Bạn có biết: Michelin - trọng tài của ngành ẩm thực thế giới thực chất bán… lốp xe ô tô
Từ lốp ô tô tới ẩm thực
Sao Michelin được nhiều người biết đến là danh hiệu đảm bảo chất lượng cho các nhà hàng được đánh giá bởi các chuyên gia ẩm thực hàng đầu thế giới. Vậy nhưng, nguồn gốc của danh hiệu cao quý này lại không phải bắt nguồn từ một nhà hàng lâu đời hay một đầu bếp nổi tiếng như nhiều người vẫn nghĩ. Sao Michelin thực chất được bắt nguồn từ một… chiêu PR xuất sắc của công ty lốp xe Michelin tại Pháp.
Hơn một thế kỷ trước, hãng đã lập ra một catalogue để chấm điểm các nhà hàng và khách sạn trên khắp nước Pháp sau đó phát miễn phí cho khách hàng của mình. Tò mò với những lời quảng cáo hấp dẫn về các địa điểm này, khách hàng của Michelin đã sẵn sàng lái xe tới các nhà hàng đó để thử đồ ăn - một thứ luôn luôn có sức lôi cuốn với mọi người. Và tất nhiên, khách hàng càng lái xe nhiều thì bánh xe lăn cũng nhiều, lốp hỏng nhanh hơn, dẫn đến mục đích cuối cùng là Michelin bán được nhiều lốp xe hơn.
Trong lĩnh vực “chính thức” của mình, Michelin cũng là một tên tuổi khổng lồ. Dưới sự sáng lập của hai anh em Édouard và André Michelin vào năm 1889, công ty của Pháp này đã trở thành một trong những tập đoàn sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới ngày nay. Doanh thu của hãng ước tính đạt đến con số hàng chục tỷ euro mỗi năm.
Việc đánh giá nhà hàng Michelin đến nay vẫn không hề mang lại lợi nhuận trực tiếp cho tập đoàn Michelin nhưng nó là một công cụ xây dựng, quảng bá tên tuổi vô cùng đặc biệt, mang lại hào quang thương hiệu cho một sản phẩm không quá quyến rũ như lốp xe. Có lẽ những người sáng tạo ra ý tưởng marketing này ban đầu cũng không thể lường được sự phát triển bất ngờ của The Michelin Guide đã trở thành “kinh thánh” của tín đồ ẩm thực khắp thế giới cho đến hàng trăm năm sau như thế.
Bên cạnh sản xuất lốp xe, công ty này còn… đánh giá các nhà hàng
Sao Michelin được trao như thế nào?
Việc trao sao Michelin tuân theo những nguyên tắc chặt chẽ về chất lượng món ăn, kỹ thuật chế biến, phong cách ẩm thực… Cuốn cẩm nang The Michelin Guide ra mắt lần đầu năm 1900 định nghĩa một sao có nghĩa là “nhà hàng tốt”, hai sao là “công thức nấu ăn tốt và phá cách” và ba sao là đạt chuẩn “chất lượng hoàn hảo tuyệt vời”.
Việc được trao sao Michelin thực sự là vinh hạnh gần như cao nhất đối với các nhà hàng vì chúng đem lại tiếng tăm, uy tín và kéo theo lượng khách hàng cực lớn. Thế nhưng người ta cũng từng ghi nhận có một số nhà hàng đã phải “xin” Michelin tước bỏ sao của mình vì chúng khiến khách hàng quá trông đợi vào chất lượng món ăn làm cho những đầu bếp bị áp lực nặng nề. Vậy mới thấy “sức mạnh” kinh khủng mà sao Michelin đem lại là như thế nào!
Quy trình để đánh giá một nhà hàng có xứng đáng nhận được sao Michelin không cũng rất thú vị. Nhân viên đánh giá làm việc cho Michelin cũng phải “ẩn mình” tương tự như các FBI, thậm chí những người thân thiết cũng không biết công việc của họ. Lý do là vì các nhân viên này tuyệt đối không được phép để cho nhà hàng mình đến thử biết họ đang được người của Michelin đang kiểm tra chất lượng món ăn, để có thể được phục vụ và đánh giá một cách khách quan nhất.
Hiển nhiên, làm nhân viên đánh giá ẩm thực cho Michelin hoàn toàn không phải “việc nhẹ lương cao” chỉ việc đi ăn ngon miễn phí và chấm điểm. Để nhận được công việc này họ phải là những người cực kỳ hiểu biết về ẩm thực, có vị giác tinh tế, sành ăn hàng đầu.
Gọi là "sao" nhưng hình ảnh thực tế của Michelin trông giống…bông hoa hơn
"Nam thần" của chương trình Masterchef Mỹ, đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsay là chủ của các nhà hàng có tổng cộng 14 sao Michelin. Trước đây con số này là 15, và khi bị mất một sao Gordon chia sẻ không khác gì mất người yêu – và có khi còn đau khổ hơn thế!
Trường hợp những doanh nghiệp “trái khoáy” như Michelin - vừa là công ty lốp xe vừa là danh hiệu ẩm thực uy tín thế giới quả thực không có nhiều. Thế nhưng, dù sao “trên đời này chuyện quái gì cũng xảy ra được” mà!
Linh Chi Spiderum