Ấn Độ phóng thành công tên lửa nặng 640 tấn
Người dân Ấn Độ quan sát vụ phóng tên lửa GSLV Mark III. (Ảnh: AFP)
Cụ thể, tên lửa GSLV Mark III có khả năng mang vệ tinh đã được phóng đi từ một bãi thử thuộc vịnh Bengal, Sriharikota hôm 5/6. Tên lửa này sẽ giảm sự phụ thuộc của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) vào các đối tác châu Âu trong việc phóng đi những vệ tinh cỡ lớn.
Một tờ báo trong nước ca ngợi vụ phóng là "ngày trọng đại trong lịch sử Ấn Độ", đồng thời so sánh GSLV Mark III với khối lượng của 200 con voi, hoặc 5 máy bay phản lực jumbo. Những so sánh này đã làm nổi bật tầm quan trọng của vụ thử, đối với đất nước đang cạnh tranh mạnh mẽ để giành lấy thị phần lớn hơn trong thị trường khai thác vệ tinh thương mại toàn cầu.
Trước đây, Ấn Độ phải dựa vào các nước khác để có thể đưa vệ tinh cỡ lớn lên không gian, gây tốn kém và làm cạn kiệt ngân sách của ISRO. Giờ đây, GSLV Mark III có thể mang theo vệ tinh nặng hơn 3 tấn vào không gian để chuyển tiếp các chương trình truyền hình, tín hiệu điện thoại và kết nối băng thông rộng.
Tên lửa GSLV Mark III trước khi rời bệ phóng. (Ảnh: ISRO)
"Đây là bước tiến lớn đối với Ấn Độ, bởi lúc trước chúng tôi chỉ có thể đưa (vệ tinh nặng) tối đa 2 tấn lên quỹ đạo" - chuyên gia Ajay Lele thuộc Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ cho biết. Theo ông này, tên lửa GSLV Mark II sẽ cho phép Ấn Độ linh hoạt hơn trong việc phóng các loại vệ tinh khác nhau.
ISRO kỳ vọng rằng GSLV Mark III, được một số người gọi là "tên lửa quái vật", sẽ đủ khả năng đưa một phi hành gia vào không gian trong năm 2024. Ấn Độ muốn trở thành nước thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc và Nga, có thể đưa người vào không gian.
Vụ phóng tên lửa GSLV Mark III đánh dấu thêm một thành công cho chương trình không gian nội địa của ISRO. Trước đó, Ấn Độ từng thực hiện thành công một sứ mệnh thăm dò sao Hỏa và phóng thành công cùng lúc hơn 100 vệ tinh hồi đầu năm.
Theo đánh giá của BBC, GSLV Mark III cao tới 43m, tức cao hơn tượng Nữ thần Tự do của Mỹ (33,83m tính không kể bệ đỡ). Tuy nhiên, nó không phải là tên lửa nặng nhất thế giới vì tên lửa Saturn V của Mỹ, sử dụng trong giai đoạn 1967-1973, còn nặng gấp 4 lần.
Hồng Anh