ABBank chi 2.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn
Ngân hàng TMCP An Bình – ABBank vừa công bố thông tin về việc mua lại trái phiếu trước hạn theo đề nghị của tổ chức phát hành.
Khối lượng trái phiếu dự kiến mua lại là 2.000 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu đã được phát hành vào ngày 25/8/2023 với mã trái phiếu là ABBL2325001.
Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.
ABBank cho biết, nguồn mua lại từ các nguồn thu của ngân hàng và/hoặc nguồn thu nợ cho vay đến hạn, hoặc huy động vốn từ các tổ chức, dân cư hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian dự kiến mua lại là ngày 25/8/2024.
Về tình hình kinh doanh, mặc dù quý II ghi nhận kết quả khởi sắc với lợi nhuận trước thuế 390 tỷ đồng, gấp 5,8 lần con số đạt được cùng kỳ năm trước nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm, ABBank chỉ ghi nhận lợi nhuận trước thuế 582 tỷ đồng, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh trong quý đầu năm.
Trước đó, trong quý I/2024, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng giảm tới 30,8% trong khi chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lại tăng tới 51,3% khiến lợi nhuận ngân hàng chỉ còn 192 tỷ đồng, giảm tới 68,5% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm cuối tháng 6, tổng tài sản của ABBank ở mức 152,1 nghìn tỷ đồng, vẫn giảm 6,14% so với đầu năm nhưng cũng đã có sự tăng trưởng so với mức sụt giảm tới 10% khi kết thúc quý I. Cho vay khách hàng ở mức hơn 91 nghìn tỷ đồng, giảm 7,2% trong khi số dư tiền gửi khách hàng chỉ còn 85,5 nghìn tỷ đồng, giảm 14,5% so với đầu năm. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng của ngân hàng hiện ở mức khá cao, tới 106,4%.
Theo đó, để đáp ứng nhu cầu tín dụng, ABBank tăng cường vay mượn trên liên ngân hàng trong thời gian qua. Báo cáo cho thấy, đến cuối tháng 6/2024, tiền gửi và vay các TCTD khác của ngân hàng đã ở mức 34.345 tỷ đồng, tăng 18,3% so với đầu năm.
Về chất lượng cho vay, thuyết minh BCTC cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng hiện ở mức 3.227 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Tuy nhiên, do dư nợ cho vay của ngân hàng giảm mạnh đã kéo tỷ lệ nợ xấu/cho vay tăng mạnh lên 3,54%, so với mức 2,91% hồi đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức khá thấp, chỉ 44,2%.