ASEAN và các đối tác triển khai tìm kiếm các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 (Ảnh: TTXVN) |
Trong ngày 14/4, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN diễn ra từ 8-10 giờ và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 diễn ra từ 14-16 giờ. Dự kiến, các Nhà Lãnh đạo sẽ thông qua hai văn kiện quan trọng là Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19. Qua đó, khẳng định cam kết, quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN và các nước ASEAN+3 trong ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ của dịch bệnh đe dọa cuộc sống người dân, ổn định tình hình kinh tế-xã hội các quốc gia thành viên.
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19 diễn ra dưới hình thức họp trực tuyến. Các Hội nghị sẽ do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch ASEAN+3 chủ trì.
Trong bài viết "Hợp tác ASEAN đẩy lùi COVID-19: Đoàn kết là sức mạnh" Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, những trao đổi và kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, ASEAN và các đối tác cần tập trung vào một số hướng giải pháp sau trong ứng phó, đẩy lùi dịch COVID-19 như: Thứ nhất, khẩn trương huy động các nguồn lực chung, đặc biệt là các kho vật tư y tế dự phòng chung của khu vực để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp; lập quỹ hợp tác ứng phó đại dịch COVID-19 trên cơ sở tranh thủ các nguồn lực hiện có và sự hỗ trợ của các đối tác, trong đó có Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới.
Thứ hai, chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, hành động, tập trung vào xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống dịch bệnh; trước mắt là tổ chức diễn tập trực tuyến giữa các nước về ứng phó dịch bệnh.
Thứ ba, chống dịch cần đi đôi với chống suy thoái kinh tế, bất ổn xã hội. Trong đó, người dân cần được đặt vào vị trí trung tâm; không để một quốc gia nào đơn lẻ trong cuộc chiến chống dịch và không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thứ tư, xây dựng chiến lược về kết thúc dịch ở từng quốc gia, có sự phối hợp ở cấp độ khu vực, nhằm vừa nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, vừa sớm đưa đời sống kinh tế-xã hội của các quốc gia trở lại quỹ đạo bình thường, ổn định.
Thứ năm, cùng nhau chia sẻ, kiên trì thực hiện các giá trị chung về tự do thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư, không để các chuỗi cung ứng bị đứt quãng; sớm bình thường hóa các hoạt động giao thương, lưu chuyển xuyên biên giới khi đã kiểm soát được dịch…nhằm tận dụng mọi động lực để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bao trùm và bền vững trong toàn khu vực.
Trước đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi đã nhấn mạnh rằng Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là “biểu tượng” cho tình đoàn kết trong khu vực.
Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi (Ảnh: TTXVN) |
Tổng Thư ký Jock Hoi cho rằng các hội nghị cấp cao này cũng cho thấy tầm lãnh đạo của ASEAN và ASEAN+3 trong việc đưa ra các phản ứng khu vực nhằm bổ trợ cho các biện pháp quốc gia và toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19. Theo ông, đại dịch COVID-19 đã chỉ ra rằng “virus không có giới hạn quốc gia” và sự ứng phó chung của khu vực sẽ bổ trợ và tăng cường thêm cho các phản ứng quốc gia và địa phương.
Tổng Thư ký ASEAN cho rằng các Hội nghị này cũng sẽ tăng cường sự phối hợp chính trị và đưa ra các cam kết trong việc cụ thể hóa các nỗ lực tập thể từ tất cả các bên và các khu vực liên quan, nhằm hỗ trợ phương pháp tiếp cận theo hướng huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cả ngành y tế cùng với một phản ứng khu vực mạnh mẽ hơn để giảm thiểu các tác động của đại dịch. Hơn nữa, đại dịch COVID-19 không thể được giải quyết chỉ bằng một phản ứng, mà còn đòi hỏi kế hoạch dài hạn toàn diện, vượt ra ngoài các nỗ lực hiện nay nhằm tập trung giảm thiểu thiệt hại và phục hồi.
Tổng Thư ký Jock Hoi cho biết ASEAN cũng đang tìm cách tăng cường các mối quan hệ hợp tác với 3 nước đối tác đối thoại nhằm tìm kiếm các phương thức hợp tác để đưa ra một phản ứng thống nhất chung trước dịch COVID-19. ASEAN hoan nghênh cách tiếp cận thống nhất nhằm giải quyết các tác động sâu rộng của dịch. ASEAN cho rằng nỗ lực tập thể cùng các đối tác bên ngoài và các tổ chức có liên quan nhằm phục hồi sau đại dịch là điều cần thiết, đặc biệt là trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ở cấp độ chiến lược, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 lần này thể hiện cam kết của ASEAN đối với nguyên tắc chủ nghĩa khu vực ở Đông Nam Á trong thời điểm khó khăn này. “Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi sẽ mạnh mẽ hơn cùng nhau, và bằng cách hợp tác, chúng tôi có thể vượt qua thách thức chưa từng có này một cách hiệu quả hơn”, Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh.
Thông qua các Hội nghị này, ASEAN cũng kỳ vọng tăng cường các nỗ lực hợp tác trong việc chia sẻ thông tin và kiến thức, không chỉ trong lĩnh vực phát triển y tế, mà cả trong các chính sách đối nội liên quan đến mảng an sinh xã hội và y tế do tác động to lớn của đại dịch COVID-19 đối với cộng đồng.
Thành lập Quỹ ứng phó với đại dịch COVID-19 của ASEAN Ngày 9/4, Quỹ ứng phó với đại dịch COVID-19 được thành lập với mục tiêu "huy động các nguồn lực tài chính để giải quyết tình ... |
10 Đại sứ ASEAN trình thư kiến nghị hỗ trợ cho gần 150.000 sinh viên đang du học tại Australia 10 Đại sứ ASEAN đã gửi thư mong muốn Australia có sự hỗ trợ phù hợp về sức khỏe thể chất và tinh thần cho ... |
Hàn Quốc khẳng định ủng hộ các nỗ lực, sáng kiến của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In khẳng định sẽ tăng cường trao đổi về quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Hàn Quốc; nhất ... |