751 chủ rừng ở Quảng Trị được hưởng lợi nguồn thu từ ERPA
Trong đó: kinh phí trích tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh gần 2,2 đồng; Kinh phi chi trả cho các đối tượng hưởng lợi hơn 19,5 tỷ đồng.
Trung bình mỗi ha rừng được chi trả khoảng 120 ngàn đồng từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng - (Ảnh: sonnptnt.quangtri.gov.vn |
Cụ thể, lần chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ năm 2024 tại tỉnh Quảng Trị có 751 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ gia đình và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động quản lý rừng năm nay được hưởng lợi nguồn thu từ ERPA.
Được hưởng lợi nguồn thu từ ERPA nhiều nhất là huyện Cam Lộ có 511 chủ rừng là hộ gia đình trên địa bàn 3 xã: Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành ; huyện Hướng Hóa có 149 chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình và cộng đồng dân cư trên địa bàn 11 xã: Hướng Lộc, Ba Tầng, A Dơi, Hướng Phùng, Hương Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập, Húc, Hướng Linh, Tân Hợp, Hướng Tân.
Huyện Đakrông có 79 chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình và cộng đồng dân cư trên địa bàn 11 xã: Đakrông, A Bung, A Ngo, Ba Lòng, Ba Nang, Hướng Hiệp, Húc Nghi, Tà Long, Tà Rụt, Triệu Nguyên, A Vao; Huyện Gio Linh có 12 chủ rừng là hộ gia đình và cộng đồng dân cư trên địa bàn 5 xã: Gio Mai, Gio Mỹ, Gio Quang, Linh Trường, Trung Giang; Thành phố Đông Hà có 1 chủ rừng ở phường 3 là Cộng đồng Khe Lấp; Bên cạnh đó còn có 68 chủ rừng là tổ chức cũng được hưởng lợi nguồn thu từ ERPA.
Được biết, tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 474.414,8ha, trong đó đất có rừng 220.852,5ha. Dù diện tích không lớn nhưng lại là địa phương có đa dạng sinh học cao. Quảng Trị là một trong 5 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình sinh thái Trung Trường Sơn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum), một trong 230 vùng sinh thái toàn cầu và nằm trong 63 vùng chim quan trọng có nhiều loài quý hiếm và đặc hữu cần được bảo vệ.
Bắt đầu từ năm 2023, Quảng Trị là một trong 6 địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ thực hiện thí điểm mua bán tín chỉ carbon và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính, theo Nghị định năm 2022 của Chính phủ.
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Trị bán tín chỉ carbon từ 100 nghìn ha rừng tự nhiên thu về trên 51 tỷ đồng. Theo tính toán, trung bình mỗi ha rừng được chi trả khoảng 120 ngàn đồng từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng và người hưởng lợi số tiền này là bà con ở các tổ bảo vệ rừng ở các thôn bản.
Cũng nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân tại tỉnh Quảng Trị đã dần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát triển và tăng độ che phủ rừng. Qua đó, tạo ra nhiều việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, đời sống của người làm nghề rừng, người bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào vùng núi cao, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.