7 tác dụng tuyệt vời của “ngủ sớm - dậy sớm” đã được khoa học chứng minh, trong đó có giảm suy nghĩ tiêu cực, giúp bạn thành đạt hơn trong cuộc sống
Có lẽ nhiều người trong chúng ta không ưa gì buổi sáng nhưng rõ ràng việc đi ngủ sớm ít nhất sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi thức dậy. Từ đó có thể làm việc năng suất hơn, thậm chí, giúp bạn thành đạt hơn.
Dưới đây là một số bằng chứng khoa học chứng minh ngủ sớm – dậy sớm có những tác động thật tuyệt vời.
Ngủ đủ giấc giúp giảm suy nghĩ tiêu cực
Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2014 đưa ra bằng chứng rằng những người đi ngủ muộn thường bị ảnh hưởng bởi vô vàn suy nghĩ tiêu cực. Là một doanh nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm trên. Tôi thậm chí không nhớ nổi mình đã dành bao nhiêu đêm thức trắng băn khoăn về đội ngũ nhân viên của mình, làm cách nào để có lợi nhuận cao hơn, nên hay không ngừng việc kinh doanh tại một cửa hàng?
Trong khi việc ngủ muộn làm bạn băn khoăn với vô vàn vấn đề ngổn ngang, ngủ sớm sẽ giúp bạn đối mặt và tìm ra giải pháp hiệu quả hơn cho những vấn đề trên. Thói quen ngủ đủ 6 đến 9 tiếng mỗi ngày chắc chắn sẽ giúp bạn dọn sạch những suy nghĩ vẩn vơ không đáng có trong đầu mình.
Ngủ đủ giấc giúp bạn thành đạt hơn trong cuộc sống
Theo giáo sư sinh học Christopher Randler tại Đại học giáo dục Heidelberg, Đức, “Những người dậy sớm nắm trong tay mình tấm vé thông thành trên chuyến tàu thành công. Những nghiên cứu trước của tôi cho thấy rằng những người này thường có điểm số tốt, có cơ hội học tại các trường đại học top đầu và rồi có cơ hội xin việc tốt hơn. Những người có thói quen dậy sớm có khả năng dự đoán và phòng trừ rủi ro tốt”.
Randler cũng khẳng định rằng: “Những người này rất năng động – yếu tố then chốt cho khả năng hoàn thành công việc hiệu quả, mức lương cao hơn và thành công trong cuộc sống.”
“Dù những người hay “cú đêm” cũng có những ưu điểm nhất định như sáng tạo hơn những người ngủ sớm, dậy sớm; có khiếu hài hước đáng nể và đặc biệt hướng ngoại nhưng nhược điểm lớn nhất là họ làm việc lệch múi giờ so với những người khác”.
Trên hết, ngủ sớm, ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn làm việc năng suất hơn bằng việc tăng sự tập trung, cải thiện trí nhớ và kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp.
Người dậy sớm có xu hướng kiên trì, dễ hợp tác, sáng suốt và năng động hơn
Theo nghiên cứu của Randler, “chim sâu” siêng năng dậy sớm luôn năng động hơn “cú đêm”, hơn thế nữa, những người duy trì thói quen dậy sớm có xu hướng kiên trì, teamwork tốt, sáng suốt hơn trong công việc. Đây là những phẩm chất của các nhà lãnh đạo, những người thành đạt trong tương lai bởi chúng giúp con người trở nên kỷ luật, được đánh giá cao và hăng hái học hỏi hơn.
Ngủ đủ giấc tăng cường thể lực
Điểm chung của một freelancer làm việc tự do, một chủ cửa hàng nhỏ hay một ông bố, bà mẹ là không thể để bản thân đau ốm. Tuy nhiên, chỉ bằng việc ngủ sớm, dậy sớm, nguy cơ cảm vặt, ốm vặt cũng đã giảm đi đáng kể.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ đủ giấc tăng cường hệ miễn dịch – cơ chế bảo vệ tuyệt vời của cơ thể trước bất kỳ căn bệnh nào.
Bên cạnh đó, nghỉ ngơi đầy đủ giúp bạn có năng lượng cần thiết cho việc tập luyện thể dục thể thao, hơn nữa, dậy sớm cho bạn nhiều thời gian hơn để luyện tập trước khi trở nên quá bận rộn trong ngày. Ngủ cố cũng là một lý do khiến bạn bỏ bữa sáng và hình thành các thói quen không có lợi cho sức khỏe, ví dụ như ăn bim bim vì bạn không có đủ thời gian ăn một bữa sáng tử tế.
Giấc ngủ xua tan stress và khiến bạn thấy hạnh phúc hơn
Thử so sánh hai tình huống sau nhé!
Bạn phải đi làm vào lúc 8h, bạn dậy lúc 7h30 và vội vàng chạy vào phòng tắm làm vệ sinh, vơ vội một thứ gì đó ăn sáng và kiểm tra lại một lượt để đảm bảo rằng bạn có mọi thứ mình cần trong một ngày.
Bạn dậy lúc 6 giờ sáng, còn tận hai tiếng, thừa thời gian để bạn chuẩn bị đi làm, kiểm tra mail, đọc tin tức, thậm chí chăm sóc thú cưng. Quan trọng hơn cả, việc dậy sớm như vậy khiến buổi sáng của bạn không diễn ra dưới sức ép quá lớn về thời gian, đổi lại, khiến cả ngày của bạn trôi đi suôn sẻ hơn.
Những giờ đầu thức giấc quyết định một ngày của bạn sẽ diễn ra thế nào. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Joerg Huber tại Đại học Roehampton, London, “Những người dậy sớm sống hạnh phúc hơn, cũng như có chỉ số cơ thể BMI thấp hơn.”
Giảm sự trì hoãn
Theo một nghiên cứu năm 2008, những người dậy sớm có xu hướng trì hoãn công việc thấp hơn so với những người thích ngủ nướng mỗi sáng. Điều này khá hiển nhiên bởi những người dậy sớm thường năng động hơn, có nhiều thời gian yên tĩnh tập trung hoàn thành công việc. Đừng để nước đến chân mới nhảy, bằng cách đó, bạn sẽ giảm stress và có thể tận hưởng một giấc ngủ vô âu vô lo.
Giấc ngủ cải thiện ngoại hình
Một nghiên cứu khá thú vị được tiến hành bởi Đại học Stockholm cho thấy rằng những người trông mệt mỏi thường bị gán mác sống không lành mạnh và có ngoại hình kém thu hút hơn. Thực ra điều đó cũng không quá nghiêm trọng, nhưng nếu bạn muốn tạo ấn tượng ban đầu với người khác, với đối tác quan trọng, hãy chú ý chăm chút ngoại hình một chút.
Hãy tạo cho mình thói quen dậy sớm!
- Cải thiện dần dần. Bắt đầu thực hiện thói quen bằng việc dậy sớm hơn thông thường, ví dụ 15 phút sớm hơn trong tuần đầu tiên, 20 phút sớm hơn trong tuần tiếp theo và cứ tiếp tục như thế đến khi bạn đạt được mục tiêu của mình.
- Tạo thời gian biểu cho giấc ngủ. Kể cả khi bạn không thể ngủ ngay, hãy tạo cho mình thói quen lên giường nằm vào một mốc thời gian xác định mỗi tối.
- Tránh nguồn sáng cường độ lớn trong phòng ngủ. Các thiết bị điện tử như TV, điện thoại di động phát ra nguồn ánh sáng kích thích não bộ. Vì vậy, thay vì lướt Facebook, hãy đọc sách 1h trước khi đi ngủ.
- Tuân thủ đồng hồ sinh học. Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể thông báo cho bạn biết khi nào bạn phải đi ngủ và khi nào thì thức dậy. Vì điều này thuộc về tự nhiên, hãy cố theo dõi và tuân thủ theo.
- Tạo không gian lý tưởng. Điều kiện ngủ lý tưởng là không gian không có ánh sáng, nhiệt độ phòng rơi vào khoảng 60 đến 67 độ F.
- Tránh ăn vặt và sử dụng các chất có cồn trước khi ngủ. Đây là hai tác nhân khiến bạn không ngủ ngon.
- Tập thể dục. Tập luyện làm cơ thể bạn thấy mệt mỏi và chìm vào giấc ngủ dễ dàng.
Hà Lê