Biển Đông càng căng thẳng, ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối
Sau Mỹ, Nhật Bản lên tiếng phản đối Trung Quốc gia tăng căng thẳng trên Biển Đông Mới đây, cả Mỹ và Nhật Bản đều bày tỏ sự quan ngại về những hành động gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Trong ... |
Mỹ - Trung nguy cơ căng thẳng sau vụ phóng tên lửa ra Biển Đông Vụ Trung Quốc phóng tên lửa ra Biển Đông có thể khiến Mỹ có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, làm tăng ... |
Trung Quốc liên tiếp tập trận gây căng thẳng trên Biển Đông Liên tiếp tổ chức tập trận, Trung Quốc tiếp tục khiến tình hình Biển Đông căng thẳng hơn khi phóng 2 tên lửa Đông Phong ... |
PV: Chỉ trong một thời gian ngắn Mỹ đã thay đổi lập trường về Biển Đông, từ trung lập và chỉ đề cao tự do hàng hải, hàng không, Mỹ đã trực tiếp bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc và mới đây là trừng phạt 24 công ty tham gia bồi đắp các thực thể ở Trường Sa và Hoàng Sa. Theo ông, điều này có tác động như thế nào đến quá trình tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này?
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Những năm gần đây, Trung Quốc đã và đang thực hiện chuỗi các hành động leo thang liên quan đến vấn đề Biển Đông. Mỹ cũng đã thay đổi lập trường về Biển Đông, từ chỗ đề cao tự do hàng hải, hàng không, Mỹ đã trực tiếp bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và ngày 26/8/2020 đã áp lệnh trừng phạt 24 công ty tham gia bồi đắp các thực thể bãi cạn thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và liệt thêm 11 công ty Trung Quốc khác vào diện xem xét tiếp tục.
Tàu cá dân binh Trung Quốc (trái) hùng hổ lao vào giữa đội hình tàu cá vỏ gỗ Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa), tháng 6.2014 Ảnh: MAI THANH HẢI |
Sự thay đổi mạnh mẽ hành vi của Mỹ cũng là để thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do với các lợi ích “kép”, như: tiếp tục củng cố lòng tin với các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, bảo vệ Đài Loan và Hong Kong, tăng cường vai trò và vị thế của Tứ giác “kim cương”, kiềm chế tham vọng và hành động đơn phương, nguy hiểm của Trung Quốc, tìm cách giải quyết vấn đề Triều Tiên,...Trên bình diện rộng hơn, Mỹ tiếp tục phát động cuộc chiến thương mại, cuộc chiến công nghệ và cuộc chiến ngoại giao. Tình hình trên vừa đem đến những cơ hội, vừa có những thách thức lớn đối với các quốc gia trong khu vực và các bên liên quan, và nếu không xử lý tốt có thể sẽ xảy ra nguy cơ xung đột giữa các cường quyền chính trị nước lớn, và các nước nhỏ có quyền và lợi ích trong khu vực biển này không thể “an phận thủ thường”.
PV: Đỉnh điểm căng thẳng là mới đây Trung Quốc bắn 4 quả tên lửa đạn đạo ở Biển Đông. Theo ông mức độ căng thẳng này còn có thể tiếp tục dưới những hình thức nào?
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Trước thái độ và hành vi “khác thường”, mạnh mẽ, khó tiên lượng của Mỹ ở Biển Đông, Trung Quốc ngay lập tức đưa ra các tuyên bố mạnh, thách thức và có những hành động trả đũa Mỹ về nhiều phương diện, kiểu “ăn miếng, trả miếng”.
Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức đưa ra quan điểm về Biển Đông, Trung Quốc tìm cách đối thoại trở lại với các nước ASEAN để cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến khu vực biển này, bao gồm cả việc thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đáng lưu ý, Trung Quốc thừa hiểu COC không phải chỉ trong ngày một ngày hai là thỏa thuận xong nếu nó không được ràng buộc pháp lý và vấn đề đường lưỡi bò chưa được xử lý theo luật pháp quốc tế. Thế nên, việc Trung Quốc kêu gọi các nước thành viên ASEAN cần nối lại các cuộc đàm phán COC với Bắc Kinh, càng sớm càng tốt, có thể là để nhấn mạnh: vấn đề Biển Đông không phải trách nhiệm của Mỹ.
Nhận thức của ASEAN và đặc biệt là nhóm các nước thành viên ASEAN có các quyền và lợi ích trực tiếp ở Biển Đông đã thay đổi cơ bản và họ đã tiến hành “cuộc chiến pháp lý” mới đây với Trung Quốc. Mỹ cũng tham gia, bằng cách gửi công hàm ra Liên hợp quốc thể hiện quan điểm trước sau như một không thừa nhận yêu sách phi lý về đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ tập trận tại Biển Đông. Ảnh: ABC News |
Thậm chí, theo AFP ngày 24/8/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trong một phát biểu đã khẳng định yêu sách chủ quyền "đưuòng lưỡi bò" của Trung Quốc nuốt trọn gần hết Biển Đông là “bịa đặt” và “Cái gọi là quyền lịch sử” đối với những khu vực nằm trong yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc không hề tồn tại, ngoại trừ trong trí tưởng tượng của họ.
Có thể nói, dồn dập bị đòn đau từ phía Mỹ và phản ứng của một số nước trong khu vực, Trung Quốc đã đẩy mạnh các cuộc tập trận kéo dài, cùng lúc và trên diện rộng không chỉ ở Biển Đông, mà còn cả ở biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải và đây là hiện tượng bất thường.
Bên cạnh đó, ngày 26/8/2020, các quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ rằng Trung Quốc đã bắn bốn tên lửa đạn đạo trên khu vực Biển Đông nhằm cảnh báo máy bay do thám Mỹ bay gần khu vực mà Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận hải quân và cảnh báo các nước trong khu vực và ASEAN.
Các chuyên gia quốc tế đánh giá, động thái nói trên của Bắc Kinh, cùng với các hành động do thám, bắt bớ ngư dân trên Biển Đông vẫn tiếp diễn phức tạp đã gây ra nhiều quan ngại và đe dọa an ninh khu vực. Có vẻ Trung Quốc muốn phát đi thông điệp rằng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ theo đuổi những gì mà họ xem là lợi ích cốt lõi. Đặc biệt, càng đến gần ngày bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 2020, Trung Quốc sẽ còn tiến hành nhiều cuộc tập trận để khẳng định “ý chí” của Bắc Kinh trong bối cảnh bị Washington gia tăng áp lực. Không chỉ nhằm vào Mỹ, động thái này của Trung Quốc còn nhằm tăng cường vị thế trong quá trình đàm phán COC với các nước ASEAN. Tình hình Biển Đông và đông Á tiếp tục nóng lên, tăng nguy cơ bất ổn và ngoài dự báo.
Thậm chí, bà Mastro - một chuyên gia về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washinton, còn nhận định rằng không rõ khi nào hai bên đi đến điểm “tắc nghẽn” - một việc gì đó đẩy Trung Quốc tới bờ vực buộc phải thực hiện một số hành động quyết liệt mà Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả bằng vũ lực.
PV: Trong tình thế hiện nay, các nước bị coi là nhỏ hơn trong khu vực cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần làm gì để tránh những va chạm xung đột với nước lớn đồng thời vẫn bảo vệ được chủ quyền của mình?
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Mặc dù Mỹ ủng hộ tuyên bố chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á đối với vùng đặc quyền kinh tế của họ sẽ dẫn tới tác động cân bằng với Trung Quốc, có thể giúp thay đổi yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc cũng như ngăn quân đội Trung Quốc thiết lập vị trí thượng phong ở Biển Đông. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại nhận định rằng, vấn đề chủ quyền đối với các đảo, bãi ngầm ở Biển Đông và cạnh tranh giành quyền thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên trong lòng biển, đặc biệt dầu khí sẽ không giải quyết được. Vì không nước nào sẽ chịu rút lại các tuyên bố chủ quyền của mình.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi |
Theo GS Thayer (Úc), trước đây Mỹ chống Trung Quốc về các chính sách thương mại, sự can thiệp vào vấn đề nội bộ Hong Kong, cách xử lý đại dịch COVID-19. Giờ đây, Mỹ chống Trung Quốc cả về việc nước này bắt nạt, hăm dọa các quốc gia ven Biển Đông, đặc biệt là đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của họ. Chính quyền Trump cũng đã tăng cường sự hiện diện hải quân và không quân tại Biển Đông thông qua việc gia tăng các cuộc tuần tra tự do hàng hải, hàng không và tập trận ở Biển Đông với các đối tác khu vực và đồng minh trong năm 2020.
GS Thayer cũng nhận định rằng, “tuyên bố ngày 13/7/2020 của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo được thiết kế để tạo lý do pháp lý cho các hành động của Mỹ và để căn chỉnh cho Mỹ gần hơn với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia. Nên các quốc gia ven biển này sẽ phải xác định mức độ hợp tác với Mỹ để đẩy lùi các đội tàu cá, dân quân biển và hải cảnh Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Tuy một số nước có thể lo ngại rằng việc sát cánh với Mỹ sẽ dẫn tới việc Trung Quốc gây sức ép với họ”.
Rõ ràng, bối cảnh hiện nay đòi hỏi các nước nhỏtrong khu vực Biển Đông phải điều chỉnh linh hoạt hàng loạt vấn đề trong nước và tăng cường đoàn kết nội khối ASEAN, và liên kết với các nước khác có cùng “cảnh ngộ” để tránh đối đầu, đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và an ninh khu vực, trong khi vẫn bảo vệ được các quyền và lợi ích của quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế. Bảo đảm phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông phải được tôn trọng, tuân thủ và thực hiện.
Các quốc gia trong khu vực phải được hưởng các quyền và lợi ích đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, và các quyền tự do khác ở các vùng biển quốc tế phù hợp quy định của UNCLOS-1982. Nên tăng cường liên kết tiểu vùng ASEAN đối với các nước thành viên có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông, như: Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei.
Về truyền thống, Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và ASEAN, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, giàu lòng nhân ái, khiêm nhường, tôn trọng tình hữu nghị, đoàn kết và dũng cảm, biết xả thân vì tổ quốc; kiên định đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình và kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia trên Biển Đông, bên cạnh tôn trọng các quyền và lợi ích của quốc gia khác phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS-1982; Việt Nam từ lịch sử 4000 năm qua đã chứng minh sẽ làm tất cả, kể cả phải hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là sự tự vệ chính đáng theo đúng tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc.
PV: Xin cảm ơn ông!
Từ “Giấc mơ Trung Hoa” đến “Đường lưỡi bò” phi lý trên Biển Đông, dù vô tình hay cố ý, Trung Quốc đã công khai bộc lộ ý đồ cạnh tranh vị trí siêu cường với Mỹ, dù Ngoại trưởng Vương Nghị mới đây (8/2020) tuyên bố nước này không định thế ngôi siêu cường của Mỹ. Trên thực tế, Trung Quốc mập mờ tham vọng làm bá chủ thế giới vào giữa thế kỷ 21 bằng cách đơn phương tuyên bố và triển khai nhiều kịch bản định sẵn bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế. Ở Biển Đông, việc công bố pháp lý Đường lưỡi bò (còn gọi là “Đường chín đoạn”) ra Liên hợp quốc vào năm 2009 và yêu sách sai trái về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với không gian đường lưỡi bò đồng nghĩa Bắc Kinh không thừa nhận trong Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia (ngoài 200 hải lý) mà Luật biển Việt Nam (2012) gọi là vùng biển quốc tế. Việc làm này của Bắc Kinh, tự nó, đã chạm không chỉ vào lợi ích của các quốc gia trong khu vực Biển Đông, mà còn vào lợi ích Mỹ và các nước ngoài khu vực, bao gồm các đồng minh của Mỹ, trước hết là các lợi ích liên quan tới quyền tự do hàng hải và hàng không qua và trên Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS-1982). Đối với Mỹ, nếu vì lý do nào đó không can dự vào được Biển Đông, Mỹ sẽ mất toàn bộ vai trò ở Đông Á, và hàng năm mất khoảng 1/5 tổng lợi nhuận do hoạt động của tuyến hàng hải Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đi qua Biển Đông mang lại. Từ năm 2017, Mỹ đã công bố sáng kiến Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, và Biển Đông được xem như một “nút giao” đặc biệt quan trọng để triển khai chiến lược này. Trong khi, Trung Quốc cũng theo đuổi sáng kiến Chiến lược “Vành đai, con đường” với “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” cắt qua Biển Đông. |
Quan chức Đông Á kêu gọi ASEAN và Trung Quốc kiềm chế căng thẳng ở Biển Đông Quan chức Mỹ, Nga, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản... kêu gọi ASEAN và Trung Quốc kiềm chế căng thẳng ở Biển Đông, giải quyết tranh ... |
Hội hữu nghị Bỉ-Việt phản đối các hành động gây căng thẳng ở Biển Đông Hội hữu nghị Bỉ-Việt ủng hộ nhân dân Việt Nam, kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép nhằm chấm dứt các hành ... |