53% doanh nghiệp chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội
Mặt khác, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 15 triệu người lao động làm việc thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, tuy nhiên mới có 13 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm khoảng 86%.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội diễn ra ở tất cả loại hình kinh tế, nhưng tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nguyên nhân chính là do tính tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội của chủ sử dụng lao động chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi bảo hiểm xã hội đối với người lao động.
Ảnh minh họa
Theo ông Đào Việt Ánh, tính đến hết quý 1, một số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài như: Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) 28,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Nam Phương (Thành phố Hồ Chí Minh) 20,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lilama 3 (Hà Nội) 25,4 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Hà Nội) 19 tỷ đồng; Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Hà Nội) 18,9 tỷ đồng; Công ty CP xây dựng 47 (Bình Định) 15,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phẩn Vietbo (Đồng Nai) 19,9 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Inox HB (Hưng Yên) 14,2 tỷ đồng…
“Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm. Đây là dạng “nợ treo” hầu như không thể thu hồi và quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị “treo” chưa được giải quyết. Đến hết ngày 31/12/2015, trong số 1.400 tỷ đồng tiền nợ có 193.661 người lao động bị ảnh hưởng đến quyền lợi,” ông Đào Việt Ánh nói.
Nam Thanh (t/h)