Bảo tồn Nghi lễ và trò chơi kéo co
Kéo co thường được tổ chức trong các lễ hội cầu mùa, thể hiện mong ước của cư dân nông nghiệp, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống hạnh phúc, sinh sôi, nảy nở. Không chỉ có dân tộc Kinh, mà ở nhiều dân tộc ít người khác ở Việt Nam như dân tộc: Thái, Tày, Nùng, Giáy… cũng có tục trò chơi kéo co dân gian với nhiều hình thức đa dạng, phong phú trong cách chơi.
Trong các lễ hội cổ truyền, trò chơi kéo co thường có trong phần hội, thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ.
Không như nhiều trò chơi khác, kéo co là trò chơi có cách thức tổ chức, đạo cụ và sân chơi đơn giản. Một cuộc thi kéo co có 2 đội, số lượng người đều nhau. 2 đội sẽ nắm vào một sợi dây thừng, ở điểm giữa của dây được đánh dấu bằng một dây lụa đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi nắm chặt 2 tay vào dây, đội nào kéo điểm đánh dấu sang phía mình là đội đó thắng cuộc. Mỗi cuộc thi đấu gồm 3 hiệp, đội nào thắng liên tiếp 2 hiệp thì đội đó giành phần thắng, không cần thi đấu hiệp thứ 3. Mỗi hiệp thường không kéo dài quá 2 phút, nên đòi hỏi các thành viên của các đội chơi phải rất nỗ lực.
Đặc điểm chung của kéo co ở Việt Nam là kéo trên cạn, diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, điểm khác biệt là ở cách kéo. Trò chơi kéo co ở Lào Cai là của cộng đồng người Tày và người Giáy, họ dùng dây song để kéo trong các lễ hội, điển hình là lễ hội Roóng Poọc ở Tả Van (huyện Sa Pa) vào tháng Giêng hằng năm.
Kéo co ở Hà Nội và Vĩnh Phúc là của người Kinh. Người Vĩnh Phúc kéo co ngồi trên hố đào sẵn, dùng sợi dây song xuyên qua cột và kéo đi kéo lại. Cũng là kéo co ngồi, cũng kéo bằng sợi dây nhưng khi kéo, người dân Thạch Bàn (Long Biên) ngồi bệt xuống đất, chứ không ngồi trong hố. Kéo co ở Sóc Sơn (Hà Nội) lại khác, người dân Sóc Sơn dùng cây tre để kéo, còn gọi là kéo mỏ. Có thể nói, tục kéo co ở mỗi nơi tuy có những lối chơi khác nhau, nhưng đều thể hiện sức mạnh, tinh thần đoàn kết, gắn bó tập thể.
Không chỉ có ở Việt Nam, Nghi lễ và Trò chơi kéo co đã được kiểm kê tại các quốc gia thành viên như Hàn Quốc (1969), Campuchia (2013), Philippines (2013) và Việt Nam (2013). Tùy vào mỗi quốc gia, nghi lễ và trò chơi kéo co được tổ chức ở cấp độ toàn quốc hoặc tại các vùng nhất định trong từng nước.
Ở Campuchia, di sản được thực hành thường xuyên bởi các cộng đồng trồng lúa nằm xung quanh Hồ lớn (Great Lake) của Biển Hồ Tonle Sap và khu vực phía bắc Angkor, di sản thế giới được nhiều người biết đến.
Ở Philippin, có các địa phương Hapao Proper, Nungulunan và Baang của Hungduan thực hành kéo co. Ba barangays (cấp hành chính nhỏ của Philippin, tương đương cấp xã, phường) này nằm ở trung tâm của Hungduan và nổi bật với những ruộng bậc thang rộng ngút ngàn, được ngăn bằng các vỉa đá.
Ở Hàn Quốc, hầu hết các thị trấn ở các vùng nông nghiệp đều tổ chức nghi lễ và trò chơi kéo co. Thực hành này đặc biệt phổ biến ở các vùng đồng bằng rộng và bằng phẳng.
Bà Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) cho rằng, để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của kéo co, quan trọng phải giữ cho được yếu tố nghi lễ, niềm tin của di sản, coi đó là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng thay vì nghiêng sang hình thức trò chơi và phổ cập nó như trò chơi. Thứ đến, các cơ quan quản lý nhà nước về di sản không nên đứng ra tổ chức nghi lễ và trò chơi kéo co theo cách có lễ khai mạc, bế mạc, có bài diễn văn, có mời quan khách, mà hãy để cho cộng đồng làm chủ và thực hành di sản một cách tự nhiên như nó vốn có. Nếu có hỗ trợ thì chỉ nên hỗ trợ bằng các biện pháp khách quan, không nên can thiệp trực tiếp.
Nam Yên