Báo động hàng trăm vụ xâm hại trẻ em gây xôn xao nghị trường Quốc hội
Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018 cả nước phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại. Đáng báo động hơn bởi hàng trăm trẻ dưới 6 tuổi cũng trở thành nạn nhân của những vụ xâm hai.
Những con số đáng báo động gây bức xúc
Ngày 5/6, Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung là người tiếp theo đăng đàn để trả lời chất vấn từ đại biểu Quốc hội về những vấn đề cộm cán của ngành trong thời gian vừa qua. Trong đó, vấn đề khiến nhiều người dân cùng cử tri không khỏi quan ngại là tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục đối với trẻ em ngày càng gia tăng một cách đáng báo động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Để phục vụ cho công tác trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã gửi báo cáo đến các vị đại biểu. Theo báo cáo, thống kê 5 tháng đầu năm 2018 toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Cảnh sát cũng đã công bố kết quả khảo sát tại 15 tỉnh, thành phố phía Nam thuộc Đông - Tây Nam bộ và TPHCM từ năm 2014-2016, ghi nhận xấp xỉ 1.000 vụ. Trong đó, 78 nạn nhân là trẻ dưới 10 tuổi, 306 trẻ 10-13 tuổi và 632 nạn nhân từ 13-16 tuổi.
Phần lớn trẻ em bị xâm hại bởi người thân quen
Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%, bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%.
Trong khi đó, theo kết quả công bố của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), có nhiều quan niệm lầm tưởng cho rằng, hiếp dâm là do người lạ gây ra, nhưng từ kết quả nghiên cứu của Cơ quan Phụ nữ LHQ (UN Women) tại Thái Lan và Việt Nam phát hiện ra: Ở Việt Nam 86% nạn nhân cho biết có quen biết với nghi phạm, còn ở Thái Lan tỷ lệ này là 91%.
Ảnh minh họa. Ảnh: Toquoc.vn
Về vấn đè này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Điều khiến xã hội phẫn nộ là, những vụ việc được đưa ra xét xử chiếm tỷ lệ thấp và kẻ phạm tội chịu những bản án quá nhẹ so với tội ác mà chúng gây ra. Ảnh internet
Điều cần bàn tới là hầu hết các vụ trẻ em bị xâm hại tình dục đều do thân nhân của trẻ hoặc người dân tố cáo, lực lượng chức năng chủ động phát hiện bằng các biện pháp nghiệp vụ chỉ chiếm 6% vụ việc. Hơn nữa các án xâm hại tình dục trẻ em không bao giờ bắt được quả tang. Khi vụ việc xảy ra đều chỉ có hung thủ và nạn nhân, khi người thân của các bé phát hiện thường đã qua khá lâu khiến công tác thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, việc nạn nhân còn nhỏ tuổi, bị dư chấn tâm lý mạnh dẫn tới việc cho lời khai không thống nhất, thiếu chính xác, thậm chí khai theo gợi ý của người thân dẫn tới những khó khăn, trở ngại rất lớn trong công tác điều tra.
Một khó khăn khác trong xử lý vụ việc là nhận thức pháp luật có sự khác biệt giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các khái niệm pháp lý về hành vi dâm ô trẻ em còn chưa rõ ràng...
Tuy nhiên, việc xử lý một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em được đánh giá là “chưa được giải quyết kịp thời, chưa thỏa đáng, còn kéo dài dẫn đến bức xúc trong xã hội”.
6 nhóm nguyên nhân đã được ông Đào Ngọc Dung liệt kê, gồm: môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội về công tác trẻ em còn chưa thực sự đầy đủ; công tác chỉ đạo thực hiện ở một số địa phương còn chậm hoặc thực hiện chưa đầy đủ, chưa tương xứng với điều kiện, tiềm lực của địa phương; mặc dù việc bảo vệ trẻ em đã được luật hóa, nhưng thực tế nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm, bố trí ngân sách cho bảo vệ trẻ em...
Nêu nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật để hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến trẻ em.
Trẻ em cần sự quan tâm của gia đình và toàn xã hội Đẩy mạnh công tác liên ngành về thực hiện quyền trẻ em thông qua hoạt động của Ủy ban quốc gia về trẻ em và hướng dẫn địa phương củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em trên cơ sở kiện toàn hệ thống đã có. Xây dựng, phát triển Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và mạng lưới kết nối, đặc biệt là Luật Trẻ em để kịp thời phát hiện sai sót và điều chỉnh những nội dung, hoạt động không phù hợp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em một cách triệt để nhất. Để ngăn chặn tình trạng này cần sự quan tâm đặc biệt của gia đình, nhà trường và toàn xã hội để tạo môi trường tốt nhất, an toàn nhất cho trẻ, Bộ trưởng nhấn mạnh. |
V.H (t/h)