ASEAN thế nào sau khi kết nạp thêm Đông Timor?
Các lãnh đạo ASEAN tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan (Ảnh: VGP). |
Tuyên bố được đưa ra sau khi các nước thành viên xem xét kết quả của các chuyến công tác tìm hiểu thực tế tại Đông Timor do Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tiến hành. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là sau khi kết nạp thêm nước này, ASEAN sẽ thế nào?
Quốc gia nghèo khó
Đông Timor là nước nghèo nhất châu Á và cũng nằm trong danh sách các nước nghèo nhất thế giới với tổng thu nhập GDP chỉ được 1,2 tỷ USD/năm, phải sống dựa hoàn toàn vào sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc; một nửa dân số có thu nhập dưới 1 USD/ngày. Đông Timor là phần Đông Bắc của đảo Timor nằm ở phía Nam quần đảo Indonesia, có diện tích hơn 15.000 km2, dân số khoảng 1.178.300 người (2013); sử dụng tiếng Tetum và tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chính thức, tiếng Indonesia và tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc. Đông Timor bị thực dân Tây Ban Nha đô hộ vào thế kỷ 16. Năm 1975, Đông Timor tuyên bố độc lập nhưng chỉ 9 ngày sau lại bị Indonesia chiếm đóng và trở thành một tỉnh của nước này. Ngày 20-5-2002, Đông Timor chính thức giành được độc lập.
Đông Timor sử dụng đô la Mỹ làm đồng tiền chính thức; chi phí sinh hoạt ở đây rất đắt đỏ, gấp 3 lần với thủ đô Hà Nội của Việt Nam và Jakarta của Indonesia. Tập đoàn Viettel của Việt Nam đang là chủ đầu tư của nhà mạng lớn nhất Đông Timor là Telemor với thị phần chiếm 55% tổng thuê bao. Chính phủ Đông Timor coi Telemor là điển hình đầu tư nước ngoài thành công. Người dân ở đây cũng rất thích sử dụng Telemor vì tốt hơn và rẻ hơn các nhà mạng khác. Được làm việc ở Telemor là niềm tự hào lớn của người Đông Timor, do Telemor công ty lớn, thu nhập cao.
Mong muốn gia nhập và những “hứa hẹn” đóng góp
Đông Timor nộp đơn gia nhập ASEAN năm 2011 và đã được Hiệp hội chấp nhận cho làm quan sát viên để thúc đẩy và động viên quốc gia trẻ này nỗ lực hơn. Kế hoạch Phát triển chiến lược (2011 - 2030) của Đông Timor là sẽ “theo đuổi tư cách thành viên ASEAN như một mục tiêu chính sách đối ngoại ưu tiên nhằm nâng cao lợi ích chiến lược lâu dài”. Trong chuyến thăm 7 ngày tới Indonesia, Tổng thống mới của Đông Timor cho biết Chính phủ của ông sẽ đáp ứng tất cả các yêu cầu của khối và kỳ vọng Tổng thống Indonesia phát huy tối đa vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm tới, đẩy nhanh tiến trình chấp nhận Đông Timor trở thành thành viên thứ 11. Tổng thống Đông Timor cũng có cuộc gặp gỡ với Tổng thư ký ASEAN để thảo luận về các vấn đề khu vực và yêu cầu mục tiêu sớm gia nhập ASEAN.
Đông Timor có tiềm năng lớn về cà phê, dầu lửa và khí đốt; dự kiến có thể thu được 7 tỷ USD trong 20 năm tới từ việc khai thác và phân chia dầu khí với Asutralia. Đất nước này còn rất hoang sơ, có thể nói đây là thiên đường lãng quên của Đông Nam Á về du lịch vì: Các công trình ở đây được người Bồ Đào Nha xây dựng đã tạo nên nét đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Tại Đông Timor có rất nhiều lễ hội, nhất là lễ hội văn hóa và ẩm thực hằng năm có quy mô hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á… Hộ chiếu của Đông Timor có thể đến các nước trong Cộng đồng các nước nói tiếng Bồ Đào Nha khu vực châu Âu trong vòng 3 tháng mà không phải xin thị thực. Ngoài ra, tuy không có quy mô kinh tế lớn nhưng Đông Timor có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ là điều kiện quan trọng để ASEAN nhanh chóng kết nạp thành viên thứ 11.
Lợi ích là tư cách thành viên ASEAN
Việc được cấp quy chế thành viên ASEAN sẽ giúp Đông Timor ngăn ngừa các rủi ro an ninh thông qua các thỏa thuận an ninh tập thể, nâng cao vị thế của nước này trong quan hệ quốc tế. Ngoài những lý do về vị trí địa lý, giao lưu văn hóa và chính trị khu vực, tư cách thành viên sẽ cho phép Đông Timor tham gia vào nền kinh tế ASEAN đang phát triển mạnh mẽ, đồng thời tiếp cận với các quỹ phát triển quốc gia do ASEAN cung cấp để thu hẹp khoảng cách chênh lệch. ASEAN cũng tạo cơ hội cho Đông Timor tham gia vào các hoạt động của khối; cải thiện hình ảnh quốc gia này trong khu vực, ở châu Á và trên toàn thế giới; đồng thời giúp Đông Timor giải quyết bất đồng chính trị trong nước một cách hòa bình, bảo đảm cho quốc này phát triển dân chủ và tự do.
Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố khiến ASEAN vẫn cần cân nhắc với yêu cầu gia nhập của Đông Timor, đặc biệt là do nền kinh tế nhỏ và mức độ nghèo đói. Các thành viên trong khối, nhất là những thành viên phát triển lo ngại nước này sẽ là gánh nặng và làm chậm nỗ lực hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Ngoài ra, việc Đông Timor nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế thông qua việc tham gia tích cực vào các tổ chức như Cộng đồng các nước nói tiếng Bồ Đào Nha cũng đặt câu hỏi về cam kết của nước này với tư cách thành viên ASEAN.
Mặc dù, còn có những khó khăn trở ngại nhất định, nhưng việc kết nạp Đông Timor vào Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có nghĩa rất lớn là bảo đảm 100% các nước Đông Nam Á đều có mặt trong khối ASEAN. Điều này thể hiện tính thống nhất, đoàn kết cao của khối; đồng thời khẳng định sức hút từ khối với các thành viên trong khu vực. Việt Nam cũng như tất cả các nước ASEAN đều mong muốn và đồng lòng hỗ trợ đầy đủ để Đông Timor đạt được các mốc quan trọng, thông qua việc hỗ trợ thiết lập năng lực và cung cấp các trợ giúp cần thiết, phù hợp để nước này có được tư cách thành viên ASEAN vào năm 2023.
Đối tượng và mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động được quy định như thế nào? Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động là một thành phần của Quỹ bảo hiểm xã hội để chi trả chế độ dành cho người lao động nhằm bù đắp một phần tổn thất thực tế, cũng giúp chia sẻ rủi ro giữa các doanh nghiệp… |
Tăng cường tình hữu nghị đoàn kết trong cộng đồng ASEAN tại Bỉ Ngày 1/10, tại Nhà Văn hóa Indonesia ở thủ đô Brussels (Bỉ), đã diễn ra Ngày hội gia đình ASEAN. |