Ba nguyên tắc vàng sẽ giúp con thuyền ASEAN vững vàng trước các cơn "sóng to gió lớn"
Các nguyên tắc này bắt nguồn từ truyền thống xử lý, hóa giải các mâu thuẫn của người dân trong các cộng đồng làng, xã theo văn hóa, tập tục của người Indonesia cổ có tên là Musyawara và Mufakat.
Các nguyên tắc này sau đó trở thành một phần quan trọng của hệ thống hoạch định chính sách của nhà nước Indonesia hiện đại, cũng như các quốc gia sáng lập ASEAN nhưng chịu ảnh hưởng của tập tục văn hóa này như Malaysia và Singapore.
Khó khăn và thách thức không phải là điều gì mới mẻ trong ASEAN. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Theo PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, trải qua hơn 54 năm tồn tại và phát triển, ASEAN đã không ít lần đứng trước những cơn “sóng to gió lớn”.
Ví dụ điển hình nhất là sự tồn tại và phát triển của ASEAN trong thời kỳ đầu sau khi ASEAN mới ra đời ngày 8/8/1967. Lúc này, Chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh cao, còn Đông Nam Á lại là tâm điểm của cạnh tranh và đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Liên Xô.
Tiếp đó là thời kỳ Việt Nam đưa quân sang Campuchia giúp nhân dân nước này thoát khỏi nạn diệt chủng của bè lũ Polpot- Iêng Sari. Tuy nhiên, ASEAN khi đó lại coi sự có mặt của quân đội Việt Nam ở Campuchia là thách thức lớn nhất đối với các nguyên tắc duy trì nguyên trạng được ghi trong Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Bali 1976 (TAC) và vì vậy, ASEAN đã chống Việt Nam quyết liệt trên tất cả các diễn đàn khu vực và quốc tế trong thời kỳ này.
Các thách thức đối với ASEAN hiện nay là những thách thức đa chiều chưa từng có tiền lệ, cả từ góc độ kinh tế, an ninh đến vai trò của ASEAN ở khu vực và trên thế giới. Gần đây nhất, đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu và dễ tổn thương của ASEAN.
ASEAN là một trong số ít các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch xét trên số ca lây nhiễm và tử vong. Đại dịch không chỉ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực từng được xem là phát triển nhanh và năng động nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới, mà còn có nguy cơ làm tăng số người nghèo đói cũng như đẩy lùi các tiến bộ kinh tế-xã hội mà các nước ASEAN đã phấn đấu để đạt được trong nhiều thập kỷ trước đó.
Về an ninh, tranh chấp ở Biển Đông đang nổi lên thành một trong những điểm nóng mới ở khu vực và thế giới. Nhìn rộng hơn, cả Biển Đông và ASEAN đang nằm trọn trong khu vực đối đầu và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Không chỉ có vậy, các cấu trúc mới về an ninh trong khu vực đang được củng cố và hình thành gần đây như nhóm Bộ tứ (QUAD) và Thỏa thuận an ninh ba bên gồm Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) đang thách thức trực tiếp đến cấu trúc khu vực do ASEAN đóng vai trò trung tâm và dẫn dắt.
Nói một cách khác, ASEAN hiện đang đứng trước các thách thức liên quan đến cả phát triển lẫn sinh tồn.
Mặc dù phải liên tục đối mặt với các thách thức như vậy nhưng ASEAN là một trong số ít các tổ chức khu vực không chỉ thành công trong việc xử lý các thách thức đặt ra trong suốt quá trình hình thành và phát triển, mà còn thành công trong việc đẩy mạnh hợp tác cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sự mở rộng của ASEAN hầu như không đáng kể ngoài việc kết nạp Brunei (năm 1984) - một quốc gia nhỏ cả về diện tích và dân số ở Đông Nam Á. Trong giai đoạn này, thành công lớn nhất của ASEAN là duy trì được sự tồn tại, một điều mà ngay cả những người sáng lập ASEAN cũng không ngờ tới bởi sự thất bại mau chóng của các tổ chức tiền thân của ASEAN như Hiệp hội Đông Nam Á (ASA) hay Nhóm Maphilindo gồm Malaysia, Philippines và Indonesia.
Giai đoạn kết thúc Chiến tranh Lạnh đánh dấu sự mở rộng của ASEAN từ 6 lên 10 quốc gia, biến ASEAN từ một tổ chức hợp tác tiểu khu vực sang tổ chức hợp tác khu vực bao gồm toàn bộ các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Trong ba thập kỷ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh cho đến trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Đông Nam Á đầu năm 2020, ASEAN đã thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, đẩy mạnh hợp tác nội khối, xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột là Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng văn hóa-xã hội và Cộng đồng an ninh. ASEAN cũng thành công trong việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, EU... đồng thời thiết lập quan hệ đối tác phát triển và đối tác theo lĩnh vực với một loạt nước như Đức, Pháp, Italy, Thụy Sỹ, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ...
Quan trọng nhất là ASEAN đã biến Đông Nam Á từ khu vực được coi là "Ban căng", “cái rốn bất ổn” của châu Á thành một ốc đảo hòa bình, tạo dựng được môi trường hòa bình, an ninh và ổn định bên ngoài để nhờ đó các nước thành viên ASEAN tập trung vào phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống người dân và tăng cường nội lực quốc gia.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao. (Ảnh: NVCC) |
"Ba nguyên tắc vàng giúp con thuyền ASEAN vững vàng trước các cơn “sóng to gió lớn” và đi đến đích thành công là các nguyên tắc tham khảo ý kiến, đồng thuận và bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau" PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết.
Thực chất của nguyên tắc tham khảo và nhất trí trước khi ASEAN ra quyết định cuối cùng là tất cả các nước thành viên ASEAN lớn, nhỏ đều có cơ hội và quyền đóng góp, "đồng sở hữu" các quyết định và sáng kiến của ASEAN.
Về thực chất, nguyên tắc này còn cho phép bất kỳ một quốc gia ASEAN thành viên nào cũng có quyền ve-to, không cho các quyết định hay sáng kiến nào dù đã được đa số các thành viên ASEAN khác tán thành trở thành quyết định của ASEAN.
Một đặc điểm quan trọng trong hoạt động của tổ chức ASEAN là khả năng thích ứng, nó cho phép ASEAN phản ứng kịp thời và có hiệu quả trước các vấn đề hay thách thức đang hoặc có khả năng tác động đến khu vực, hoặc đến vai trò trung tâm của ASEAN.
Việc ASEAN thông qua tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) tháng 6/2019 được các đối tác trong và ngoài khu vực của ASEAN đánh giá cao, thể hiện sự độc lập của ASEAN trong việc định vị vai trò của ASEAN, cũng như quan hệ của ASEAN với các đối tác quan trọng tại địa bàn có ý nghĩa chiến lược này của thế giới.
AOIP cũng cho thấy ASEAN ý thức rất rõ sự cần thiết phải lôi kéo nhiều hơn và giảm sự đối đầu giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua sự tăng cường hợp tác giữa họ với ASEAN, trong bốn lĩnh vực quan trọng là an ninh biển; kết nối; thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc; hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác.
Hay như quyết định của ASEAN được đưa ra tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ngày 15/10 vừa qua, theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử của mình ASEAN không mời lãnh đạo một quốc gia thành viên lên cầm quyền sau chính biến tham dự hội nghị cấp cao ASEAN, mà ở đây là lãnh đạo quân sự của Myanmar.
Quyết định của ASEAN đã gửi đi thông điệp ngoại giao và chính trị mạnh mẽ. ASEAN cho thấy tổ chức này giờ đây đã khác trước, họ không “dung thứ” cho các hành động tương tự và sẵn sàng thống nhất hành động để bảo vệ uy tín của mình.
Campuchia cho rằng ASEAN cần phải tuân thủ nguyên tắc đa phương và đoàn kết Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 11/11 nhấn mạnh việc thúc đẩy hội nhập Cộng đồng ASEAN trong trạng thái bình thường mới là một nhiệm vụ cần thiết để tạo sức mạnh to lớn đưa ASEAN trở thành một khu vực bền vững và có tính cạnh tranh. |
Việt Nam cùng các nước ASEAN giữ vững đoàn kết, ứng phó hiệu quả các thách thức Tại các hội nghị, Lãnh đạo ASEAN và các nước Đối tác đã thảo luận sôi nổi, sâu rộng nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt, các nhà Lãnh đạo nhất trí cao về các biện pháp tăng cường hợp tác ứng phó dịch COVID-19, nhất là nâng cao năng lực y tế, tự chủ về vaccine và sớm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, khôi phục đi lại giữa các nước trong điều kiện bình thường mới. |
Việt Nam sẽ có các biện pháp hỗ trợ bà con gốc Việt tại Campuchia khi di dời nhà nổi trên sông Mekong Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lên tiếng trước việc chính quyền Phnom Penh yêu cầu người dân, trong đó có nhiều người gốc Việt ở Campuchia tiến hành di dời, giải toả các nhà nổi, bè nổi và công trình nổi trái phép trên khu vực sông Mekong. |