Ai “chống lưng” để Tân Tây Đô thất tín, cho cư dân sử dụng nước nhiễm thạch tín 5 năm?
Khi ông chủ bỏ qua chữ tín
Vì sao có những hình ảnh trên? Là vì rất nhiều lần cư dân đã kêu cứu và thậm chí là cầu cứu chính quyền về tình trạng nước sinh hoạt nhiễm Asen. Nhưng đến nay, mặc dù có nhiều phản ánh về vụ việc này nhưng sự việc này vẫn giậm chân tại chỗ và chưa một cơ quan nào chịu đứng ra nhận trách nhiệm, giúp đỡ người dân.
Chất độc hại đóng cặn trong đồ lọc của gia đình.
Theo ghi nhận của PV nước sinh hoạt mà người dân, trường học cho đến nhà trẻ xung quanh KĐT Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) đang sử dụng có hàm lượng Asen (hay còn gọi là thạch tín) cao gấp 3 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tình trạng này đã diễn ra suốt từ năm 2014 đến nay mà vẫn chưa có biện pháp khắc phục.
Trong khi, cư dân mua nhà, chủ đầu tư cam kết bằng văn bản: “Hệ thống xử lý nước thải được Trung tâm Y tế Dự phòng thuộc Sở Y tế Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn sinh hoạt cho người dân. Trạm nước tại KĐT Tân Tây Đô được áp dụng tiên phong hệ thống lọc áp lực, xử lý nước thông minh theo công nghệ tiên tiến Johkasou của Nhật Bản”.
Nước trong bình lọc nhà vệ sinh đen xì.
Tin tưởng vào điều đó, vào chữ tín của chủ doanh nghiệp, nhiều người đã mua nhà của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát, chủ đầu tư KĐT Tân Tây Đô. Thế nhưng, chủ đầu tư thất tín và quan trọng hơn là người làm kinh doanh, chủ một doanh nghiệp lớn thất tín thì quả thật, đạo đức của người làm kinh doanh cần phải xem lại. Và khi chủ đầu tư thất tín thì, cư dân hiện đang… lãnh đủ. Thế lực nào “chống lưng” cho sự thất tín mà ông chủ doanh nghiệp đã dày công xây dựng bao năm? Đây là dấu hỏi lớn dành cho lãnh đạo chính quyền Thủ đô.
Các cơ quan chuyên môn khẳng định: Nước không đạt chuẩn
Ngày 5/2/2018, Sở Xây dựng TP.Hà Nội có văn bản trả lời Công ty Cổ phần đầu tư Công nghệ Môi trường Việt Nam về kết quả kiểm tra mẫu nước của KĐT Tân Tây Đô, trong đó có các chỉ tiêu như sau: Amoni, Asen, Pecmanganat đều không đạt quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế về chất lượng ăn uống. Cụ thể, hàm lượng Asen mà Bộ Y tế giới hạn tối đa cho phép trong nước sinh hoạt là 0,01mg/l nhưng kết quả kiểm tra ngày 15/1/2018 là 0,02mg/l, tức là đã vượt ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, gần đây nhất vào ngày 6/3/2018, một cư dân tại KĐT Tân Tây Đô đã mang tới mẫu nước đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1. Ngày 22/3/2018, nhận kết quả như sau: Asen vượt ngưỡng “khủng” cho phép là 0,029 mg/l (tức là vượt ngưỡng 2,9 lần) so với quy định mà Bộ Y tế đưa ra.
Trao đổi với PV, anh Trần Đức Thiện, cư dân căn hộ 906, tầng 9, KĐT Tân Tây Đô, bức xúc: “Nước từ nhà máy cấp về đến tay hộ dân thì phải qua 1 lần lọc thô và 3 lần lọc máy. Sau đó lại tiếp tục qua 6 hệ thống lõi lọc mới dám sử dụng nước để sinh hoạt. Chúng tôi đã phải sống như vậy suốt 4 năm nay, đã gửi đơn lên mọi nơi rồi nhưng họ đều giải quyết rất hời hợt.”
Hơn 10.000 nhân khẩu sống tại KĐT Tân Tây Đô trong 4 năm ròng rã, các hộ gia đình đã phải mua bình nước lọc (sẵn) để về tắm rửa cho trẻ em và làm nước sinh hoạt. Nếu không làm như vậy thì trẻ nhỏ uống, sử dụng nước bị nhiễm Asen đó, đều bị đi ngoài, đau bụng, thậm chí là nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, dị ứng khắp cơ thể.
“Con cái tôi uống nước đó xong đều bị đi ngoài, dị ứng, nổi mẩn khắp người. Đi khám thì mới biết là do sử dụng nước có nhiễm thạch tím. Nước chỉ cần đun sôi để lại trong cốc qua một đêm thôi thì sang hôm sau nó sẽ đóng cặn và rất tanh, nồng, mùi rất khó chịu”, chị Trần Thị Tâm, cư dân tại căn hộ 910 –tầng 9, cho hay.
Hiện thực đáng lo ngại
Thực tế “mắt thấy” tại trạm cấp nước của KĐT Tân Tây Đô ngày 17/8, phóng viên nhìn nhận: Tất cả nguồn nước sinh hoạt cấp cho cư dân trong KĐT Tân Tây Đô đều sử dụng một trạm bơm. Mặt bằng trạm cấp nước còn nhiều cạn sắt, rong rêu phủ kín, thành bể lọc có hiện tượng rò rỉ, một số vật liệu để ngoài trời sắp xếp ngổn ngang. Vách bể nước sạch và vách bể nước thải gần sát nhau, chỉ cách nhau có một vách tường. Ngoài ra, đường ống dẫn nước sạch cùng giếng khoan của KĐT Tân Tây Đô nằm cạnh kênh nước thải ô nhiễm đen ngòm, bốc mùi hôi thối của thôn Hạnh Đảm.
Xả nước ra, cặn đóng luôn trên chậu rửa mặt.
Trước đó, ngày 13/4/2018, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ Môi trường Việt Nam (CT CPĐTCNMTVN) khẩn trương bổ sung hệ thống lọc để xử lý Asen, Amoni, Pecmanganat… tại Trạm cấp nước KĐT Tân Tây Đô đảm bảo nước sau xử lý phù hợp với quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT (1) và giao cho Cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội nghiên cứu, đề xuất giải pháp đấu nối cấp nguồn nước sạch sông Đà cho KĐT Tân Tây Đô, đảm bảo ổn định lâu dài.
Xả nước từ vòi vào chai, để chỉ trong vòng vài tiếng, nó đã lắng đọng thạch tím và tạp chất độc hại các loại như thế này đây.
Tuy nhiên, sau khi có ý kiến chỉ đạo, Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ Môi trường Việt Nam đã trả lời: “Việc đấu nối từ nguồn nước này là rất khó khăn. Trước mắt chưa thể triển khai được vì Tổng Công ty Viwaco phải kéo mạng từ Di Trạch – Hoài Đức nên chi phí rất tốn kém”.
Như vậy, trách nhiệm cứ vòng vo, dù lãnh đạo thành phố đã có chỉ đạo. Việc vòng vo trách nhiệm này không những làm tổn hại người dân KĐT Tân Tây Đô mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Tân Tây Đô. Dư luận đặt câu hỏi, vụ việc này có ai đứng đằng sau “chống lưng” cho chủ đầu tư phớt lờ chỉ đạo của chính quyền hay không?
Phóng viên Thời Đại sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất đến bạn đọc.
Bài và ảnh N.Hòa