Bí mật đằng sau hiện tượng thanh niên Hàn Quốc sẵn sàng tự tử vì điểm thấp, thua kém bạn bè về công việc, nhà cửa
Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới. Thậm chí quốc gia này còn được đặt biệt danh là "nước Cộng hòa tự sát" khi tỷ lệ tự tử ở tầng lớp thanh thiếu niên đứng đầu toàn cầu còn tự sát ở người cao tuổi cao gấp 5 lần các nước phát triển khác.
Tại sao người Hàn lại tự tử nhiều như vậy?
Rất nhiều lời giải thích đã được đưa ra, từ áp lực cạnh tranh, xã hội khắc nghiệt, người già neo đơn… cho đến việc trầm cảm của những đứa trẻ trong học tập.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên xét về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, đa phần người Hàn đều không tin có kiếp sau cũng như không có cảm giác tội lỗi quá nặng nề khi quyết định tự tử so với nhiều nền văn hóa khác. Người Hàn Quốc coi chuyện tự tử là một hành vi cho bản thân hơn là một vụ giết người. Điều này khá khác so với những tôn giáo độc thần, vốn coi việc tự tử là điều xúc phạm đấng tối cao khi ngài ban cho con người sự sống.
Tại các nước đạo Hồi, người ta tự tử vì lý do chính trị hay tài chính chứ chẳng mấy ai tự kết liễu đời mình vì điểm kém như ở Hàn. Thậm chí dù theo tư tưởng Nho giáo, việc tự tử là hành động bất hiếu, nhưng ở Hàn mọi người giờ đây đã nghĩ rất khác.
Trớ trêu thay, việc từng theo Nho giáo lại khiến nhiều người Hàn Quốc ngày nay không tin có kiếp sau và để kết thúc đau khổ thì cái chết là một biện pháp.
Nghe đến đây có thể mọi người thấy khá bất bình thường, nhưng nếu lội ngược dòng lịch sử, chúng ta sẽ thấy người Hàn có quan điểm rất khác về cái chết.
Giác ngộ về cái chết
Theo Giáo sư Choi Joon Sik của trường đại học Ewha, người Hàn là một trong những dân tộc trọng vật chất nhất trên thế giới. Tại các nước tiên tiến, khi tầng lớp trung lưu đã bắt đầu coi trọng các giá trị về tinh thần thì tại Hàn, những người trung lưu vẫn quẩn quanh với nhà rộng bao nhiêu, xe bao nhiêu tiền, làm công việc gì…
Mải chạy theo những giá trị vật chất, người Hàn hầu như không còn tâm trí để chiêm nghiệm về cuộc sống, về cái chết. Mình là ai? Mình nên sống như thế nào? Ý nghĩa cuộc sống là gì?
Chính bởi vậy mà phần lớn người Hàn đều không suy nghĩ nhiều về cái chết, kiếp sau hay những quan niệm vốn rất phổ biến trong nhiều nền văn hóa khác. Tất nhiên có một số người Hàn cũng chuẩn bị việc hậu sự theo cách riêng của họ nhưng phần lớn người dân nơi đây lại khá thờ ơ. Điều này khác biệt rất lớn so với Trung Quốc khi nhiều vùng quê của nước này, người già thậm chí đã chuẩn bị hết xong quan tài, nơi án táng…
Chính sự giác ngộ nặng về thế giới vật chất khiến nhiều người Hàn bị sốc hay không biết làm thế nào đối mặt với sự mất mát của người thân hay bạn bè. Ngay cả những người bị bệnh hiểm nghèo tại Hàn cũng thường lựa chọn bám víu vào thuốc thang, máy móc chứ rất ít người quyết định sống thật vui vẻ, hạnh phúc cho những ngày cuối đời. Nói cách khác, họ níu kéo chặt lấy cuộc sống, bất kể là sống theo cách nào.
Ảnh minh họa
Hàn Quốc là một trong số chịu ảnh hưởng của Nho giáo, một tư tưởng không có khái niệm niết bàn hay kiếp sau. Bởi vậy khi một người chết đi nghĩa là chấm hết và người con trai mang họ của gia đình sẽ phải lo ma chay, cúng bái. Đây là một trong những lý do khiến quan niệm "trọng nam khinh nữ" khá nặng ở Hàn Quốc.
Theo Nho giáo, việc cúng bái người đã mất không có nghĩa là linh hồn của họ sẽ trường tồn mãi mãi mà là người chết sẽ mãi mãi nằm trong tâm trí người ở lại.
Mặc dù vậy nhiều học giả đã phản biện việc người Hàn vẫn bày biện cúng tổ tiên, một minh chứng cho việc tin vào linh hồn. Tuy nhiên giáo sư Choi cho rằng người Hàn chỉ chú trọng vào cuộc sống vật chất hiện tại nên họ cứ làm theo truyền thống mà chẳng quan tâm lý giải chúng làm gì.
Đến đây câu chuyện đã khá rõ ràng. Nếu người Hàn có niềm tin giống các tín đồ độc thần khác hoặc có niềm tin về kiếp sau, địa ngục, đầu thai… có lẽ họ sẽ sợ hãi mà sống tiếp trong đau khổ. Tuy nhiên hệ tư tưởng của người Hàn đã được hình thành từ vài trăm năm, từ việc không tin có kiếp sau cho đến cuộc cải cách kinh tế chú trọng vào đời sống vật chất đã khiến quan niệm về cái chết khác khá nhiều nước trong khu vực.
Ảnh minh họa
*Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn "Người Hàn Quốc là ai" của Kim Moon Jo, dịch giả Phạm Quỳnh Giang
AB