5 sự thật thú vị về lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Nga
Ngày 9/5/1945, đại diện Đức quốc xã ký văn bản đầu hàng Liên Xô (cũ) và quân đội các nước đồng minh, chấm dứt Thế chiến II. Nhân dịp Ngày Chiến thắng 9/5 hàng năm, Cộng hòa Liên bang Nga thường tổ chức các buổi diễu binh hoành tráng. Dưới đây là những điều thú vị về sự kiện này được hãng tin Sputnik tổng hợp lại:
1. Lễ diễu binh Ngày Chiến thắng đầu tiên... không diễn ra vào ngày 9/5
Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng lần đầu tiên hôm 24/6/1945. (Ảnh tư liệu)
Mặc dù ngày 9/5 được chọn là ngày chiến thắng phát xít Đức, Lễ diễu binh Ngày Chiến thắng đầu tiên lại được tổ chức vào ngày 24/6/1945. Đến năm 1949, dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng hàng năm không còn được coi là một kỳ nghỉ lễ quốc gia. Tới năm 1965, lãnh đạo Liên Xô (cũ) khi đó là ông Nikita Khrushchev quyết định khôi phục kỳ nghỉ lễ này, kèm theo tổ chức diễu binh.
Sau khi Liên Xô (cũ) sụp đổ, Nga không tổ chức các cuộc diễu hành nhân Ngày Chiến thắng trước khi khôi phục truyền thống này vào năm 1995, nhưng khi đó các vũ khí quân sự không xuất hiện. Năm 2008, một lần nữa các loại khí tài quân sự lại được trình diễn tại lễ kỷ niệm.
2. Lá cờ chiến thắng phát xít Đức chỉ xuất hiện đúng 1 lần ở Quảng trường Đỏ
Hồng quân Liên Xô cắm cờ chiến thắng trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức năm 1945. (Ảnh tư liệu)
Đây chính là lá cờ nổi tiếng từng được 4 người lính Hồng quân Liên Xô (cũ) treo trên tòa nhà Quốc hội Đức (Reichtag) ở Thủ đô Berlin (Đức) năm 1945, đánh dấu cho chiến thắng cuối cùng trước phát xít Đức.
Ban đầu, 4 người lính trên dự định sẽ mang lá cờ diễu hành trong buổi lễ năm 1945, nhưng sau đó ý định này không được thực hiện. Lần duy nhất lá cờ huyền thoại xuất hiện tại một buổi lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng là vào năm 1965. Sau đó, nó được cất giữ và người ta chỉ còn sử dụng các bản sao của nó trong các buổi lễ kỷ niệm.
3. Tên lửa hạt nhân trong lễ diễu binh có thể là "hàng thật"
Tên lửa đạn đạo (ICBM) nhiều lần xuất hiện trong các lễ diễu binh Ngày Chiến thắng ở Nga. (Ảnh: Twitter)
Phần hấp dẫn nhất của buổi lễ là sự xuất hiện của các tên lửa đạn đạo (ICBM) có thể gắn đầu đạn hạt nhân, đặt trên các dàn phóng di động. Nhiều người vẫn đang tranh luận về việc các ICBM này có phải là hàng thật hay không.
Có nguồn tin cho rằng, nếu xảy ra tình huống khẩn cấp, các tên lửa Topol-M và ICBM có thể ngay lập tức được triển khai và phóng đi từ Quảng trường Đỏ. Ngược lại, một số người phản đối, bởi theo họ mang tên lửa thực tới giữa Thủ đô Moscow là quá nguy hiểm.
Trong lễ diễu binh năm 1965, cựu lãnh đạo Khrushchev đã lần đầu tiên sử dụng các mô hình ICBM. Tuy nhiên, theo tờ Rossiyskaya Gazeta, các tên lửa tham gia diễu binh hiện nay đều là tên lửa thực sự.
4. Năm 1995, có tới 2 lễ diễu hành được tổ chức
Nguyên thủ các nước tham gia lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm 1995. (Ảnh tư liệu)
Bấy giờ, cố Tổng thống Liên bang Nga Boris Yeltsin tổ chức lễ kỷ niệm đầu tiên kể từ khi Liên Xô (cũ) sụp đổ. Buổi lễ có sự tham gia của 52 nguyên thủ quốc gia, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Boutros Boutros-Ghali và cựu Thủ tướng Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Tuy nhiên, những chiếc xe quân sự không tham gia buổi lễ tại Quảng trường Đỏ. Chỉ có các cựu chiến binh đại diện cho những đơn vị chiến đấu trong Thế chiến II tham gia diễu hành trên quảng trường, cùng với các học viên, sĩ quan trẻ.
Trong khi đó, các xe quân sự đã tham gia lễ kỷ niệm ở Poklonnaya Gora - đài tưởng niệm liệt sĩ lớn dành riêng cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cách Điện Kremlin khoảng 9km.
5. Các nước đồng minh từng tham gia diễu binh năm 2010
Đại diện quân đội Anh tham gia lễ kỷ niệm năm 2010. (Ảnh: BBC)
Cho đến nay, lần duy nhất lực lượng các nước đồng minh tham gia lễ diễu binh trên Quảng trường Đỏ là vào năm 2010. Đó cũng là dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng.
Khi đó, buổi lễ có sự tham gia của các quân nhân Mỹ, Anh, Pháp và Ba Lan. Ngoài các quốc gia phương Tây, một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) cũng gửi quân tới tham gia diễu hành: Azerbaijan, Armenia, Belorussia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine và Moldova.
Trước năm 2010, quân đội đồng minh chỉ tham gia lễ kỷ niệm chiến thắng diễn ra vào ngày 7/9/1945 ở Berlin, theo sáng kiến của Nguyên soái Georgy Zhukov. Buổi lễ hôm đó có sự tham gia của quân nhân Liên Xô, Anh, Pháp và Mỹ.
Trọng Sang