Báo Trung Quốc bình luận thương vụ mua sắm xe tăng T-90 của Việt Nam
Trang sina đã dẫn lại báo cáo cuối năm 2016 của công ty Uralvagonzavod, trong đó nhấn mạnh chi tiết doanh nghiệp Nga sẽ cung cấp 64 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S và T-90SK cho khách hàng mang mã "704", theo phân loại quốc gia của Nga thì mã "704" được gán cho Việt Nam.
Tờ báo Trung Quốc chú thích thêm, T-90 chính là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ 3 đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90A của Quân đội Nga.
Sina trích phát biểu của các chuyên gia quân sự, nhận định rằng T-90S có nhiều điểm ưu việt khi so sánh với M1 Abrams của Mỹ như trọng lượng nhẹ hơn 10 tấn, độ linh hoạt cao... trong đó đáng kể nhất là chiếc chiến xa này có khả năng phòng tránh đòn tấn công của tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) rất hiệu quả.
Vũ khí chính của T-90S là khẩu pháo nòng trơn 2A46 cỡ 125 mm có hệ thống nạp đạn tự động với cơ số 22 viên đạn sẵn sàng. Ngoài các loại đạn tiêu chuẩn, T-90S còn phóng được tên lửa chống tăng AT-11 Sniper qua nòng để tiêu diệt đối phương từ cự ly xa tới 5.000 m, mục tiêu bao gồm cả xe tăng mang giáp phản ứng nổ lẫn trực thăng bay thấp.
Hệ thống điều khiển hỏa lực của T-90S với kính ngắm ngày - đêm, thiết bị ổn định và kính ngắm ảnh nhiệt giúp nâng cao khả năng hoạt động vào ban đêm và trong tình trạng thời tiết xấu. Lớp phòng vệ cơ bản của T-90 gồm giáp phức hợp composite đi kèm giáp phản ứng nổ.
Bên cạnh đó, hệ thống đối kháng điện tử TShU-1-7 Shtora-1 có tác dụng làm nhiễu quá trình điều khiển đường ngắm bán tự động của hệ thống định hướng lắp trên ATGM, gây nhiễu máy dò laser và thiết bị chỉ thị mục tiêu của kẻ địch thông qua các cảm biến, đèn nhiễu OTShU-1-7 và 12 ống phóng đạn khói ngụy trang.
Xe tăng T-90A biểu diễn khả năng vượt chướng ngại vật.
Tuy vậy sau khi khen hết lời, báo Trung Quốc cũng chê rằng động cơ diesel V-84 công suất 840 mã lực (626 kW) mặc dù đơn giản, tin cậy, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Đông Nam Á nhưng lại thiếu sức mạnh, khiến T-90S chỉ đạt tốc độ tối đa 60 km/h, tầm hoạt động 650 km khi mang bình nhiêu liệu phụ.
(Thông tin trên của Sina có điểm chưa chính xác, đó là động cơ V-84 chỉ được lắp đặt trên xe tăng T-90 đời đầu, còn lại T-90S và T-90A đã dùng động cơ V-92S2 công suất lên tới 950 mã lực).
Ngoài ra Sina còn bình luận thêm, thực tế chiến trường cho thấy kíp lái T-90S không thực sự được đảm bảo về điều kiện làm việc khi khoang xe rất nóng, cần thiết phải bổ sung điều hòa nhiệt độ.
Cuối bài báo, Sina thông tin thêm hiện Nga đang nghiên cứu phát triển loại động cơ thế hệ mới có công suất lên tới 820 kW để nâng cấp các phiên bản T-90.
Phía Ấn Độ đang tỏ ra quan tâm và mong muốn hiện đại hóa xe tăng T-90 của mình bằng "trái tim" này. Trong thực tế, biến thể T-90MS Tagil đang sử dụng động cơ V-92S2F có công suất 1.130 mã lực (831 kW).