500 dự án ở TP.HCM “trùm mền” vì nợ xấu
Dự án M&C Tower “trùm mền” vì nợ xấu gần 6 năm nay
Ngày 15/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: tính đến ngày 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng trên 160.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ.
Tổng nợ xấu mà Công ty mua bán nợ (VAMC) đã mua nhưng chưa xử lý được là 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,39% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được đã trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ.
Nếu gộp tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu mà Công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được… thì chiếm tỷ lệ khoảng 10,08% trên tổng dư nợ cho vay.
Còn trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu thì hàng năm nợ xấu vẫn phát sinh thêm 1,3 - 1,5% trên tổng dư nợ. Đồng thời, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm khoảng 16% thì trong 5 năm tới (năm 2016 đã tăng trưởng tín dụng 18,71%, dự kiến năm 2017 tăng cao hơn) sẽ phát sinh thêm nợ xấu khoảng 350.000 tỷ đồng, tổng nợ xấu lên đến khoảng 600.000 tỷ đồng.
Dự án PetroVietnam Landmark tại phường An Phú, quận 2 hiện vẫn là công trình dang dở
Được biết, nợ xấu bao gồm trong nhiều năm qua hơn 90.000 tỷ đồng trong xây dựng và các ngành có liên quan đến bất động sản.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, nợ xấu cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án bất động sản “trùm mền” thời gian qua, riêng TP.HCM có khoảng 500 dự án ngừng triển khai, nợ xấu thường được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là bất động sản, dự án bất động sản, nhà ở đã hoàn thành, nhà ở hình thành trong tương lai.
“Cũng cần hiểu rằng, “nợ xấu” nhưng “tài sản bảo đảm không xấu”, vì thông thường bất động sản khi thế chấp để vay tín dụng chỉ được tổ chức tín dụng trị giá phổ biến ở mức trên dưới 60% giá trị thực.
Tài sản bảo đảm của nợ xấu có thể là tài sản của người đi vay, có thể là tài sản của bên thứ ba (người bảo lãnh vay tín dụng), cũng có trường hợp là căn hộ của người mua nhà trong dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tín dụng”, ông Nhân cho biết thêm.
Theo Tiền Phong