bị cháy xe, tốt nhất nên thoát thân thật nhanh vì xe rất dễ phát nổ”, ông Liên bày tỏ kinh nghiệm.
Theo dõi sự phản đối của giới chuyên môn ít nhất là trong năm ngày qua, ông Trần Công Thanh, ngụ quận 3, TPHCM, chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.
“Dân đã quá mệt với những quy định trời ơi của bộ này, ngành kia rồi. Cứ ngỡ ý tưởng bắt xe máy mở đèn ban ngày của cơ quan dân sự (ban An toàn giao thông quốc gia) là vô lý, thì nay còn có thêm một ý tưởng vượt mặt – đó là trang bị bình cứu hoả trong xe ôtô bốn chỗ. Đáng nói, quy định này lại xuất phát từ một cơ quan được cho là rành luật nhất nước. Vậy mới khôi hài”, ông Thanh bày tỏ.
Dân làm bình trúng mánh
Nhân viên cửa hàng bán bình chữa cháy tại TP.HCM lắp đặt bình chữa cháy trên ôtô của khách hàng - Ảnh: Hữu Khoa ( Tuổi Trẻ )
Còn ông Nguyễn Anh Duy, chuyên cho thuê xe du lịch ở phường Tân Quý, quận Tân Phú, thì bực tức: nói thiệt, mở doanh nghiệp kinh doanh cho thuê xe, bình thường đã quá khổ với không ít những quy định mang tính hình thức – nghĩa là chỉ cần “bằng lòng” là được.
Nay còn thêm vụ này thì thiệt là quá oải. Với quy định trên, bản thân ông Duy đã bỏ ra cả hơn chục triệu trang bị cho những xe dưới chín chỗ.
“Tiền bỏ ra cũng tiếc, nhưng tức nhất là bị bọn mua bán bình chữa cháy mini vốn ế thường xuyên thì nay lại ra tay chặt chém vì đắt khách”.
“Nói thiệt, tôi rất nghi vụ này, không chừng mấy cha tư vấn ban hành cái thông tư này có bà con với mấy cha bán thiết bị phòng cháy chữa cháy, chớ tự nhiên đi nghĩ ra chuyện có nằm mơ cũng không ai nghĩ tới để làm gì. Dân khổ mặc dân, còn anh sản xuất, buôn bán bình chữa cháy lại hớn hở vì được vỗ béo nhờ chính sách”, ông Duy hài hước.
Và nếu thông tư 57 vẫn cứ thế làm tới, điều chắc chắn là rồi đây trên các con lộ ở Việt Nam sẽ có thêm một lực lượng “mãi lộ” mới, dù với hiện tại ai cũng đã quá “ngán”.
Theo Tiếp Thị Thế Giới