Biện pháp giúp đảo Hải Nam (Trung Quốc) giảm thiệt hại do siêu bão Yagi
Đặt sinh mạng lên hàng đầu
Yagi là cơn bão nghiêm trọng nhất đổ bộ vào Hải Nam kể từ năm 2014, khi siêu bão Rammasun đổ bộ vào hòn đảo này với cấp độ 5 khiến 88 người thiệt mạng ở các tỉnh Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam.
Bão Yagi làm ít nhất 2 người thiệt mạng và 92 người khác bị thương, cây cối đổ gãy và nhiều thiệt hại khác nhau về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, thiệt hại lần này đã giảm đáng kể. Công tác chuẩn bị, ứng phó bão của Hải Nam, trong đó ưu tiên tính mạng người dân lên trên hết, đã phát huy hiệu quả.
Hải Nam đã nâng mức ứng phó khẩn cấp đối với bão Yagi lên mức cao nhất vào ngày 5/9 trước khi cơn bão đổ bộ. "Siêu bão Yagi đang tiến tới và sẽ tấn công trực tiếp Hải Nam với gió mạnh, mưa lớn. Mưa chưa tới, nhưng đập đã xây xong! Chỉ thị không thay đổi. Kiên quyết đặt nhân dân lên hàng đầu, đặt sinh mạng lên hàng đầu", tờ Hainan Daily viết.
Sơ tán người dân đến nơi an toàn |
Cơ quan phát triển nhà ở Hải Khẩu, thủ phủ của Hải Nam, đã kiểm tra mức độ an toàn phòng chống gió và lũ lụt đối với 188 dự án đang xây dựng. Tại các công trường xây dựng, mọi thiết bị đã ngừng hoạt động trong khi công nhân gia cố cơ sở vật chất. Nông dân địa phương cũng tìm cách bảo vệ cây trồng trước khi bão đổ bộ.
Các công ty, trường học, địa điểm du lịch và giao thông địa phương cùng các hoạt động không thiết yếu tại Hải Khẩu đã bị đình chỉ. Sân bay tại Hải Khẩu cũng đóng cửa cho đến khi hết bão. Chính quyền yêu cầu hủy các chuyến bay và phà, đóng cửa các doanh nghiệp và yêu cầu hơn 10 triệu người dân không ra ngoài.
Trước bão, hơn 410.000 người dân ở Hải Nam đã được đưa đi sơ tán kịp thời. Cán bộ đến từng hộ dân để kiểm tra an toàn, sơ tán người dân đến nơi tập trung. Tại thị trấn Phùng Pha, có tổng 23 điểm tránh trú bão được lập ra để người dân ở các khu vực nguy hiểm đến tránh bão kịp thời trong trưa 5/9. Tại đây, thực phẩm và nước uống, thuốc men được chuẩn bị đầy đủ.
Tại điểm tránh bão của Ủy ban khu dân cư Phố Tiền Khư, thị trấn Phố Tiền, thành phố Văn Xương, bánh quy, mì ăn liền, bánh mì, nước uống và các loại thức ăn đều đã được chuẩn bị, giường đơn được xếp ngăn nắp. Một người dân chia sẻ: "Chúng tôi rất hài lòng. Không chỉ có người chăm sóc mà sự an toàn của chúng tôi cũng được đảm bảo".
Người dân gia cố cửa sổ kính ở Hải Khẩu |
Nguồn cung rau quả được đảm bảo, các đội cấp cứu y tế được lập ra. Hàng nghìn tàu đánh cá cùng với khoảng 70.000 ngư dân đã quay lại cảng Hải Nam và khu vực xung quanh để tránh trú. Người dân gia cố, dán băng keo lên cửa kính và ở yên trong nhà...
Khẩn trương khắc phục sau bão
Tổn thất về cơ sở hạ tầng đường bộ, đường thủy, đường bộ, hàng không dân dụng và các dự án giao thông trên khắp Hải Nam đã lên tới 728 triệu nhân dân tệ (khoảng 102,6 triệu USD). 26 tuyến đường chính quốc gia và tỉnh cùng 103 tuyến đường cao tốc khác, tổng chiều dài hơn 400 km, đã bị hư hại. Các nhà ga và thiết bị hành khách đường thủy đã bị hư hại nghiêm trọng, trong khi các sân bay và các dự án xây dựng cũng bị tổn thất.
Công tác khắc phục hậu quả sau bão được gấp rút tiến hành |
Hơn 400 ngôi nhà đã bị sập và hơn 32.000 ngôi nhà bị hư hại. Hơn 167.800 cây đã bị bật gốc và 56.742 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Trong số 11 nhà máy nước trong khu vực, 8 nhà máy đã buộc phải ngừng hoạt động do thiếu điện.
Ngay sau khi gió và mưa giảm, Hải Nam đã gấp rút tiến hành khắc phục hậu quả của bão trên toàn tỉnh, sớm đưa các hoạt động về trạng thái bình thường. Hơn 2.200 công nhân đã được huy động để khôi phục điện cho hơn 1,5 triệu hộ gia đình bị ảnh hưởng. Việc sửa chữa đường sá cũng đang được tiến hành, với 51 trong số 89 tuyến đường chính bị chặn đã được giải tỏa. Dịch vụ đường sắt cao tốc vòng quanh đảo hoạt động trở lại vào chiều 7/9. Dịch vụ phà ở eo biển Quỳnh Châu hoạt động trở lại vào tối 8/9. Sân bay quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu và sân bay quốc tế Phượng Hoàng Tam Á bắt đầu dần khôi phục các dịch vụ bay.
Tàu thuyền tiếp tục neo đậu, tránh trú an toàn |
Trong khi đó, các đội cứu hộ đang chạy đua để khôi phục lại thông tin liên lạc vì hơn 12.500 trạm gốc đã bị hư hại trên toàn tỉnh, trong đó thành phố Văn Xương chịu thiệt hại nặng nề nhất về cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.
Sau khi cơn bão quét qua, chính quyền đã ban hành cảnh báo lũ lụt khi mực nước ở một số con sông tiếp tục dâng cao.
Hà Nội xuyên đêm khắc phục hậu quả bão số 3 Ngay trong đêm 7/9, khi bão số 3 vừa đi qua, các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai công tác dọn dẹp và khắc phục hậu quả tại nhiều khu vực bị ảnh hưởng, giúp cuộc sống người dân Hà Nội dần ổn định. Công tác khắc phục vẫn đang được đẩy nhanh để bảo đảm an toàn sau bão. |
Dành 20 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ nhân dân Sơn La, Điện Biên ổn định sau mưa lũ Đây là nội dung được nêu trong Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 8/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất tại 2 tỉnh Sơn La, Điện Biên. |