Bảo tồn thổ cẩm Gia Rai
Cũng như các dân tộc khác ở dọc Trường Sơn - Tây Nguyên, người Gia Rai dệt tay với bộ kéo sợi và khung dệt thủ công khá đơn giản. Cấu tạo khung dệt của người Gia Rai, gồm 2 đoạn nứa hoặc tre lồ ô suôn, thẳng và chắc, có chiều dài độ khoảng 1,2 m (gọi là khoóng trên và khoóng dưới). Một khoóng được áp vào lòng người dệt, một khoóng được treo cố định vào vách nhà. Trước khi dệt, sợi dọc được giăng thật thẳng và tạo thành một vòng khép kín, sắp xếp thành 2 tầng trên và dưới, giữa được ngăn cách bằng 1 thanh gỗ. Ở xã Buôn Hồ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, thanh gỗ này được người ta thay thế bằng một đoạn tre lồ ô như 2 khoóng trên và dưới. Khi luồn sợi ngang sang để liên kết với các sợi dọc, người ta dùng một thanh gỗ để dập sợi.
Bà Y Byưt ở làng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đang dệt vải
Công việc dệt vải của người Gia Rai thường do phụ nữ đảm nhiệm. Người Gia Rai không tạo hoa văn bằng kỹ thuật in hay thêu mà dệt trực tiếp trong quá trình dệt vải. Trong kỹ thuật dệt, việc phối màu không theo một khuôn mẫu định sẵn, mà tùy thuộc vào khiếu thẩm mỹ của từng người.
Nghệ nhân Rơ Lan Bel, chủ nhiệm câu lạc bộ dệt thổ cẩm xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai kể rằng: ngày xưa, chị được mẹ truyền nghề dệt lúc mới mười tuổi. Lúc bấy giờ bà và mẹ chị thường lấy hình tượng người múa xoang và hình tượng nhà mồ, để dệt hoa văn trên vải, bởi đó là những hình ảnh rất quen thuộc đối với đời sống văn hóa tâm linh của người Gia Rai.
Cũng như hầu hết các dân tộc Tây Nguyên khác, váy của người Gia Rai chỉ là một tấm vải quấn quanh thân dưới người mặc, không cần phải cắt may, chỗ thừa của vải sẽ được giắt bên sườn. Độ dài của váy thường phủ đến mắt cá chân. Đó là điểm khác biệt so với kiểu váy ống may kín của một số dân tộc miền núi phía bắc, như: Tày, Nùng, Thái... Mặc dù đơn giản chỉ là một tấm thổ cẩm quấn quanh người mặc, nhưng chiếc váy của người phụ nữ Gia Rai vẫn tạo được nét đẹp khỏe khoắn, mềm mại và duyên dáng, hòa quyện với vẻ đẹp của tự nhiên của núi rừng Tây Nguyên. Tùy theo thời tiết, sở thích, hoặc nhu cầu giao tiếp, mà phụ nữ Gia Rai có thể mặc loại áo dài tay hoặc ngắn tay, với đường nét hoa văn chủ đạo, được bố trí hài hòa, hợp lý, tạo thành những đường ngang nổi bật trên thân áo. Và, người phụ nữ Gia Rai sẽ nổi bật hơn trong những bộ váy, phù hợp với không khí của ngày lễ hội .
So với phụ nữ, trang phục đàn ông Gia Rai thường đơn giản hơn. Để tiện cho sản xuất và sinh hoạt, họ thường đóng khố và để mình trần. Tuy vậy, cũng có lúc họ mặc áo không tay hoặc áo có tay. Màu sắc chủ đạo trên trang phục Gia Rai vẫn là màu đen hay xanh thẫm, được điểm xuyết bởi những đường trang trí hoa văn màu đỏ, vàng, và màu trắng tự nhiên. Những sắc màu ấy, tạo ra cho họ một nét đẹp rất riêng của người Gia Rai.
Sản phẩm dệt mang ra bầy bán
Đến nay, vì nhiều lý do khác nhau, nghề dệt thủ công truyền thống của người Gia Rai đang ở trong tình trạng dần bị mai một. Vì vậy, những bộ trang phục truyền chủ yếu chỉ còn xuất hiện trong các dịp lễ hội.
Bà Ng Líu, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Biển Hồ, thành phố Plâycu, tỉnh Gia lai cho biết: Hiện ở xã Biển Hồ còn khoảng 50 gia đình tham gia nghề dệt thổ cẩm, tập trung chủ yếu ở làng Phung 1 và làng Phung 2, và họ cũng chỉ ngồi vào khung dệt khi có người đặt hàng.
Hiện giá thành của một bộ váy áo dài tay khoảng 1,4 đến 1,7 triệu đồng, bộ ngắn tay giá khoảng 800.000 đồng. Số tiền ấy không hề nhỏ đối với các chị em Gia Rai, trong khi đó, giá cả của các loại trang phục hiện đại lại rất rẻ và tiện lợi cho cuộc sống lao động, sinh hoạt của chị em.
Bà Y Byưt ở làng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết: Năm 2006, bà đã đứng ra thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Pơ Lang (tên của con gái bà) với hy vọng nghề dệt thổ cẩm của người Gia Rai sẽ được lưu truyền đến các thế hệ mai sau. Con gái của bà, em Hoa Pơ Lang năm nay đang học lớp 10 tại trường nội trú Sa Thầy, cũng đã được mẹ truyền dạy nghề dệt từ mấy năm trước. Mặc dù bà Y Byưt đã tìm đủ mọi cách để duy trì nghề dệt truyền thống của làng, nhưng do khó khăn về đầu ra sản phẩm nên hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Pơ Lang từ chỗ 20 thành viên, nay chỉ còn lại dăm ba người dệt và cũng chỉ dệt cầm chừng vào lúc rảnh rỗi như là một sự níu giữ nghề dệt truyền thống vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
Trang phục truyền thống của dân tộc Gia Rai, cũng như các dân tộc anh em khác trên vùng đất Tây Nguyên, đang là một phần của di sản văn hóa thế giới cần được bảo lưu, gìn giữ. Nên chăng, cần có các dự án khôi phục làng nghề truyền thống, để nhân loại mãi được chiêm ngưỡng những sắc màu thổ cẩm độc đáo, mà sức thu hút của nó cũng không kém gì so với những âm điệu cồng chiêng nhịp nhàng, sôi động, làm say đắm lòng người.
Theo Tin Tức