Bị giám sát, ông lớn Vietcombank hết “chiêu trò” tăng thu phí nhằm tận thu khách hàng
Vietcombank là ngân hàng chăm chỉ thu phí từ khách hàng nhiều bậc nhất trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
Tăng hàng loạt các loại phí!
Tước đó, cả 4 ngân hàng này đều muốn tăng phí dịch vụ rút tiền nội mạng tại ATM trong thời gian tới.
Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank thông báo sẽ bắt đầu áp dụng mức phí rút tiền nội mạng ATM mới từ ngày 12/5, từ 1.100 đồng/giao dịch lên 1.650 đồng/giao dịch.
Tiếp đến, hai ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV cùng với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank cũng thông báo thay đổi phí một số dịch vụ thẻ áp dụng từ ngày 12/5, riêng mức phí rút tiền nội mạng mới được lùi lại tới 15/7.
Sau cùng là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank cũng cho biết kế hoạch tăng mức phí rút tiền nội mạng từ 1.100 đồng/giao dịch lên 1.650 đồng/giao dịch từ ngày 15/7.
Ngoài việc thông báo sẽ áp dụng biểu phí rút tiền nội mạng mới, Vietcombank cũng thông báo sẽ áp dụng phí rút tiền ngoại mạng của chủ thẻ tại ngân hàng khác vẫn áp dụng là 3.300 đồng/giao dịch. Phí chuyển khoản khác hệ thống ngân hàng là 5.500 đồng/giao dịch trên máy ATM.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Vietcombank là một trong những ngân hàng Việt chăm chỉ thu phí bậc nhất, khiến không ít khách hàng bày tỏ thái độ không hài lòng, đồng thời muốn rút tiền ở Ngân hàng này để tìm Ngân hàng khác có chất lượng dịch vụ tương tự hoặc tốt hơn để gửi tiền.
Cụ thể, vào đầu tháng 3/2018, Vietcombank đã từng điều chỉnh phí một loạt dịch vụ và chủ yếu nhắm tới các dịch vụ trên di động.
Theo đó, với các dịch vụ ngân hàng điện tử, Vietcombank tăng phí SMS Banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng mỗi tháng (đã bao gồm Thuế Giá trị gia tăng - VAT).
Trong khi đó, khách hàng chuyển tiền trong cùng hệ thống của Vietcombank cũng sẽ phải mất phí. Cụ thể: Nếu khách hàng chuyển tiền qua Internet Banking, phí sẽ thay đổi từ 3.300 đồng thành 2.200 đồng với giao dịch dưới 50 triệu đồng và 5.500 đồng với giao dịch trên 50 triệu đồng.
Nếu chuyển tiền liên ngân hàng, với số tiền dưới 10 triệu đồng, khách hàng sẽ chịu phí 7.700 đồng/giao dịch, còn trên 10 triệu đồng sẽ chịu phí theo tỷ lệ 0,02% tổng số tiền.
Mặt khác, khách hàng cũng không còn được miễn phí khi chuyển khoản trong Vietcombank qua app Mobile Banking, mà sẽ phải mất 2.200 đồng mỗi giao dịch, từ thời điểm ngày 1/3.
Bên cạnh đó, từ ngày 15/4/2018, Vietcombank cũng thực hiện tăng phí dịch vụ chuyển khoản, với mức phí 2.000 đồng – 5.000 đồng/giao dịch nội mạng, mức 7.000 đồng/giao dịch dưới 10 triệu đồng hoặc 0.02% tổng số tiền chuyển với giao dịch trên 10 triệu đồng khi chuyển khoản ngoại mạng.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng tiến hành thu phí dịch vụ chuyển khoản đối với tài khoản trong hệ thống ngân hàng với mức phí 2.000 đồng/giao dịch dưới 50 triệu đồng. Với giao dịch trên 50 triệu đồng, khách hàng sẽ phải chịu mức phí chuyển khoản là 5.000 đồng/giao dịch.
Không dừng lại ở đó, Vietcombank tiếp tục làm cho khách hàng “chóng mặt” khi đưa ra thông tin nâng phí rút tiền nội mạng lên 1.650 đồng/lượt từ ngày 16/5.
Bị "tuýt còi" vì tăng phí thiếu minh bạch
Mặc dù kế hoạch này đã từng bị NHNN chỉ đạo tạm dừng, tuy nhiên, các Ngân hàng này vẫn “bỏ ngoài tai” và tiếp tục làm không khí trở nên căng thẳng khi tiếp tục thông báo sẽ tăng phí rút tiền nội mạng ATM thêm 550 đồng/giao dịch kể từ ngày 15/7 tới.
Và giống như cách đây 2 tháng, sau khi thông tin này vừa được đưa ra thì lập tức vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ khách hàng, khiến NHNN phải vào cuộc, yêu cầu các ngân hàng này tạm dừng kế hoạch, nhằm đảm bảo lợi ích cho khách hàng.
Giải thích về vấn đề này, đại diện NHNN cho biết: “Nguyên tắc nhất quán của NHNN về chuyện tăng phí là quyền tự chủ của các NHTM theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc tăng này phải đảm bảo sự minh bạch thông tin và hài hòa lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ, tạo sự đồng thuận, chia sẻ của người sử dụng dịch vụ, chất lượng dịch vụ”.
Sau khi bị NHNN nhắc nhở, Vietcombank đã tạm dừng kế hoạch tăng phí dịch vụ rút tiền nội mạng ATM từ ngày 15/7. Theo đó, ngân hàng này lập tức phát đi thông điệp khẳng định: “Chúng tôi chưa triển khai cập nhật biểu phí dịch vụ thẻ như đã thông báo ngày 7/7/2018”.
Hết đường tận thu khách hàng?
Thông tư 35 ban hành năm 2012 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3 năm 2013. Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, và sẽ tăng lên 2.000 đồng/giao dịch vào năm 2014 và tăng lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, nếu tính đủ, chi phí mỗi giao dịch rút tiền lên đến 9.000-10.000 đồng/giao dịch, vì hàng loạt chi phí như thuê chỗ đặt máy ATM, đường truyền, bảo trì, điện, tiếp quỹ, hơn nữa phải duy trì số tiền nạp tại các máy ATM. Thực tế, 70-80% chủ thẻ ATM chỉ dùng thẻ... để rút tiền nên NH rất khó thu từ dịch vụ khác, số dư trong tài khoản rất ít, không thể bù đắp được chi phí nên phải tăng phí.
Đến nay, mức trần thu phí ATM mới được một số ngân hàng áp dụng nhưng chỉ với ngoại mạng, còn nội mạng đa số vẫn thu chỉ chưa tới 1/2 mức trần. Do đó, một số ngân hàng thương mại cho rằng, mức thu phí như hiện tại không đủ bù đắp chi phí duy trì ATM cho các ngân hàng vận hành, do nhu cầu sử dụng thẻ ghi nợ chủ yếu của người dân vẫn là rút tiền mặt chứ không phải thanh toán, các ngân hàng vẫn đang phải bù lỗ với dịch vụ này cho các khách hàng của mình.
Tuy nhiên, mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đã có văn bản đề nghị các ngân hàng này cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến mức phí, các lần tăng phí rút tiền qua ATM trong 2 năm qua. Đồng thời, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ để kịp thời có các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm mọi doanh nghiệp trên các lĩnh vực kinh tế, trong đó có lĩnh vực ngân hàng phải tuân thủ Luật Cạnh tranh.
Như vậy, với việc giám sát của cơ quan trên, trước mắt sẽ “dập tắt ý tưởng” tăng phí dịch vụ của các Ngân hàng nói chung và các “chiêu trò” tăng thu phí dịch vụ của Vietcombank nói riêng.
Ánh Phượng
Theo Báo Thời Đại