Bài học về trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời - Ảnh: TL
Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Báo điện tử VOV tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Cách mạng Tháng Tám và bài học về trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh” vào 14h chiều 1/9 tại Hà Nội.
Các vị khách mời tham gia chương trình gồm: PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ông Lê Quang Thưởng - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi con người là yếu tố quyết định
Thưa PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, theo ông, vai trò của cá nhân, của nhân tố con người trong thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là gì?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 là cuộc cách mạng điển hình về giải phóng dân tộc trong thế kỷ 20.
Cuộc Cách mạng ấy đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị từ 1930, thậm chí, nếu nói về chuẩn bị con người thì phải từ 1920 khi Nguyễn Ái Quốc mở những lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Sau này, trong cao trào cách mạng giải phóng dân tộc trực tiếp từ 1939-1945, Bác Hồ đã hết sức quan tâm đến nhân tố con người, đào tạo cán bộ trực tiếp cho cuộc Cách mạng.
Sự chuẩn bị cán bộ trước hết nói từ cấp Trung ương. Từ khi Bác Hồ về nước vào đầu năm 1941, Hội nghị Trung ương 8 đã quy tụ những đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta lúc đó, trải qua thử thách của nhiều cao trào cách mạng trước để hình lên đội ngũ lãnh đạo trung kiên của Đảng, của dân tộc.
Đến khi trực tiếp nổ ra cuộc Cách mạng Tháng 8, ở cấp Trung ương, chúng ta đã có những nhà lãnh đạo lỗi lạc, cùng với Hồ Chí Minh như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt… và nhiều đồng chí khác ở cấp chiến lược.
Cho đến quyết định khởi nghĩa Tháng 8, ban lãnh đạo tối cao có vai trò quyết định trong việc phát động phong trào cũng như dự báo tình hình và trực tiếp chỉ đạo cụ thể. Đặc biệt là sau Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào vào 14-15/8/1945.
Khi nói đến nhân tố con người, ngoài cấp chiến lược – cấp Trung ương thì phải nói đến những người lãnh đạo cụ thể ở các cấp xứ ủy, tỉnh ủy, thành ủy. Ở đây, trong giờ phút kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 này, chúng ta biết rằng, lịch sử là do nhân dân làm ra, nhưng cũng có vai trò của con người cụ thể.
Tôi ví dụ như thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19/8 không thể tách rời vai trò của Nguyễn Khang, Trần Tử Bình, Nguyễn Huy Khôi, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Quyết… Những đồng chí này có vai trò quyết định để khởi nghĩa thắng lợi.
Còn ở miền Trung, ngoài vai trò của xứ ủy Trung kỳ thì đồng chí Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh đã trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Huế và các tỉnh miền Trung.
Ở Nam kỳ, phải nói tới vai trò của Bí thư xứ ủy Trần Văn Giàu, ông là một nhà khoa học và một nhà lãnh đạo lỗi lạc, được đào tạo khá bài bản.
Vùng nông thôn thì phải nói đến lãnh đạo của các đồng chí Dân Tôn Tử, Nguyễn Thị Thập…
Nếu nhìn xuống tận các tỉnh, thành phố thì chúng tôi – với tư cách những người nghiên cứu lịch sử thì thấy có nhiều cá nhân rất xuất sắc, chịu trách nhiệm trước đất nước, dân tộc và chịu trách nhiệm trước Đảng. Họ đã có những quyết đoán trước khi nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương.
Khi nói tới vai trò của các cá nhân trong Cách mạng Tháng 8, tôi có thể khái quát như vậy...
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trên cương vị là Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một văn bản với tiêu đề “Tìm người tài đức”. Các vị khách mời đánh giá như thế nào về văn bản này của Bác?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Trước khi nói về văn bản “Tìm người tài đức” của Bác Hồ, tôi phải nói tới cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 và sự ra đời của Chính phủ lâm thời. Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào có 15 người là thành viên của Ủy ban Giải phóng Dân tộc, khi về đến Hà Nội thì cải tổ thành Chính phủ lâm thời.
Điều mà có lẽ nhiều người chưa biết đến, đó là có những đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo mặt trận Việt Minh lúc đó đã tự rút lui khỏi danh sách Chính phủ lâm thời để nhường chỗ cho những nhà trí thức, nhân sĩ tham gia. Có thể kể đến đồng chí Trường Chinh (Tổng Bí thư), Nguyễn Lương Bằng (lãnh đạo của Tổng bộ Việt Minh), đồng chí Nguyễn Chí Thanh.
Cho đến khi công bố danh sách Chính phủ lâm thời ngày 28/8/1945, trong 15 thành viên thì các nhân sĩ yêu nước chiếm khoảng 2/3. Trong giờ phút này, chúng ta nên nhắc lại 9 người tri thức, nhân sĩ được tham gia Chính phủ lâm thời với tất cả nhiệt huyết của mình là: Dương Đức Hiền, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Trọng Khánh, Đào Trọng Kim, Phạm Ngọc Thạch, Vũ Đình Hòa, Huy Cận, Nguyễn Văn Xuân.
Sau này, Chính phủ lâm thời qua nhiều lần cải tổ nhưng những người này vẫn tại vị và bổ sung thêm một số người khác. Đến khi lập Chính phủ chính thức sau bầu cử Quốc hội vào 2/3/1946, các vị nhân sĩ trí thức vẫn tích cực tham gia.
PGS.TS Đinh Xuân Thảo: Văn bản của Đảng ban hành ở thời điểm này về việc tìm người tài đức thực chất đã có từ rất sớm. Đảng và Bác Hồ đã quan tâm đến nhân tố con người và coi rằng đây là yếu tố quyết định, nên đã đề ra chủ trương lựa chọn người có đức, có tài để tham gia bộ máy Nhà nước trong lúc chính quyền còn non trẻ.
Từ chủ trương đó, Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn đúng và đặt đúng nhân sự vào từng cương vị, vị trí cụ thể như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đã nêu. Những người đó đảm đương chức vụ kéo dài trong nhiều năm.
Bác Hồ đã rất quyết đoán trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ. Việc lựa chọn, sử dụng người của Bác Hồ có tầm chiến lược lâu dài và sắc sảo.
Phải nói là, văn bản này thể hiện việc coi trọng con người vừa có đức, vừa có tài. Như Bác từng nói: “Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Nhưng ngược lại, có tài mà không có đức thì vô dụng”. Bác kết hợp hài hòa cả hai nhân tố đó trong việc lựa chọn người ngay từ những ngày đầu cách mạng thành công và xây dựng chính quyền cách mạng còn non trẻ...
Trong giai đoạn đầu thành lập nước, mặc dù chính quyền vừa được thành lập còn rất non trẻ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh dám dùng cả những quan chức cấp cao của Triều đình Huế, của Chính phủ Trần Trọng Kim như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe; các chức sắc tôn giáo như Phạm Bá Trực, Cao Triệu Phát; các thủ lĩnh dân tộc như Vi Văn Định, “vua Mèo”… Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng kiên trì hai lần gửi điện mời nhà nho yêu nước Huỳnh Thúc Kháng từ Huế ra Hà Nội làm Bộ trưởng Nội vụ. Tại sao Bác lại có lòng tin với nhân tài và làm được như vậy?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Bác Hồ là người mạnh dạn trong sử dụng cán bộ, sử dụng nhân tài, việc này cũng là kế thừa truyền thống dân tộc. Dân tộc ta hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước có truyền thống coi hiền tài là nguyên khí quốc gia, như vua Quang Trung sau này cũng đã nói: Dựng nước thì lấy việc học làm đầu. Cho nên những người có học vấn, có trình độ cao, được Bác Hồ rất chú trọng.
Trong những năm 1945-1946, sau khi tuyên bố độc lập, Bác có 2 bài đăng trên báo Cứu Quốc đó là bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng ngày 14/11/1945, và đến 20/11/1946, Bác tiếp tục có bài “Tìm người tài đức”. Hai bài báo đó tuy ngắn, nhưng chứa đựng những nội dung rất quan trọng trong việc đánh giá con người, đánh giá nhân tài.
Chúng ta cũng thấy hiếm có cuộc cách mạng nào như cuộc Cách mạng Tháng Tám sử dụng nhiều nhân tài, kể cả lúc giành chính quyền và sau khi lập chính quyền. Sau khi lập chính quyền còn tiếp tục mở rộng thành phần trí thức và các lực lượng tích cực tham gia vào sự nghiệp kiến thiết đất nước. Và cũng hiếm có cuộc cách mạng nào mời cả Vua làm cố vấn tối cao như mời Vua Bảo Đại.
Sau khi viết bài “Nhân tài và kiến quốc”, chúng ta mới mở rộng thành phần Chính phủ ngày 1/1/1946. Khi mở rộng thành phần, Bác đã viết thư mời cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Huỳnh Thúc Kháng sau khi biết đích xác Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc thì đã nhận lời.
Khi ra Hà Nội, có một chi tiết là cụ Huỳnh Thúc Kháng đã gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp trước và đồng chí Võ Nguyên Giáp nói tinh thần của Bác là mời cụ tham gia Chính phủ. Cuối cùng, cụ đã gặp Bác Hồ trong 1 tiếng đồng hồ và nhận lời tham gia Chính phủ, làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đến khi Bác sang Pháp thì giao cho cụ quyền Chủ tịch Chính phủ.
Có thể nói, những nhân vật như cụ Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của việc sử dụng những con người tâm huyết, vì cụ Huỳnh là một trong những nhà yêu nước nổi tiếng.
Ngoài ra, cũng phải lưu ý là khi mở rộng thành phần Chính phủ, kể cả Chính phủ chính thức sau ngày 2 tháng 3 thì những nhân vật của chính quyền cũ được tham gia rất nhiều. Như 3 nhân vật Bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh vốn là Bộ trưởng Bộ Thanh Niên (trong Chính phủ Trần Trọng Kim), Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Đình Thảo.
Hay như quan khâm sai đại thần Phan Kế Toại, sau này cụ cũng tham gia Chính phủ và đi với Chính phủ đến cùng, sau này cụ làm Phó Thủ tướng, và có lẽ cụ là Phó Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhìn lại tất cả những nhân vật, chúng ta thấy tinh thần nổi bật ở Hồ Chí Minh là bất kỳ người nào dù xuất thân ở tầng lớp, vị trí trong chế độ cũ như thế nào nhưng thật sự yêu nước, mang hết tài đức để đóng góp cho sự phát triển, bảo vệ và xây dựng đất nước thì Bác Hồ đều mời hợp tác một cách chân thành chứ không hề có ý là sách lược, sử dụng tạm thời.
Ông Lê Quang Thưởng: Bác Hồ đã để lại bài học lớn về sử dụng nhân tài, sử dụng con người. Tại sao Bác lại làm được điều đó? Điều đó xuất phát từ mục tiêu cách mạng thời đại, quan trọng nhất, tập trung nhất là giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc. Khẩu hiệu giành độc lập dân tộc đã tập hợp được quảng đại quần chúng kể cả các tầng lớp trên, kể cả những người tham gia guồng máy cai trị của chế độ thực dân.
Cụ thể, những con người mà Bác đã lựa chọn và tiến cử vào bộ máy lãnh đạo của Trung ương thì đối với những quan lại cũ thì đó là những người làm việc liêm khiết, không để lại tai tiếng đối với nhân dân. Nhân dân biết điều đó, thông tin đến Bác để Bác có cơ sở tiến cử và đưa họ lên những vị trí lãnh đạo cũng như sử dụng họ.
Còn những nhân vật tôn giáo, đại diện cho các dân tộc đó cũng là những người yêu nước, rất xứng đáng để giao cho họ những trọng trách trong Chính phủ mới...
Có lẽ chúng ta cũng nói thêm một chút về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ một thầy giáo dạy Sử, ông đã được Bác Hồ trọng dụng và sau trở thành Vị Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam?
PGS-TSKH Nguyễn Trọng Phúc: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người yêu nước nhiệt thành và ngay từ thời trẻ đã sớm đi vào con đường hoạt động cách mạng. Năm 1927, đồng chí đã tham gia vào tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng - 1 trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và được tiếp cận với những tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.
Với những giác ngộ cách mạng như vậy, vào đầu những năm 30, đồng chí trở thành người giác ngộ theo lý tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lenin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc. Sau này khi ra Hà Nội, đồng chí vừa hoạt động công khai, vừa dạy học nhưng bí mật lại là hoạt động cho Đảng.
Mùa xuân Canh Thìn, sau ngày Tết, Võ Nguyên Giáp cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc để liên lạc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Nguyễn Ái Quốc với Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp ở Côn Minh là bước ngoặt trong nhận thức của Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng và gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc.
Sau khi Bác Hồ trở về nước ngày 28/1/1941, đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp cũng trở về theo sự chỉ đạo của Bác, lúc đó, nước Pháp đang rơi vào tay phát xít Đức nên Bác nói đây là cơ hội tốt để chúng ta trở về giành độc lập.
Lúc đó, lẽ ra đồng chí Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được Bác cử đi học ở Diên An, sau đó ở Liên Xô nhưng phải hoãn việc đi học để trở về nước. Từ đó, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc. Từ năm 1941 cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Võ Nguyên Giáp luôn là người học trò tin cậy, gần gũi nhất của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Đến khi Cuộc cách mạng tháng Tám nổ ra, cũng là lúc Bác Hồ đặt tất cả sự tin cậy vào người học trò của mình, không những về phẩm chất chính trị, phẩm chất của người cộng sản mà ở các tinh thần yêu nước, tiêu biểu cho một lực lượng trí thức cách mạng lúc đó. Bác Hồ đã chính thức giao cho Võ Nguyên Giáp việc xây dựng lực lượng vũ trang, lãnh đạo Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Ở giờ phút tháng 8/1945, tôi muốn nhấn mạnh thêm về lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Võ Nguyên Giáp ở căn cứ địa Tân Trào: “Lúc này thời cơ ngàn năm có một, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Lúc đó, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng đã ngồi để thảo luận tình hình trong nước và quốc tế.
Trong nước, cao trào cách mạng phát triển tới đỉnh cao, tổ chức Đảng sẵn sàng đưa quần chúng vào nhiệm vụ cách mạng. Tình hình quốc tế dồn dập sau thất bại của Đức, Hội nghị Potsdam tháng 7/1945, trước đó là Hội nghị Tehran năm 1943, rồi Hội nghị San Francisco…, phân tích tình hình trong nước và quốc tế để đi đến quyết định.
Lúc đó, Bác đã để ý tới 2 nguy cơ lớn, thời cơ có thể đã xuất hiện giành được thắng lợi nhưng phải nhanh chóng để đẩy lùi 2 nguy cơ lớn, Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh đã thống nhất được nhận thức về 2 nguy cơ này và ghi vào Nghị quyết của Hội nghị Đảng toàn quốc họp tại Tân Trào.
Nguy cơ thứ nhất là Pháp lợi dụng Nhật thất bại có thể quay lại áp đặt chế độ cai trị như trước ngày 9/3 - ngày Nhật đảo chính Pháp. Đấy là nguy cơ lớn nhất, và sau này Pháp quyết tâm làm việc đó, xâm chiếm Nam bộ sau ngày độc lập. Nguy cơ thứ hai, là quân Anh và Quốc dân đảng Trung Hoa kéo vào để giải giáp theo Hội nghị Potsdam, từ Đà Nẵng trở vào là quân Anh, từ Đà Nẵng trở ra là quân Tàu Tưởng Giới Thạch, những thế lực này cũng có mưu đồ rất lớn.
Như trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc có nêu rõ họ có mưu đồ xâm chiếm nước ta, nếu chúng ta không giành chính quyền nhanh, với tư cách người chủ đất nước độc lập tiếp quân đồng minh, nguy cơ này xuất hiện sẽ gây nhiều khó khăn cho việc giành chính quyền.
Khi nói về Võ Nguyên Giáp có thể nói rằng, lúc giành chính quyền, đây là một trong những người có bộ óc vĩ đại đã cùng với Bác Hồ để quyết định Tổng khởi nghĩa. Sau khi giành chính quyền, Võ Nguyên Giáp vẫn là người luôn ở bên cạnh Bác.
Trong cơ cấu Chính phủ lâm thời, Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi cải tổ Chính phủ lâm thời, Võ Nguyên Giáp thôi không làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chức đó Bác Hồ giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khi đó, Võ Nguyên Giáp không giữ bất cứ chức vụ nào trong bộ máy, sau này kháng chiến mới trở lại làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tuy vậy, ông vẫn là linh hồn cùng với Thường vụ Trung ương cùng với Bác Hồ chỉ đạo sự nghiệp bảo vệ chính quyền cách mạng, củng cố chính quyền cách mạng, tiến hành cuộc kháng chiến thành công.
Ông Lê Quang Thưởng: Các nhân vật lãnh đạo của đất nước ta có rất nhiều người tài, nhưng trong các cuộc mít tinh lớn người ta hay nhắc tới cụ Hồ và tướng Võ Nguyên Giáp. Dấu ấn của Tướng Giáp gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chúng ta thắng trong trận chiến Điện Biên Phủ là một cú hích quan trọng để lật đổ một mảng lớn chế độ thực dân.
Võ Nguyên Giáp đã được báo chí quốc tế liệt kê là một trong 10 vị tướng nổi bật trên thế giới. Sở dĩ ông được xếp vào vị trí quan trọng ấy chính là thành tựu của cách mạng Việt Nam, thành tựu của cuộc kháng chiến, mà mở đầu là những trận đánh của quân đội Nhân dân Việt Nam sau khi ra đời, và người cầm quân không ai khác là Võ Nguyên Giáp kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp là trận Điện Biên Phủ.
Đấy là một con người vĩ đại không chỉ của nhân dân Việt Nam mà của cả nhân loại tiến bộ trên thế giới.
PGS.TS Đinh Xuân Thảo: Nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người được nhân dân ta suy tôn là vị Đại tướng của lòng dân, có thể nói ông là học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở góc độ phát hiện và trọng dụng nhân tài, Bác Hồ đã vô cùng tài tình và sáng suốt khi lựa chọn Võ Nguyên Giáp. Nhiều người vẫn đặt câu hỏi, không biết Võ Nguyên Giáp vốn là một thầy giáo dạy Sử nhưng đã trở thành một vị Đại tướng đã được đào tạo về chiến lược quân sự ở đâu. Đại tướng cũng đã có lần trả lời câu hỏi này và nói rằng ông học từ cuộc sống, từ thực tế.
Nhưng phải nói rằng, việc Bác Hồ lựa chọn rồi giao nhiệm vụ là một tầm chiến lược lâu dài, dù có những lúc ông phải rút về phía sau chứ không đảm đương những vị trí trong Chính phủ. Đấy là quá trình cùng sát cánh với Bác Hồ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ để nghiên cứu tìm ra những vấn đề chiến lược cho cuộc đấu tranh cách mạng của Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một bằng chứng cụ thể chứng minh việc phát hiện, sử dụng, bồi dưỡng nhân tài. Công lao đó thuộc về Hồ Chí Minh...
Bác Hồ luôn hiểu những người tài mà mình lựa chọn
Từ cách dùng người của Bác Hồ, theo các vị khách mời, chúng ta có thể rút ra bài học gì?
PGS.TS Đinh Xuân Thảo: Tôi cho rằng bài học đầu tiên là về chiến lược nguồn nhân lực. Điều đó phải có tính toán kỹ lưỡng và lâu dài. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của ông Lê Quang Thưởng, tại sao Bác lại tin tưởng để chọn người? Điều quan trọng là phải xác định mục tiêu của cách mạng.
Thời điểm đầu tiên của chúng ta là giành độc lập dân tộc. Bác biết tất cả người Việt Nam trước đó dù ở vị trí nào, lực lượng nọ kia thì đều là người Việt Nam, đều chung mục tiêu là lấy lại nền độc lập. Người dân Việt Nam vừa là động lực, vừa là mục tiêu, lựa chọn người vào Chính phủ lúc bấy giờ là phù hợp.
Nhưng để cho cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, rồi đến xây dựng xã hội chủ nghĩa thì phải có những con người lâu dài, cho cả tương lai, thì việc chọn người phải có tầm chiến lược. Từng giai đoạn cụ thể phải có sách lược để đào tạo, sử dụng con người cho hợp lý.
Vấn đề đặt con người là trung tâm, nhân tố con người là quyết định sự thành công của cuộc cách mạng là mục tiêu đặt ra để lựa chọn và sử dụng con người. Đó là những người có đức, có tài, quan trọng là đặt họ đúng vị trí.
Bác Hồ và Đảng ta đã dày công nghiên cứu và cuối cùng, xây dựng được đội ngũ cán bộ - những người học trò xuất sắc của Bác để lãnh đạo nhân dân ta làm những cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà như Điện Biên Phủ năm 1954, chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, công cuộc đổi mới 1986, cương lĩnh xây dựng phát triển đất nước 1991, xây dựng Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013…
Cả quá trình được xâu chuỗi, có định hướng chiến lược và gắn với mục tiêu của từng thời kỳ để lựa chọn người phù hợp, chứ không phải chắp vá, được đến đâu hay đến đấy. Tôi cho rằng đó là một bài học mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ông Lê Quang Thưởng: Trước hết, bài học về vấn đề sử dụng con người là vấn đề hiểu người, nói như bây giờ, chúng ta có văn kiện đánh giá cán bộ. Ở thời đó, Bác Hồ hiểu những người mà mình lựa chọn – đó là những người yêu nước thực sự, là những người dân vì nước vào vị trí lãnh đạo.
Thứ 2 là nhìn thấy nhân tố phát triển của người đó. Tuy người đó không được học hành, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp không qua trường quân sự nào nhưng Bác Hồ giao cho làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đó là bởi Bác hiểu con người này có kiến thức, có khả năng phát triển, có khả năng tập hợp đội ngũ để làm sự kiện lớn. Cái hiểu người và nhìn thấy nhân tố phát triển là rất quan trọng.
Thứ 3 là giao đúng việc cho từng người để thử thách, rèn luyện, đánh giá và cất nhắc. Cuối cùng là dựa vào nhân dân để tiến cử, giúp cho cán bộ được rèn luyện, trưởng thành.
Đương nhiên, bài học của công tác quản lý cán bộ bây giờ là quản lý cán bộ. Bác Hồ cũng là người đảm nhiệm chức năng giao việc, đề bạt thì phải theo dõi, giúp đỡ và uốn nắn họ để họ phát triển. Đó là chức năng của quản lý cán bộ.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Tôi thấy hai ý kiến vừa rồi rất xác đáng. Nhưng sẽ thiếu sót nếu chỉ nhìn thấy việc chỉ tìm người tài đức để vào bộ máy lãnh đạo. Tôi thấy, ở Bác Hồ, ngoài việc tìm người giỏi vào lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội thì Bác rất chú ý đến cán bộ khoa học để giúp sự phát triển lâu dài của đất nước.
Ngày 31/12/1945, Chính phủ lâm thời đã ký sắc lệnh số 78, thành lập Ủy ban nghiên cứu kiến thiết đất nước gồm 40 đồng chí. Đến 14/1/1946, Bác Hồ lại ký bổ sung thêm 10 thành viên. Trong 50 người này, ngoài các thành phần lãnh đạo như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng…nhưng phần lớn là trí thức yêu nước. Thậm chí, có cả vợ vua Bảo Đại.
Sau này, khi Bác đi thăm Pháp, có nhiều nhà trí thức đã trở về đất nước để tham gia kháng chiến cứu quốc và kiến thiết như GS Trần Hữu Thước, GS Võ Quý Huân… Theo tiếng gọi của Bác, nhiều người từ các nước khác cũng về như Bác sỹ Đặng Văn Ngữ, Nhà khoa học Lương Đình Của…Có khi không phải Bác trực tiếp gọi nhưng tư tưởng của Bác đã khiến họ trở về đất nước.
Bài học có tính chất bao trùm là gắn sự nghiệp của mỗi người trong sự nghiệp của muôn người, của dân tộc. Mỗi người trí thức đều có thể đóng góp phần nào đó cho sự nghiệp. Đi với Bác Hồ, với Đảng, với nước một cách tự nguyện, không có tính toán gì về lợi ích kinh tế hay danh tiếng… mà đóng góp thiết thực vào sự nghiệp của dân tộc, khiến giá trị của họ thành trường tồn.
Lịch sử dân tộc ta luôn coi trọng hiền tài...
Theo VOV