Bảo vệ quyền con người trong dịch COVID, kinh nghiệm từ Canada, Indonesia
Canada: Ưu tiên bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương
Theo chia sẻ của Tham tán Trần Chí Thành, Phó Trưởng cơ quan đại diện Đại sứ quán Việt Nam, ở Canada, ngay từ sớm, Chính phủ đã xác định việc ngăn ngừa đại dịch COVID-19 là một nghĩa vụ nhân quyền với nhận thức rằng, đại dịch COVID-19 làm tổn hại đến quyền được chăm sóc sức khỏe và cuộc sống theo luật nhân quyền quốc tế và pháp luật trong nước của Canada.
Tại Canada, để hạn chế tối đa các vi phạm quyền con người, mọi biện pháp y tế công cộng hoặc các biện pháp khẩn cấp, được cho là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, nếu dẫn tới những hạn chế đối với việc thụ hưởng quyền con người thì phải có thời hạn cụ thể và phải được xem xét thường xuyên để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. NS. Điều này phù hợp với Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị cũng như luật pháp quốc gia của Canada có liên quan,
Canada cũng ưu tiên bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương. Đảm bảo các nhóm dễ bị tổn thương được tiếp cận công bằng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các biện pháp khác để giải quyết COVID-19, bao gồm hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác. Việc đưa ra quyết định trên cơ sở ý kiến đóng góp từ các nhóm dễ bị tổn thương và các cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Indonesia: Bảo đảm quyền sức khỏe của nhân viên y tế
Tại Indonesia, quyền con người là một trong năm trụ cột tư tưởng chính – tư tưởng Pancasilla (học thuyết nền tảng của Nhà nước Indonesia độc lập-PV). Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, quyền sức khỏe là quyền đầu tiên bị ảnh hưởng, đồng thời cũng là quyền đầu tiên được Chính phủ Indonesia quan tâm đảm bảo cho người dân. Quyền sức khỏe được ghi nhận trong Điều 28 Hiến pháp Indonesia, theo đó, mọi người đều có quyền được chăm sóc y tế.
Chính phủ Indonesia đặc biệt quan tâm đến quyền sức khỏe của nhân viên y tế bởi đây là lực lượng tuyến đầu quyết định sự thành công trong ứng phó với đại dịch COVID-19.
Tại nhiều quốc gia, quyền sức khỏe của nhân viên y tế được đặc biệt quan tâm bởi đây là lực lượng tuyến đầu quyết định sự thành công trong ứng phó với đại dịch COVID-19. |
Chính phủ Indonesia đã ban hành chính sách khuyến khích nhân viên y tế, trợ cấp hàng tháng cho nhân viên y tế tối đa 15 triệu Rupiah cho bác sĩ chuyên khoa, 10 triệu Rupiah cho bác sĩ đa khoa, 7,5 triệu Rupiah cho y tá và 5 triệu Rupiah cho các nhân viên y tế khác. Đồng thời cung cấp chỗ ở và phương tiện đi lại cho các nhân viên y tế khi đi du lịch.
Để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế, Indonesia thành lập các nhóm đồng hành với nhân viên y tế, triển khai chương trình dịch vụ tâm lý xã hội và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, thiết lập các đường dây nóng hướng dẫn sức khỏe tâm thần và h trợ tâm lý xã hội cho các nhân viên y tế. Ngoài ra, nhân viên y tế cũng là nhóm đối tượng được tiếp cận với vắc-xin COVID-19 đầu tiên tại Indonesia từ tháng 01/2021. Đây cũng là nhóm đối tượng duy nhất tại Indonesia, đến nay, đã được tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 3 để tăng cường bảo vệ sức khỏe trước COVID-19.
Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam
Việt Nam và Canada, Indonesia có nhiều khác biệt về chế độ chính trị và hành chính, quy mô dân số và phân bố dân cư, trình độ phát triển và năng lực của hệ thống y tế cũng như nhận thức của người dân về nhu cầu thụ hưởng các quyền con người.
Tuy nhiên theo Tham tán Trần Chí Thành, Phó Trưởng cơ quan đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Canada, dưới góc độ xây dựng và triển khai chính sách và các biện pháp ứng phó với COVID-19, thực tiễn tại Canada cũng đem lại những gợi ý đáng quan tâm đối với Việt Nam.
Công tác tuyên truyền góp phần tạo sự đồng thuận chung, khuyến khích người dân tự giác chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19. |
Nổi bật là việc xây dựng và áp dụng các chính sách, biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 phải dựa trên các bằng chứng khoa học, có sự tham vấn với đại diện các cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp, có thời gian áp dụng cụ thể căn cứ theo diễn biến tình hình thực tế, đồng thời phải thường xuyên được đánh giá để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Việc áp dụng chính sách phải được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên tất cả các địa phương trong cả nước và áp dụng với mọi người dân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, quốc tịch, nơi cư trú, tránh tạo hiện tượng "cát cứ", mỗi địa phương áp dụng theo cách riêng, gây ra sự bất bình đẳng và khó khăn cho người dân.